Ai đã làm nên huyền thoại: “Nick Vujicic Việt Nam”
Bé Nguyễn Linh Chi (P. Nguyễn Thái Học, TP tỉnh lỵ Yên Bái) năm nay 11 tuổi, đang theo học lớp 4. Không có chân, không có tay theo đúng nghĩa đen, bé như con chim cánh cụt hiện ra trước sự ngỡ ngàng xót xa của bất cứ ai từng gặp.
Từng tủi hờn bất kể mùa đông hay mùa hè, đi đâu cũng cuốn con gái trong tấm chăn chiên kín bưng, giờ đây, Trịnh Thị Ngọc Thủy - mẹ cháu - đã thật sự mở lòng để tự tin nói về đứa con gái biết vượt lên số phận.
Bé Chi cầm bút chẳng giống ai, nhưng viết chữ khá đẹp.
Sự thay đổi ấy bắt đầu kể từ khi mẹ con chị Thủy gặp nhân vật nổi tiếng thế giới về nghị lực đối mặt với sự khuyết tật đến kỳ dị của bản thân: Nick Vujicic.
Bé Chi tặng tranh mình vẽ chân dung Nick Vujicic.
Bọc kín con mỗi khi ra khỏi nhà
Nick Vujicic SN 1982, người Úc, bẩm sinh đã không có cả tứ chi. Năm 17 tuổi, Nick đứng ra thành lập một tổ chức phi lợi nhuận của riêng mình với tên gọi “Cuộc sống không có tay chân”. Nick đi khắp thế giới diễn thuyết, truyền cảm hứng cho người khuyết tật hãy dũng cảm, đối mặt bằng nghị lực can trường:
“Khuyết tật lớn nhất của con người là đầu hàng số phận”. Năm 2013 vừa qua, Nick đến Việt Nam và giao lưu, hiệu triệu mọi người “Hãy sống cho điều ý nghĩa hơn”, “Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng”. Khi Truyền hình Việt Nam liên tục phát đi các hình ảnh của Nick, đã có một cơn bão cảm xúc trong đại đa số bà con ta. Một trong số đó, có cô bé Nguyễn Linh Chi sinh ra đã không tay không chân giống Nick.
Nếu không xem các bức ảnh này, chắc không ai tin bé Linh Chi có thể thêu thùa, xâu kim.
Ông nội Chi, Đại tá Nguyễn Đình Sanh, nguyên Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh Yên Bái, từng chiến đấu ở các chiến trường nhúng nhuộm chất độc da cam. Bố Chi rồi hai chị em Chi sinh ra đều bị ảnh hưởng bởi thứ chất độc quái ác này.
Lúc siêu âm thai, các bác sĩ phát hiện ra việc “khuyết tứ chi” của bào thai bé bỏng sau này tên là Nguyễn Linh Chi rất muộn, khi mà chỉ còn hơn chục ngày nữa là cô bé cất tiếng khóc chào đời. Chị Trịnh Thị Ngọc Thủy đã kiên quyết giữ bé lại với suy nghĩ tử tế nhất: Dù thế nào “nó” cũng là đứa con trời ban cho mình.
Ba tuổi Chi mới biết nói, câu đầu tiên Chi cất lên trong cuộc đời, ai ngờ lại là: “Con xin lỗi mẹ!”. Có người bảo, Chi biết nói từ lâu, nhưng nó buồn bã và bặm môi không nói, hôm đó bị mẹ bợp tai cho mấy cái vì tội làm rơi vỡ đồ quý, cô bé sợ quá mới buột miệng thốt ra lời.
Có người bảo, cô bé sinh ra đã thấy buồn và thấy thương mình, thương cha mẹ ông bà, nên lời xin lỗi thốt ra khi bé đã sống cả nghìn ngày trên trần gian theo đúng chủ đề ấy.
Chị Thủy nhớ lại: “Lúc tôi siêu âm xong, đi Hà Nội để đẻ, thì ở nhà cả khu vực đã biết tin, đã xì xào. Họ hiếu kỳ lắm. Có người nói này nói nọ, nhưng cứ hễ đụng đến con tôi là tôi chửi ngay, “nhất thì bét”. Lúc ấy đầu óc như lú lẫn đi vì đau đớn.
