35 năm dạy học với 0 đồng lương hưu

16-11-2017 06:30:34

Giấy khen, Huy chương vì sự nghiệp giáo dục - những thứ mà cô đã phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả hạnh phúc gia đình mới có được nhưng tiếc thay, những thứ đó lại như đang múa may, trêu tức cô giáo già nghèo khó.

"Cô Cầm không đồng”

Cụm từ “cô Cầm không đồng” có lẽ đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Năm nay 61 tuổi, có hơn 35 năm làm công tác giảng dạy mầm non và về hưu đã hơn 6 năm nay nhưng cô Cầm (Phạm Thị Cầm, SN 1956, trú tại xã Hợp Lý, Lý Nhân, Hà Nam) chưa từng biết đến đồng lương hưu là gì. 
Sau 35 năm đi dạy, khi nghỉ công tác vào tháng 10/2011, cô Cầm vẻn vẹn chỉ được nhận hơn 7 triệu đồng tiền trợ cấp 1 lần từ bảo hiểm xã hội Thế nhưng, cái giá mà cô phải đánh đổi cho những ngày tháng đứng lớp lại không hề nhỏ.


Cô Cầm gạt nước mắt khi nhắc đến câu chuyện đau lòng của mình (ảnh Hà Khê)

Nhìn cô Cầm, tôi chợt nhớ đến những giọt nước mắt của cô giáo mầm non vừa nghỉ hưu Trương Thị Lan ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Cô Lan từng nuốt những giọt nước mắt mặn đắng khi cầm trên tay quyết định nghỉ hưu với mức lương vẻn vẹn 1,3 triệu đồng 1 tháng. Thế nhưng, mức lương hưu đó lại cả là một niềm ao ước đối với cô Cầm, người gắn bó với giáo dục mầm non từ năm 1976.

Không khó để tìm được đến nhà cô Cầm, bởi mới đến đầu xã Hợp Lý, hỏi cô giáo Cầm thì ai cũng biết và nhiệt tình chỉ đường. “Cái nhà nhỏ nhất, nghèo nhất xóm nằm cạnh cổng chùa Chỉ Trụ. Đấy là nhà cô Cầm”.

Khi chúng tôi có mặt, cô Cầm đang ốm. Cậu con trai đi làm ăn xa, căn nhà nhỏ càng trở nên hiu quạnh, buồn tênh. Thấy có khách, cô giáo già cố gắng gượng dậy để tiếp chuyện, cùng lúc đó một người hàng xóm mang đến cho cô Cầm đĩa bánh rán. “Bữa trưa của cô đây, nay cô ốm không dậy nấu ăn được nên nhờ bác đây rán hộ rồi mang sang cho mấy cái bánh”, cô Cầm rót nước mời chúng tôi rồi nói.

Nhìn đĩa bánh nguội lạnh, nhìn dáng người gầy gò ốm yếu của bà giáo già không khí trở nên chùng xuống. “Cô quen như vậy rồi mà. Từ lâu đã một mình nên quen hết. Đây, cháu xem này…”, cô Cầm cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi và đưa ra một bọc hồ sơ được gói cẩn thận trong đó nào là bằng tốt nghiệp, giấy khen, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục…những thứ mà cô gắn bó và hy sinh cả tuổi thanh xuân để có được.


 "Cô Cầm không đồng" gạt nước mắt kể về cuộc đời cay đắng của mình (clip Hà Khê)

Gạt nước măt, cựu giáo viên này chia sẻ, năm 1976, khi giáo dục mầm non với manh nha ở vùng này thì cô Cầm đã được cử đi học tại trường sư phạm Mầm non của tỉnh Hà Nam Ninh. Học xong, cô trở về quê gây dựng phong trào giáo dục mầm non ở địa phương và gắn bó với nhiều trường mầm non trên địa bàn huyện Lý Nhân.

