Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé sơ sinh

05-10-2016 00:00:00

Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé sơ sinh để chữa bệnh mùa lạnh cần phải thật tỉ mẩn, cẩn thận và nhẹ nhàng.

Thời tiết hanh khô của mùa lạnh dễ khiến bé sơ sinh nói riêng và trẻ em nói chung bị viêm mũi, sổ mũi, nghẹt mũi,… Khi trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp, các mẹ thường dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho bé dễ chịu hơn. Rửa mũi bằng nước muối sinh lý giúp kháng khuẩn, rửa sạch rỉ mũi, dịch nhầy để bé dễ thở, không quấy khóc vì khó chịu. Tuy nhiên, không phải mẹ nào cũng biết cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé đúng và an toàn.

Cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho bé yêu cầu phải thật nhẹ nhàng, cẩn thận

Trước hết, cần chuẩn bị nước muối sinh lý, nên chọn lọ có đầu tròn, không phải cắt đầu trước để tránh khiến niêm mạc mũi của trẻ bị tổn thương. Ngoài ra, mẹ cần có sẵn miếng lót để chống thấm, vải xô mềm và sạch, không nên dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ. Sau đó, mẹ tiến hành rửa mũi cho bé sơ sinh theo các bước sau:

- Để bé nằm nghiêng trên miếng lót chống thấm trải trên sàn hoặc giường, một tay đặt nhẹ lên đầu trẻ để tránh bé giãy khóc, có thể làm bé bị thương khi rửa mũi. Lọt dưới đầu và cổ bé vải xô gấp vài lần cho dày để thấm nước rửa mũi.

- Nếu trẻ mới bị ngạt mũi, dịch mũi vẫn lỏng, có thể rửa mũi luôn bằng nước muối sinh lý. Trường hợp trẻ bị ngạt nặng, rỉ mũi dính kín lỗ mũi và dịch nhờn đặc lại, nên nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào 2 bên cánh mũi rồi đợi một lát. Khi nào nước muối ngấm vào làm mềm rỉ mũi, dùng tay day nhẹ nhàng mũi trẻ để rỉ mũi tự bong ra.

- Để miệng lọ nước rửa mũi ở trên lỗ mũi của trẻ, bóp nhanh và nhẹ để dung dịch muối từ từ nhỏ xuống và chảy ra ở lỗ mũi còn lại. Một số trường hợp, nước muối có thể cuốn cả rỉ và dịch mũi qua miệng hoặc lỗ mũi bên kia của trẻ.

Chỉ nên áp dụng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý khi bé còn đang thức

- Kiểm tra lại xem mũi bé còn nhiều dịch và rỉ mũi không, có thể rửa mũi lại cho bé cho sạch hẳn. Sau đó, nhẹ nhàng lau mũi và miệng bé cho sạch bằng khăn mềm. Dỗ bé một lát rồi để bé nằm nghiêng sang bên ngược lại và rửa nốt lỗ mũi bên kia.

- Lưu ý, mẹ phải rửa tay với xà phòng thật sạch rồi mới bắt đầu rửa mũi cho bé. Khi rửa, không nên bóp lọ nước muối quá mạnh để không làm niêm mạc mũi của trẻ bị tổn thương. Tốt nhất là nên dùng cách rửa mũi bằng nước muối sinh lý cho trẻ trước giờ ăn và khi bé còn thức.

Minh Thùy
Theo Đời Sống Plus //