6 phim truyền hình 'Vũ trụ VTV' khiến khán giả tranh cãi nhiều nhất năm 2020
Năm 2020, với niềm hứng khởi có sẵn từ 2019, rất nhiều bộ phim được "Vũ trụ điện ảnh VTV" cho ra mắt với sự đầu tư còn "khủng" hơn năm 2019. Nhưng thành quả của năm 2020 liệu có giống như 2019.
Năm 2019, những bộ phim nổi bật được khán giả yêu thích và bàn tán sôi nổi có thể nói đến như: "Quỳnh búp bê", "Chạy trốn thanh xuân", "Về nhà đi con". Một số bộ phim khác cũng có chất lượng tương đối đồng đều như: "Những cô gái trong thành phố", "Mê cung"...
Nhờ những bộ phim truyền hình chất lượng, ý nghĩa cùng dàn diễn viên tài năng, ngày càng được nhiều người yêu thích giúp cụm từ "Vũ trụ điện ảnh VTV" ra đời và trở nên thân thuộc với khán giả. Với tên gọi này, những người làm phim tỏ rõ niềm tự hào với phim truyền hình Việt cũng như tin tưởng vào một hướng đi với nhiều sự tìm tòi đầu tư công phu cho phim truyền hình để đáp ứng được nhu cầu xem phim Việt của khán giả.
Phim "Nhà trọ Balanha" thu hút khán giả bởi chất trẻ trung, tính hài hước của những người trẻ.
Đề cập đến những bộ phim nổi bật trong 2020 không thể không kể đến như: "Nhà trọ Balanha", "Tình yêu và tham vọng", "Cát đỏ", "Trói buộc yêu thương", "Tiệm ăn dì ghẻ", "Lửa ấm", "Đừng bắt em phải quên"… Những bộ phim này tiếp tục được "Vũ trụ điện ảnh VTV" cho ra mắt với sự đầu tư còn "khủng" hơn năm 2019. Có điều thành quả gặt hái từ những bộ phim được lên sóng trong năm 2020 liệu có hơn so với năm 2019 là điều khiến khán giả và người trong nghề không khỏi tò mò.
Tình yêu và tham vọng
"Tình yêu và tham vọng" với sự tham gia của diễn viên: Nhan Phúc Vinh vai Minh, Diễm My vai Linh, Mạnh Trường vai Phong, Lã Thanh Huyền vai Tuệ Lâm, Thanh Sơn vai Sơn. Đại diện nhà sản xuất VFC cho hay, bộ phim này nằm trong top những chương trình có rating cao nhất ở khu vực phía Bắc. Sau mỗi tập phát sóng, fanpage của phim nhận được cả trăm ý kiến bình luận. Phim được đầu tư nhiều về hình ảnh với những cảnh quay đẹp ở Phú Yên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình và cả ở nước ngoài như: Praha, Carlovy Vary (thành phố điện ảnh của Cộng hòa Czech).
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều khán giả đã không tiếc lời chê nhân vật Minh "tổng" - TGĐ Công ty Hoàng Thổ (do Nhan Phúc Vinh đảm vai) quá nhạt nhòa. Mặc dù xuất hiện trong hơn 50 tập phim đã phát sóng, có rất nhiều đất diễn nhưng bản thân vai diễn này không để lại một ấn tượng gì thật sự sâu sắc. Xét cả về ngoại hình, cách ứng xử trong tình yêu, tính cách ngoài đời và điều hành công ty, nhân vật Minh "tổng" chẳng có gì khác ngoài sự lạnh lùng.
Bản thân Nhan Phúc Vinh cũng thừa nhận, khi đọc kịch bản, anh thấy nhân vật Minh hơi nhạt nhòa nhưng vì đồng cảm với vai diễn nên đã nhận vai. Anh cho rằng, nhân vật này vốn sống nội tâm lại chịu nhiều tổn thương trong quá khứ nên luôn khép mình, lạnh lùng và hơi một màu. Nam diễn viên thú nhận, anh đã rất nỗ lực trong quá trình quay để nhân vật này có hồn hơn.
Nhân vật Linh của Diễm My 9x cũng gây ra nhiều tranh cãi trái chiều vì thể hiện tính cách có phần lố bịch, trơ trẽn… Nhiều người cho rằng, Linh không phải người thứ ba nhưng lúc nào cũng theo Minh như một "cái đuôi". Ngoài ra, nhân vật này được xây dựng từ đầu là một cô gái thông minh, giỏi giang, bản lĩnh… nhưng trong ứng xử lại không thể hiện được điều đó.