Năm 1976, lương giáo viên mầm non của cô được tính theo công điểm, quy ra được 7 kg thóc/1 tháng. Thế nhưng, thời điểm khó khăn có khi 3 tháng mới được nhận thóc một lần. Công việc giảng dạy cứ cuốn cô giáo trẻ vào vòng xoáy thời gian, đến khi giật mình nhìn lại thì đã qua bên kia tuổi xuân, lúc đó mới nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình thì cũng đã muộn.

Năm 1991, khi đã 35 tuổi, cô giáo Cầm kết hôn với một thương binh nặng, bị mù cả hai mắt đang được chăm sóc đặc biệt tại trung tâm điều dưỡng thương binh nặng gần nhà. Tưởng chừng hạnh phúc muộn mằn đã đơm hoa kết trái khi 2 năm sau, cô Cầm sinh một cậu con trai. Nhưng cũng từ đó, cô Cầm gánh trên vai thêm nhiều trọng trách, chăm chồng, chăm con và đi dạy.

Cô kể, ngày đó, chồng được lương hơn 3 triệu 1 tháng trong khi lương cô chỉ có mấy cân thóc, chồng bảo nghỉ dạy để ở nhà chăm chồng, chăm con nhưng cô Cầm không đồng ý. “Thấy anh bảo vậy, cô mới nói, thôi anh ạ, em vào từ năm 76 đến giờ, mỗi người một ngành một nghề, anh cho em được tiếp tục theo nghề”, cô Cầm nhớ lại.

Thuyết phục chồng không thành, cô Cầm đã nghỉ dạy được gần 1 năm. Nhưng duyên nợ với bọn trẻ, với nghề đã thôi thúc cô trở lại với trường mầm non. “Khi cô quay trở lại trường, hai vợ chồng căng thẳng, cô mới bảo: Em có thể bỏ chồng nhưng không bỏ nghề. Vậy là anh ấy bỏ cô”, cô Cầm chua chát kể lại.

Không chấp nhận người vợ làm giáo viên mầm non lương thấp, chồng cô Cầm quyết định chia tay. Năm 1995 ông ly hôn, để một mình cô Cầm nuôi dạy con với đồng lương ít ỏi. Kể từ đó, không chỉ hạnh phúc tan vỡ cô Cầm còn phải đối mặt với rất nhiều áp lực khác từ gia đình.

Những người thân trong gia đình như anh chị em ruột lại quay lưng lại với cô Cầm. “Có lần túng quá, tôi có hỏi vay tiền một người em thì bị nói thẳng như tát nước vào mặt: “Tôi chịu. Chị cứ đánh đu với mầm non thì đi mầm non mà ăn”.

35 năm và hơn 7 triệu đồng

Sau khi hạnh phúc tan vỡ, chồng cô Cầm rời trung tâm điều dưỡng để trở về quê ở Hà Nội Hai mẹ con cô Cầm càng trở nên bơ vơ. Thương con, bố cô dựng tạm cho con gái một túp lều nhỏ, nay là căn nhà mà hai mẹ con cô đang sinh sống. “Nói là nhà nhưng thực chất là lều. Cô có 50 nghìn đồng góp vào, còn bố thì đi xin tre nứa của bà con trong làng, vay thêm của Hội Nông dân được một ít rồi dựng tạm cái lều. Suốt 3 năm trời, tôi không dám để cho đồng nghiệp đến nhà vì ngại. Tôi không muốn ai đến rồi lại nghĩ, sao giáo viên mà nghèo như vậy”, cô Cầm chia sẻ.