Đi ra khỏi nhà, vợ chồng tôi đều phải lấy chăn chiên cuốn kỹ con bé vào, dù trời nóng hay lạnh. Cốt sao giấu cho kỹ! Ai đến thăm, tôi cũng nghĩ họ tò mò xem con mình là trò tiêu khiển cho vui, rồi châm chọc ấy mà...”. Lúc Chi đến tuổi mẫu giáo, không trường nào nhận, mẹ cháu tìm mãi mới có trường của một nhà thờ trong khu vực đồng ý chăm sóc bé.
Anh Nam, bố cháu kể: “Mỗi lần con gái hỏi, bao giờ tay con sẽ dài ra như chúng bạn để không bị gọi là “cụt chân cụt tay” hả bố... ? - thì tôi chỉ còn biết khóc”.
Chị nhận ra điều này một cách sâu sắc, kể từ khi mở tivi xem thấy Nick Vujicic diễn thuyết, tự tin bơi lội, có vợ đẹp con khôn, đi khắp thế giới diễn thuyết rồi trở nên giàu có, được sự ngưỡng mộ của quá nhiều người trên trái đất.
Sao anh chàng Nick lại làm được điều đó? Sao mình lại hèn nhát cuốn cái tổ sâu kèn lôi cả đứa con gái vô tội chui vào đó, để rồi dấm dứt khóc suốt bao năm qua? Sao không đưa chi Linh Chi ra khỏi nhà một cách tự tin để cháu hòa nhập với chúng bạn?
Chị đang nghĩ như vậy thì bé Linh Chi cất lời: “Con muốn gặp chú Nick. Con sẽ vẽ tranh tặng chú ấy nhé? Chú ấy đến Việt Nam, mẹ con mình gửi email đăng ký vé là đi dự được”. Bé Chi dùng một khuỷu tay tun ngủn như bắp ngô non của mình chỉ cho mẹ trang web có thông tin về chú Nick.
Cuộc đời thay đổi
Bấy lâu bận việc kiếm ăn, hai vợ chồng đi từ sáng đến đêm, chị cứ ngỡ con mình không biết làm gì. Chị hết mực chăm con, nhưng ít dành thời gian tâm sự với nó. Ông nội cháu đã đẽo những cái cán dài bằng tre, buộc cây bút vào và dạy bé Chi lấy các cục thịt mềm thuôn như bắp ngô và mềm nhẽo ở hai bên bả vai Linh Chi “quắp” lấy “cây sào gắn bút”.
Rồi bé Chi áp bút vào má mình và viết. Bé gật gật, nghiêng nghiêng cái đầu là chữ hiện ra. Rất khó nhọc, rất kỳ công. Bé ngúc ngoắc lắc người mà tiến lên phía trước. Mỗi bước đi là máu ứa ở hai cục thịt “dấu tích của cái chân”. Phương pháp đi của chú Nick và của bé Chi, ở hai châu lục xa xôi, không tham khảo kinh nghiệm của nhau lần nào, nhưng rất giống nhau.
Ông nội chế các cây thang bằng gỗ, để Chi tập leo lên, bất chấp cô bé ngã như đập mẹt. Dần dà, Chi có thể men theo bờ tường, cắp chổi rơm, chổi nhựa vào giữa gò má và cục thịt ngắn mọc ra từ bả vai bên phải để cần mẫn quét nhà cho ông nội xem.
Ông nội mất cách đây 6 năm, Chi chỉ còn biết vui chơi cùng thằng “Cò” là cậu em trai. Cò bị tự kỷ thể tăng động, nhưng được cái nó tăng động nên luôn xăng xái hỗ trợ mẹ khi cần. Nó hỗ trợ suốt ngày đêm, không bao giờ kêu mệt.
Quét nhà giúp ông bà.
Chi lướt báo điện tử, nói mẹ gửi email cho Đài Truyền hình Việt Nam để xin vé đi nghe chú Nick nói chuyện. Trong lúc mẹ gửi mail thì Chi ngồi vẽ một bức chân dung chú Nick. Bức vẽ chỉ có gương mặt hình tròn của Nick, không chân không tay! Bà mẹ gà mờ về mạng mẽo của cháu ngồi viết xong cái thư thì gửi nhầm đến trang web của VOV (Đài tiếng nói Việt Nam).
“Gửi xong một lúc thì có chị nhà báo gọi lại, họ bảo, trường hợp con chị rất đặc biệt. Em sẽ viết bài và xin vé cho cháu đến gặp Nick. Phải viết bài và xin vé, chứ mua vé “chợ đen” bây giờ đắt lắm”. Quả nhiên, rồi sau đó, BTV Hoa Thanh Tùng của VTV có gọi điện và mời mẹ con chị Thủy xuống Hà Nội để giao lưu với chú Nick.