Dù có dàn diễn viên đúng chuẩn mỹ nhân, "soái ca" cả Bắc lẫn Nam và đều là những diễn viên đã "cứng" nghề, lại được đầu tư lớn về bối cảnh và hình ảnh, nhưng có thể thấy "Tình yêu và tham vọng" đã không đạt được tham vọng của những người sản xuất bộ phim.
Trói buộc yêu thương
"Trói buộc yêu thương" là bộ phim xoay quanh câu chuyện gia đình của bà Lan và ba người con là Khánh, Thanh, Hiếu. Chồng mất sớm, bà Lan ở vậy nuôi con. Chuyện công việc, tình cảm của các con bà Lan đều xen vào khiến mâu thuẫn liên tục xảy đến. Sự chệch hướng của các con khiến bà Lan không chấp nhận được. Bà tổn thương và gồng lên cố lấp sự tổn thương và bất ổn trong gia đình khiến tình cảm mẹ con ngày càng sứt mẻ.
Nhan đề của bộ phim ngay từ khi được giới thiệu đã thu hút khán giả yêu thích phim truyền hình. Khi yêu thương được trói buộc sẽ tạo ra nhiều tình tiết gay cấn. Tuy nhiên, 36 tập phim lại khiến khán giả thất vọng. Đầu tiên là mạch phim chậm, các nhân vật thiếu dứt khoát khiến khán giả cảm giác "mệt mỏi" khi phải theo dõi từng tập phim. Ấy vậy nhưng kết thúc lại quá nhanh, logic phim chưa thuyết phục. Trong phim có nhiều chi tiết khiên cưỡng, đặc biệt nhân vật Dung (Lan Phương) bị làm quá khiến khán giả khó chịu. Hay như Thanh - cô con gái thứ 2 của bà Lan, dĩ hòa vi quý đến mức ngu ngốc cũng là một trong những điểm trừ của bộ phim.
Phim "Cát đỏ" với nội dung câu chuyện được cho là hiếm hoi của màn ảnh Việt.
Cát đỏ
"Cát đỏ" là bộ phim khắc họa đề tài người lao động, chính vì thế bộ phim được đánh giá gần gũi và chân chất. Điều làm nên sự khác biệt nữa của "Cát đỏ" chính là khai thác đề tài chửa hoang của người phụ nữ - đây được xem là câu chuyện hiếm hoi của màn ảnh Việt Nam. Trong đó, đại diện cho số phận người phụ nữ phải mang danh "chửa hoang" là: Đủ, Nhớ và Nhan.
Tuy nhiên, qua 5 tập phát sóng, bộ phim khiến người xem thắc mắc là "hơi thô" so với một tác phẩm nghệ thuật. Điển hình là cách xưng hô, nói chuyện của các nhân vật. Ví dụ như: người chồng dùng từ: "con mụ" để nói về vợ mình hay chuyện nhân vật Nguồn dùng roi da đánh Nhớ với lời lẽ: "Mày thật khốn nạn"...
Các nhận vật nữ trong phim có cách suy nghĩ táo bạo và có phần vượt qua giới hạn. Chẳng hạn việc Nhớ (Thúy Diễm đóng) khi giáp mặt vợ Hai Ngò đã thẳng thắn nói rằng: "Đã bao giờ bà hỏi ông ấy yêu tôi hay yêu bà chưa?" trong khi cô chỉ là người tình. Việc Đủ và Nhớ khuyên Nhan "tình một đêm" với trai lạ cũng là điều khiến người xem bất ngờ...
Những tình tiết đan xen rất đời và có phần trần trụi trở thành đề tài bàn tán của khán giả trên mạng xã hội. Ngoài những nhận định trên, một số khán giả lại cho rằng: "Phim có hướng đi khác biệt vì trong xã hội, nhất là miền quê thì việc xưng hô, hành xử như vậy không có gì lạ lẫm. Quan trọng là cái cốt, thông điệp ẩn chứa đằng đã được truyền tải qua bàn tay của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Ông từng ghi dấu trong lòng khán giả với phim "Thương nhớ ở ai" vài năm trước".