Trong bối cảnh khó khăn vất vả, hạnh phúc tan vỡ cô Cầm chỉ còn biết vùi đầu vào công việc, chăm sóc bọn trẻ ở trường. Sáng đến lớp, chiều muộn mới về tới nhà nên cũng không có thời gian để chăm sóc, bảo ban con cái. “Cô đi đến 5h chiều thì về, khi về nhà thì thấy con trai đang ngồi trên giường rồi nhưng nào đâu biết là cả ngày nó trốn đi chơi game. Nó nghiện nét từ khi nào cô không hay, đến khi nhận ra thì thôi, đã hỏng. Tôi tự trách mình vì mải mê công việc, chăm sóc con người mà bỏ bê con mình. Cháu nó học hết lớp 9 thì đòi nghỉ học. Thực lòng, lúc đó tôi cũng không có tiền mà cho con đi học lên nữa…”, nói đến đây, cô giáo Cầm khóc thành tiếng.


Tấm Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục - thứ duy nhất mà cô giáo Cầm muốn mang theo sau khi nhắm mắt xuôi tay (ảnh Hà Khê)

Năm 2004, sau gần 30 năm đi dạy, cô giáo Cầm mới được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Mức lương giáo viên hợp đồng của cô rất thấp, chỉ có vài trăm nghìn nên số tiền đóng bảo hiểm cũng chẳng được là bao. Tính đến khi về hưu, cô Cầm có 7 năm 8 tháng tham gia bảo hiểm xã hội. “Khi cầm quyết định nghỉ hưu và nhận tiền “một cục” hơn 7 triệu đồng, cô sắp ngất trước Phòng Giáo dục huyện. Cô đã trả lại số tiền đó và không nhận, sau đó thì họ gửi hơn 7 triệu đó về xã cho cô. Hơn 7 triệu cho 35 năm cống hiến, hy sinh, có đáng không cháu?”, cô Cầm nghẹn ngào nói.

Thế nhưng, có một điều rất lạ đến khó hiểu ở bà giáo già. Khi tôi đặt câu hỏi: “Nếu được chọn lại, cô có theo nghề giáo viên mầm non nữa không?”, thì thật bất ngờ, cô giáo Cầm như trẻ lại và nói: “Nếu chọn lại, cô Cầm vẫn di dạy mầm non”.


35 năm đi dạy và vẻn vẹn hơn 7 triệu đồng nhận được sau khi về hưu đủ để nói lên sự thiệt thòi của những cô giáo như cô Cầm (ảnh Hà Khê)

Vừa lau tấm Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, cô Cầm vừa ngắm nghía hồi lâu rồi kể, nhiều lần nói chuyện với con trai, cô dặn nếu sau này cô mất, thứ mang theo duy nhất xuống mồ là tấm Huy chương này. Bởi cô xuống dưới đó vẫn tiếp tục được gắn bó với mầm non và để xem có thiệt thòi như bây giờ không.

Mải mê với công việc, hy sinh cả tuổi trẻ với nghề giáo nhưng khi ngoảnh lại bên cạnh cô Cầm không còn ai, chồng bỏ, hạnh phúc tan vỡ, con học hành giữa chừng, tương lai không biết đi về đâu. Đến anh chị em trong gia đình cũng ngoảnh mặt, vì họ từng vận động cô Cầm bỏ nghề giáo để đi buôn nhưng cô không làm điều đó, vẫn quyết tâm gắn bó với nghề. Thế nên, khi tuổi cao sức yếu với hai bàn tay trắng, cô Cầm cô độc trong sự ghẻ lạnh, mỉa mai của người thân.

Rời nhà cô giáo Cầm trong tâm trạng nặng trĩu, tôi bị ám ảnh bởi nguyện vọng nhỏ nhoi nhưng khó thành hiện thực của cô giáo có hơn 35 năm gắn bó với giáo dục mầm non: “Cô chỉ muốn mỗi tháng có dăm bảy trăm tiền trợ cấp, hỗ trợ gì đó để mình – một giáo viên về hưu không phải là gánh nặng cho gia đình, cho làng xóm, cho người thân Còn sống được mấy nữa đâu…”.

Đáng tiếc, cô giáo Cầm không phải là trường hợp duy nhất gắn bó mấy chục năm với nghề giáo dục mầm non nhưng khi nghỉ hưu lại không có lương. 

Hà Khê
Phụ Nữ Việt Nam //