Mẹ cũng “quê” và cháu Chi thì lại càng nhút nhát, cả đời cháu đã biết Hà Nội là gì và Hà Nội nằm ở đâu đâu. Đi xuống đến nơi, xe ôtô khách chạy ẩu, hai mẹ con say bí tỉ. Không dám ăn uống gì, đang đói cồn cào thì được dẫn vào một con đường hầm hun hút tới một căn phòng kín. Ba người lớn và bé gái không chân không tay ngơ ngác ngồi đó.
Đoán già đoán non mãi, cuối cùng họ được đưa ra rìa sân khấu ngồi chờ. Bé Linh Chi nhìn thấy đám đông và tiếng loa ồn ào thì sợ quá, cứ khóc ré lên. Chợt, lại nghe phiên dịch cho biết, Nick đang say sưa kể về một cô bé mà Nick gặp bên bờ biển ở một quốc gia nào đó.
Thấy loáng tháng như vậy, chị Thủy run quá, nghe gà hóa cuốc lại vỗ vai Linh Chi bảo: Chú Nick muốn gặp cô bé ấy, là con đấy chứ ai! Chị dắt bé Chi đứng dậy. Chuẩn bị nào.
Chị hít một hơi thật sâu lấy can đảm. Linh Chi sợ quá, nó chưa ra chỗ đông người như thế bao giờ, lại càng khóc to hơn. Ai ngờ Nick đang ngồi trên bàn với trang phục lịch lãm của người không có cả tứ chi mới hướng mắt ra phía bé gái Linh Chi. Trông thấy “chim cánh cụt” lạch bạch nấn ná khóc, Nick ngạc nhiên dừng lời, xúc động đề nghị: Tôi muốn gặp bé gái có thân hình giống tôi kia!
Thế là “cháy” chương trình, tất cả hướng lên sân khấu. Mẹ con Linh Chi bước ra. Một cảnh gặp gỡ xúc động hàng chục triệu khán giả Việt Nam và chắc nó còn mãi ám ảnh người Việt Nam. Nick nhân ái, gần gụi, anh ta đến tiếp cận mẹ con bé Chi. Cuộc giao lưu thành công ngoài mong đợi.
Rất nhiều người còn nhớ các lời khuyên xúc động Nick dành cho bé Linh Chi “giống Nick”: Phải từ từ, cần có thời gian để vượt qua nỗi mặc cảm bản thân, cô bé ạ. Cô bé đừng buồn nếu đôi khi và ở đâu đó có ai đó làm cho bé phải buồn. Và bất ngờ thay, Nick hứa sẽ đưa gia đình lên Yên Bái thăm bé Chi cùng người thân vào một dịp nào đó!
Trong mắt chị Thủy và bé Linh Chi, thì họ rất vụng về và không nói câu nào ra câu nào trong cuộc đối thoại với Nick. Họ lo làm phiền ban tổ chức, làm hỏng chương trình giao lưu quá trang trọng và quá ấm tình đó.
Nhưng với khán giả cả nước, cuộc gặp giữa Nick Vujicic và Linh Chi đã là điểm nhấn “Việt Nam hóa” nghị lực sống phi thường của con người huyền thoại Nick Vujicic. Gương mặt thơ ngây xinh xắn của Linh Chi đã ám ảnh nhiều người.
Đang từ chỗ bỏ hẳn công việc nhà nước để chăm con, đang tuyệt vọng khép mình oán hận số phận và sẵn sàng cáu bẳn “nhất thì bét” nặng lời với những người dòm dỏ đứa con tật nguyền “quái dị” của mình, chị Thủy từ cuộc giao lưu trở về và bỗng thấy đời còn có tương lai không u tối ở phía trước.
Bé Chi có thể vui sống, có thể học hành, có thể say mê một công việc nào đó, có thể trở thành biểu tượng nho nhỏ để rồi đem nghị lực sống của bé thắp lửa cho những người thiệt thòi khuyết tật khác. Tại sao không? Tiền của nhà hảo tâm liên tiếp gửi về giúp đỡ cháu. Giữa lúc đó, các lãnh đạo ở tỉnh xem truyền hình, thương mẹ Linh Chi quá, mới xin cho Thủy vào làm ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Yên Bái.
Bé Chi là cháu nội của một Đại tá, cựu binh có công với nước, từng làm Chỉ huy trưởng BCH Quân sự tỉnh nhà, gia đình cháu nhiều người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nhà nước sẽ chăm sóc cháu tại chính trung tâm mẹ cháu vừa được đặc cách nhận về.
