9 "cục đá" cản đường tới Nhà Trắng của bà Hillary Clinton

13-11-2016 15:56:33

Trước bầu cử Mỹ, đại đa số đặt niềm tin lớn lao rằng bà Hillary Clinton sẽ thắng. Thậm chí, hầu hết số liệu khảo sát trước bầu cử cũng cho thấy điều đó. Thế nhưng không ai có thể lường trước được điều gì.

1. Bê bối email cá nhân

Không sớm không muộn, trước ngày bầu cử chỉ 11 ngày, FBI bỗng nhiên công bố muốn điều tra lại bê bối thư điện tử vốn đã chìm vào quên lãng của bà Clinton.

Theo những nhà đầu tư cho chiến dịch tranh cử, bà Clinton đổ lỗi thất bại cho giám đốc FBI Comey với tuyên bố điều tra các email vào giai đoạn nước rút. Theo nữ ứng viên, chính điều này dẫn đến sự sụt giảm ủng hộ đáng kể ở khu vực miền trung tây.

Dù sau đó giám đốc FBI tuyên bố các email trong vụ điều tra mới nhất không vấn đề gì, vụ việc càng khiến cử tri của Trump tin tưởng vào những cáo buộc gian lận khiến họ quyết tâm đi bỏ phiếu nhiều hơn. "Cuối cùng thì con số cử tri của phe Cộng hòa tăng vọt khiến chúng ta không thể vượt qua", Clinton nói.

2. Kinh tế

Cử tri năm nay đa phần ám ảnh với tình trạng mức lương thấp và bất bình đẳng thu nhập, tất nhiên sẽ đổ lỗi cho “những chính trị gia truyền thống” như bà Clinton, ông Obama, và cả sự lãnh đạo của đảng Dân chủ.

Có quá nhiều chướng ngại vật cản con đường bà Clinton đi tới chức Tổng thống

Trong khi đó, ông Donald Trump lại thuyết phục được cử tri tin rằng những vấn đề lao động như trên xuất phát từ các thỏa thuận thương mại bất lợi của chính quyền, cũng như một nền kinh tế đầy rẫy gian lận. Trong bối cảnh hoài nghi bủa vây, cử tri có vẻ thấy cái lợi trước mắt từ chính sách giảm thuế thu nhập của ông Trump hơn.

3. Sự tin tưởng

Sự tin tưởng chính là vấn đề cốt lõi nếu một chính trị gia muốn cử tri tin vào chính sách họ đưa ra. Về điểm này, bà Hillary Clinton rõ ràng đã mất uy tín nhiều hơn so với ông Donald Trump.

Dù bị The New York Times khơi ra chuyện đã lách luật để không đóng thuế 18 năm, ông Trump vẫn là một người không vi phạm pháp luật. Ngược lại, bà Clinton đã dính ít nhất 3 “phốt” cực nặng liên quan tới niềm tin: Quỹ Clinton, Goldman Sachs và vụ email.

4. Thông điệp thiếu thuyết phục

Nếu nhận xét rằng ông Trump đã nhận sự ủng hộ của cử tri thông qua những phát biểu hùng hồn, đây mặc nhiên là điểm yếu của bà Clinton.

The Guardian cho rằng khẩu hiệu tranh cử “Cùng nhau mạnh mẽ hơn” của bà Clinton có thể diễn tả sự đoàn kết sâu sắc, nhưng lại ít gợi nhớ điều gì trong lòng cử tri Mỹ. Trong khi đó, “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump thực sự mạnh mẽ, ấn tượng hơn.

5. “Chết” vì thống kê

Những thống kê có lợi cho bà Clinton đã gián tiếp làm hại tham vọng của bà, vì nhiều cử tri sẽ bị tác động quanh chuyện đã chắc thắng và không thèm đi bầu. Mặt khác, số lượng cử tri bỏ phiếu sớm không nhiều và không thể đại diện cho toàn thể.

6. Chênh lệch quá lớn về số phiếu đại cử tri

Trong những cuộc bầu cử mà kết quả sít sao, sự "thay lòng" của vài đại cử tri có thể khiến ván cờ lật ngược. Tuy nhiên, năm nay ông Trump dự kiến có thể được 306 phiếu đại cử tri so với 232 phiếu của bà Clinton

Như vậy, để đảo ngược tình thế thì cần đến tối thiểu 37 đại cử tri "bất trung". Đây là điều bất khả thi do cách biệt quá xa.

Bà Clinton đã chấp nhận thất bại trước ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016

7. Đại cử tri rất trung thành

Các đại cử tri ủng hộ của Trump đều được đảng Cộng hòa chọn lựa rất kỹ để bảo đảm họ sẽ không bao giờ thay lòng. Dù phần lớn những nghị sĩ, quan chức có tiếng của đảng đã tẩy chay Trump, khả năng này với các đại cử tri rất thấp.

Nếu quay lưng với Trump, họ không chỉ phản bội lại các phiếu bầu của người dân mà còn với chính đảng Cộng hòa. Dù một số đại cử tri quả thực không hài lòng với Trump, họ nói sẽ tôn trọng kết quả bầu cử.

8.  Phe Cộng hòa nắm kiểm soát quốc hội

Nếu con số đại cử tri "quay lưng" với Trump không đủ lớn mà tạo ra thế cân bằng khoảng 270-270 sẽ khiến quyền định đoạt cuộc bầu cử trở về Hạ viện.

Cơ quan này đang do đảng Cộng hòa kiểm soát nên chắc chắn họ sẽ lại bỏ phiếu cho Trump. Nếu muốn ngăn Trump chiến thắng, các nghị sĩ Cộng hòa phải đồng lòng ủng hộ bà Clinton. Đây là điều không thể xảy ra. 

9. Tôn trọng giá trị dân chủ

Sự trung thành của các đại cử tri thể hiện tôn trọng các giá trị dân chủ của Mỹ. Lịch sử bầu cử Mỹ trong 80 năm trở lại đây chỉ ghi nhận 9 đại cử tri bất trung.

Nếu các bang xảy ra tình trạng một số lượng lớn "đại cử tri đào tẩu" thì luật quy định rằng quốc hội phải bỏ phiếu để xem có thể chấp nhận kết quả ở bang nào. Khi phe Cộng hòa nắm phe đa số tại quốc hội, họ sẽ ngăn cản mọi âm mưu muốn cướp chức tổng thống từ ông Trump.

 

 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus //