6 tỉnh, thành sẽ tiêm vaccine Covid-19 miễn phí cho người dân
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vaccine được coi là giải pháp hữu hiệu làm giảm tỷ lệ mắc, bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng. Đến nay, đã có các tỉnh, thành Hà Nội, Bình Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh và Đồng Nai đề xuất mua vaccine Covid-19 tiêm miễn phí cho người dân.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters).
Tại Đồng Nai, ngày 24/2, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi UBND tỉnh này đề xuất dùng ngân sách mua vaccine ngừa Covid-19 để tiêm cho toàn bộ người dân trên địa bàn. Nếu đề xuất được tỉnh thông qua, người dân Đồng Nai sẽ được tiêm vaccine miễn phí.
Đồng Nai có dân số khoảng 3,1 triệu người, tương đương với 6,2 triệu liều vaccine (một người tiêm 2 mũi). Trước đó, tỉnh Đồng Nai đã tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước nghỉ Tết ngoài tỉnh trở về.
Tại Bình Dương, Sở Y tế Bình Dương sẽ đề xuất trích ngân sách mua vaccine Covid-19 tiêm cho người dân.
Bình Dương là địa phương có đông lao động từ các tỉnh đến sinh sống, làm việc, cho nên Sở Y tế đang xem xét đề xuất đối tượng được tiêm vaccine miễn phí và thời gian thực hiện.
Trước đó, Bình Dương có 6 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Trong 18 ngày qua, địa phương này không có ca mắc mới nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức cao, đặc biệt, sau Tết Nguyên đán số lượng công nhân về quê trở lại làm việc khá đông.
Tỉnh này đã có công văn đề nghị người đến từ các địa phương khác phải khai báo y tế, những trường hợp từ vùng có dịch được cách ly tập trung theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm.
Theo ghi nhận, những ngày này, tại các trung tâm y tế trong tỉnh Bình Dương, rất đông người lao động đến khai báo y tế. Các doanh nghiệp cũng chủ động phòng dịch thông qua việc bố trí giãn cách, đo thân nhiệt tại cổng công ty và yêu cầu người người lao động đeo khẩu trang.
Tại Quảng Ninh, trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm 7/2, tỉnh Quảng Ninh đã thông báo sẽ ưu tiên và chủ động ngân sách, đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ thủ tục mua vaccine tiêm cho người dân toàn tỉnh.
Quảng Ninh là địa phương thứ 3 ở Việt Nam chủ trương mua vaccine ngừa Covid-19 tiêm cho toàn dân, sau Hải Phòng và Hà Nội.
Tại Hà Nội, chiều 22/2, Báo cáo tại cuộc họp họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với các quận huyện, phường xã, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết ngành y tế đã đề xuất mua khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19 để tiêm 2 mũi cho người trên 18 tuổi ở Hà Nội.
Về tình hình dịch bệnh, ông Hạnh cho biết dù dịch bệnh Covid19 cơ bản được kiểm soát, trong một tuần qua TP không có ca mắc Covid-19 mới nhưng nguy cơ dịch bệnh vẫn còn ở mức cao. Lý do là có thể còn những người từ các tỉnh thành có dịch vào TP chưa khai báo hết.
Theo ông Hạnh, TP sẽ theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn đến hết tuần này. Trong tuần tới Hà Nội có thể thay đổi về mặt giãn cách xã hội, trong đó học sinh có thể quay lại trường, các lễ hội có thể hoạt động.
Trước đó, ngày 2/2, tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết toàn bộ người dân Hà Nội sẽ được tiêm vaccine Covid-19 bằng nguồn ngân sách của thành phố và nguồn vốn hợp pháp khác.
Ở Hải Phòng, tại cuộc họp trực tuyến chiều 29/1, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nhấn mạnh thành phố tập trung lên kế hoạch và sẽ là địa phương tiên phong mua vaccine để phòng, chống dịch Covid-19 cho hơn 2 triệu dân trên toàn thành phố.
Ông Lê Khắc Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết thành phố đã đề xuất hai phương án mua vaccine để tiêm chủng cho 2.051.000 người dân Hải Phòng, với quy trình tiêm 2 liều/người, mỗi liều cách nhau 21 ngày. Để triển khai, thành phố cũng có đề xuất Chính phủ hỗ trợ thêm.
Tại Hải Dương, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam về việc đề nghị Chính phủ Ấn Độ viện trợ vaccine Covid-19 cho tỉnh này.
Cụ thể, tỉnh Hải Dương đề xuất với Chính phủ Ấn Độ viện trợ không hoàn lại cho tỉnh Hải Dương từ 200.000 - 300.000 liều vaccine Covid-19 do Ấn Độ sản xuất. Lượng vaccine này để tiêm chủng cho những cán bộ y tế, chiến sĩ, những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao trong tuyến đầu chống dịch.
Trước đó, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư Invest Global của Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, trung tâm này đã đề nghị Đại sứ quán Ấn độ viện trợ vaccine Covid-19 cho Hải Dương để góp phần hỗ trợ tỉnh phòng chống dịch Covid-19. Đại sứ quán Ấn Độ đã chia sẻ thông tin, Chính phủ Ấn Độ sẵn sàng viện trợ từ 200.000 - 300.000 liều vaccine Covid-19 do Ấn Độ sản xuất cho tỉnh Hải Dương. Chủng loại vaccine này đã được kiểm nghiệm và sử dụng phổ biến tại Ấn Độ và được Chính phủ nước này viện trợ cho nhiều nước trên thế giới.
"Dựa trên văn bản của trung tâm nói trên, tỉnh Hải Dương mới có văn bản đề xuất với Đại sứ quán Ấn Độ", ông Hơn cho biết thêm.
Tại cuộc họp về tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra chiều 24/2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều.
Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch Covid-19 đến đời sống.
Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành Y tế.
Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường Y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
* Ngày mai 26/2, vaccine ngừa Covid-19 nội địa (vaccine Nanocovax) sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 trên người tình nguyện ở Long An và Hà Nội.