Chị Thủy bảo: Từ ngày làm ở ngành này, tiếp xúc với quá nhiều số phận thiệt thòi, nghèo khó, thấy sự lạc quan và lối sống rất tích cực của họ, chị xúc động và tỉnh ngộ thêm. Thế là chị rất cởi mở, chị tham gia các hoạt động xã hội một cách chân thành nhất.
Sáng đưa con từ Trung tâm Bảo trợ đến trường, thả con vào cái chỗ để chân khá rộng của xe Honda Lead. Bé Chi ngồi đó, lất lưởng không có chân tay để bám, bé dựa phom lưng cụt lủn vào cẳng chân và đặt cái mông gồm hai khúc đùi ngắn đến bẹn để gồi lên bàn chân mẹ.
“Nó ngã thì nó luôn biết tự chống đỡ. Dù không chân không tay, nhưng nó rơi từ trên bàn trên ghế xuống đất cũng không sao, nó tự biết cách ngã an toàn”, chị Thủy hồn nhiên kể.
Sửng sốt với kỳ tích của “cô lính chì dũng cảm”
Nick làm được nhiều việc khiến rất nhiều người ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Linh Chi nào có kém gì. NSNA Thanh Miền và chúng tôi đến nhà Linh Chi, ngạc nhiên thấy bé Chi cầm chổi quét nhà vèo vèo! Bé dùng cục xương mẩu thịt ở bả vai thò ra và cặp má bé thơ của mình làm “đôi tay” để kẹp chổi.
Bằng phương pháp ấy, bé xâu kim được, thêu thùa trên lớp, khiến cô giáo Lam, Chủ nhiệm và cô giáo Như, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học vô cùng ngạc nhiên. Đặc biệt, bé Chi có thể gõ tên mình nhoay nhoáy trên điện thoại hay ipad rồi search google (tìm kiếm) xem các nhà báo viết gì về mình, chú Nick giờ đang làm gì ở đâu.
Bé có thể “thay mặt” mẹ chat facebook. Bé gọi điện thoại cho đồng nghiệp của mẹ ở Trung tâm và buôn dưa lê. Chị Thủy bao phen tá hỏa vì tiền cước điện thoại di động trội lên, rồi bé chat với các chú các bác lớn tuổi trong cơ quan mẹ mà cứ “tớ với cậu” như bạn bè làm mẹ bé đã từng phải đi xin lỗi các bề trên. Điều mẹ bé ngạc nhiên nhất là gì?
“Là có hôm em ngồi cuốn nem. Con em tự xúc thạch rau câu từ trong hộp ra ăn, hứng lên nó còn quay quay cái thìa trên cùi tay nhọn hoắt và má. Cứ như vũ nữ. Em quay ra, nó sà xuống dùng tay và má, cắp đũa cắp thìa, vớt miến, thịt, mộc nhĩ ra, trải bánh đa nem ra và cuốn. Nó cũng cuốn nem như ai. Giỏi quá đi mất, em phục nó luôn!”, Trịnh Thị Ngọc Thủy kể.
Bé Linh Chi cười, hóm hỉnh đáp: “Con cũng phục mẹ luôn, mẹ chẳng biết con tự học được món đó từ bao giờ ư?”.
Họ cùng lấp lánh cười. Chi cặp ấm nước vào má, rót ra mời khách, cứ như một đứa trẻ hoàn toàn bình thường. Gương mặt cháu trắng trẻo, mắt to dưới cặp kính cận, tóc dài đen nhánh, ứng xử của cháu rất thông minh.
Năm 2013, Linh Chi xúc động được nhận học bổng “Chắp cánh tài năng Việt” của Tập đoàn VNPT. Nhiều người đến nhà, mang theo màu và thang cuốn, vẽ cả những bức tranh tường ngộ nghĩnh giăng kín bức vách khổng lồ để động viên bé.
Có ông chủ doanh nghiệp còn đều đặn mỗi tháng gửi tiền triệu để chăm sóc bé. Ngày phụ nữ Việt Nam, ông cũng cử nhân viên mang hoa đến tặng “con gái Linh Chi” hẳn hoi.
NSNA Thanh Miền, sau khi bộ ảnh chụp bé Chi in các báo lớn, được trao Giải Báo chí Quốc gia, đã mua nhiều quá, in cả bộ ảnh khổ lớn treo trong nhà để động viên “cô lính chì dũng cảm” với “Nghị lực sống” (tên tác phẩm) đặc biệt. Bé Chi lập kỳ tích, trở thành một huyền thoại nghị lực của người không chân không tay tại Việt Nam.