Tiệm ăn dì ghẻ
"Tiệm ăn dì ghẻ" ra mắt đầu năm 2020, bộ phim truyền hình "Tiệm ăn dì ghẻ" đã khiến ê-kíp sản xuất "long đong" khi dự án này dù quy tụ dàn diễn viên trẻ, tài năng nhưng lại không đủ để nổi bật tác phẩm này. "Tiệm ăn dì ghẻ" cũng nhận không ít đánh giá từng đông đảo khán giả cho là "phim nhạt nhẽo nhất trong tất cả các dự án lên sóng năm 2020".
Bộ phim kể về cuộc sống của nhóm bạn thân Bống Bống Bang Bang, tình bạn của họ đi lên từ những năm tháng còn trên ghế nhà trường đến tận lúc trưởng thành.
Lửa ấm
"Lửa ấm" là một bộ phim khai thác về đề tài những chiến sĩ cứu hỏa đầy gan dạ và các bác sĩ ngành y khiến khán giả vô cùng mong chờ phim lên sóng. Tuy nhiên, khi phim đi được 2/3 chặng đường liền nhận được nhiều phản hồi không mấy tích cực của người xem.
Thậm chí, một bộ phận khán giả còn kêu gọi "tắt ti vi", "chuyển kênh khác"... do phim hứa hẹn khắc họa một ngành nghề đặc thù đầy thiêng liêng và ý nghĩa nhưng hơn nửa tập phim lại khai thác sâu chuyện "tiểu tam" lộng hành, phá hoại hạnh phúc gia đình người khác. Đồng thời, tính cách nhân vật được nhiều khán giả cho rằng không rõ ràng, khiến người xem "phát cáu".
Nhà trọ Balanha
Bộ phim đáng phải kể đến trong năm 2020 là "Nhà trọ Balanha". Đây là bộ phim thuộc thể loại tình cảm hài hước. Chuyện xoay quanh những bạn trẻ cùng nhau lập nghiệp với những câu chuyện "dở khóc dở cười". Đây là một bộ phim đáng yêu như nhận xét của nhiều khán giả.
Ưu điểm dễ thấy nhất của phim là dàn diễn viên mới, trẻ trung, với lối diễn chân thật được đạo diễn Khải Anh "đo ni đóng giày" cho các nhân vật. Bộ phim được khán giả trẻ yêu thích vì mang lại tiếng cười và cảm xúc mới mẻ của thể loại hài thường là có số lượng rất ít trên truyền hình từ trước đến nay.
"Nhà trọ Balanha" cũng đã thu hút một phần vì đề tài hiếm hoi về giới trẻ chập chững trên bước đường lập nghiệp trong khi các nhà đài tập trung nhiều về đề tài gia đình mà dường như có phần "ngó lơ" đối tượng này. Đây được coi là một phim thành công nhất năm 2020 với bối cảnh phim đơn giản, không tốn nhiều công sức đầu tư nhưng lại đạt được hiệu quả cao so với các bộ phim khác.
Bộ phim cũng giải quyết được vấn đề đang tồn tại của ngành sản xuất phim truyền hình Việt là quá ít kịch bản hay cho đề tài về giới trẻ. Câu chuyện của "Nhà trọ Balanha" thu hút một phần bởi mua kịch bản của Hàn Quốc - phim "Welcome to Waikiki".
Tưởng chừng như đã có được công thức cho những "món ăn tinh thần" bằng phim truyền hình cho khán giả với những thử nghiệm và đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản, bối cảnh, diễn viên… nhưng những bộ phim truyền hình trong năm 2020 không tạo ra được "cơn sốt" như năm 2019. Bộ phim thành công nhất lại là bộ phim ít tốn kém nhất - phim "Về nhà đi con".
Điều này khiến khán giả cho rằng: "Không phải lúc nào công thức cũng cho ra được đáp án". Lý do có thể ở một mắt xích không phù hợp trong cả guồng máy sản xuất phim truyền hình với rất nhiêu công đoạn, bộ phận. Tuy vậy, khán giả vẫn có thể mong chờ ở năm 2021, với nhiệt huyết và sự tận tâm của mình, "Vũ trụ điện ảnh VTV" sẽ tiếp tục tìm tòi cách làm, hướng đi, công thức và những đề tài, câu chuyện khiến khán giả thích thú, khóc cười, quên ăn quên ngủ để theo dõi trên màn hình như những gì "Vũ trụ điện ảnh VTV" đã từng đạt được.