Nhưng mẹ cháu cũng đã lập kỷ lục khi sát cánh bên con, chăm bẵm, động viên, đào tạo để con có thể tự tin bước ra trường lớp, tự tin sinh hoạt với chúng bạn. Hồi Chi mới vào lớp 1, ngày nào chị Thủy cũng đến trường vào buổi trưa để bón cho con ăn. Sau này, chị công phu rèn cho con biết tự xúc cơm bằng cách kẹp thìa vào cục thịt ở bả vai và má.
Cô giáo Lam thì bế Chi đi vệ sinh mỗi khi bé ra tín hiệu là có nhu cầu. Họ để bé lắc mình lật khật, băng ra khỏi ghế ngồi, tự di chuyển “vèo vèo” ra cửa lớp, đứng nhìn các bạn chào cờ. Có khi họ bế Chi ra khỏi bậc tam cấp để Chi tự “lăn” ra ngồi đầu hàng giữa sân như chúng bạn.
Cô Như, hiệu trưởng thì quan sát từ xa. Cô yêu cầu bố trí lớp có Chi học phải ở gần nhà vệ sinh, gần phòng tập nhạc, tập hát để Chi di chuyển dễ dàng. Đặc biệt, mỗi lúc có quà cáp, phần thưởng trao cho Chi, thì nhà trường bố trí một cô giáo không đi giày cao gót bế em ra sân khấu.
Bởi Chi đã 11 tuổi, khá nặng, lại không có chân tay để bấu vào người bế mình, cũng như quá ít vị trí để người bế có thể bấu giữ cho bé khỏi ngã. Hỏi, cô ngạc nhiên nhất về khả năng nào của Chi?
Cô Như bảo, tôi thấy cháu thật can trường để vươn tới. Cháu mở vở ra chép bài như các bạn, viết rất khó nhọc, nhưng chữ cháu, cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh đều rất đẹp. Đặc biệt, cái cục thịt ở bả vai thò ra thế kia, mà Chi mở vở rất chuẩn, vở không bị nhăn nhàu gì cả, phục lắm.
Cô chủ nhiệm lớp 4D, Trần Thị Hồng Lam, vừa nhắc đến học trò chắc chắn là đặc biệt nhất trong đời làm giáo viên của mình, đã bật khóc: “Lên lớp 4 rồi, phép tính đã lên tới hàng nghìn hàng triệu, số dài, chữ dài. Chi phải úp sát mặt xuống mỗi trang vở để cầm bút, vì thế cháu bị cận rất nặng.
Cháu nhìn số khó khăn, luôn viết nhầm và viết sai. Tôi cũng bảo mẹ cháu, chị thật quả cảm. Trời không lấy đi của ai tất cả đâu, những cố gắng của chị sẽ được đền đáp xứng đáng. Và bây giờ, tôi thấy mẹ con họ mở lòng ra, họ đã đón nhận hạnh phúc rất giản dị”.
Công chúa “chim cánh cụt” ước mơ làm chuyên gia máy tính
Bây giờ, dẫu thỉnh thoảng các cặp xương “tay cụt” ngắn tũn của Linh Chi lại mọc dài ra, nó đâm thủng lớp da non bấy, méo xẹo ở cùi “lọn thịt giống như tay” của cháu. Bố mẹ lại tá hỏa vay tiền hàng xóm để đưa Chi sang Thái Nguyên cắt bớt một hai khúc xương chóng lớn đi, mỗi lần cắt là cả chục triệu đồng tiêu tốn.
Chi bị ảnh hưởng chất độc da cam nên máu rất nóng, lúc nào mồ hôi cũng túa ra trong khi chúng bạn đang mặc áo len; luôn phải vận động ngọ nguậy vì trong người rất khó chịu. Thế nên các phương án lắp tay giả cho bé đều thất bại. Cò học cùng lớp và hàng ngày “làm chân làm tay” của bà chị Linh Chi, bằng cách xách cặp cho chị rồi cùng chị đến học trong lớp 4D ấy.
Chi và mẹ bé, bất ngờ thay, khi được hỏi, đều nói rằng, họ ước mơ Linh Chi sẽ trở thành một chuyên gia máy tính, chuyên gia mạng internet. Bởi ngay từ nhỏ Chi khá thành thạo và say mê lĩnh vực này!