3 trẻ nhỏ thiệt mạng vì hội chứng hiếm gặp liên quan Coivd-19
Bang New York của Mỹ vừa ghi nhận 3 trẻ nhỏ thiệt mạng vì một hội chứng viêm hiếm gặp liên quan đến Coivd-19. Chính quyền lo trẻ em có thể không an toàn như chúng ta từng nghĩ.
Cảnh báo 3 trẻ nhỏ thiệt mạng vì hội chứng hiếm gặp liên quan Coivd-19. Ảnh minh họa
Theo Hãng tin Reuters, ngày 9/5, thống đốc bang New York (Mỹ) Andrew Cuomo thông báo về cái chết của 3 trẻ em ở bang này liên quan đến bệnh Coivd-19, một diễn biến ông gọi là "rất đáng lo ngại".
Bệnh nhân mới nhất tử vong là một em bé 5 tuổi với các triệu chứng giống sốc độc tố và bệnh Kawasaki. Các biểu hiện bao gồm tình trạng sưng viêm của các mạch máu nhỏ và vừa trên toàn cơ thể, bao gồm cả động mạch vành cung cấp máu cho cơ tim, sốt, nổi hạch.., Tuổi trẻ đưa tin.
Hai bệnh nhân còn lại ông Cuomo không cung cấp thông tin chi tiết, nhưng ông lưu ý rằng Coivd-19 "đã lấy đi sinh mạng của ít nhất 3 trẻ em trên toàn bang".
Phát hiện trên khiến các bác sĩ Mỹ phải lật lại hồ sơ của 73 bệnh nhi từng phơi nhiễm với Coivd-19 và có các triệu chứng tương tự. Đáng chú ý, số bệnh nhi này test dương tính với virus nhưng chưa biểu hiện triệu chứng lạ lúc mới nhập viện.
Thống đốc Cuomo nói càng lúc ông càng lo cho trẻ em, nhóm đối tượng được đánh giá là ít gặp rủi ro hơn so với người lớn nếu lỡ nhiễm phải COVID-19. "Chúng tôi không còn chắc về điều đó nữa. Có thể điều này (trẻ em gặp biến chứng nặng) đã diễn ra trong nhiều tuần nhưng các bác sĩ không nhận ra nó liên quan đến COVID-19", ông Cuomo đặt vấn đề.
Hiện các nhà nghiên cứu Mỹ đang xem xét liệu hội chứng tương tự bệnh Kawasaki ở trẻ em nhiễm COVID-19 có phải do gen hay không. Những ca bệnh tương tự đã được ghi nhận ở Anh, Ý và Tây Ban Nha. Theo Viện Y học ứng dụng Việt Nam, bệnh Kawasaki thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh xuất hiện trên toàn thế giới nhưng các chủng tộc người châu Á có tần suất cao hơn.
Theo số liệu trên trang web Worldometer, tính đến chiều 10/5 theo giờ địa phương, Mỹ ghi nhận hơn 1,36 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 80.700 trường hợp đã tử vong. Mỹ tiếp tục là nước có nhiều người mắc và tử vong vì đại dịch Covid-19 nhất thế giới, Dân trí đưa tin.
Bloomberg dẫn các nguồn thạo tin ngày 10/5 cho biết, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tự cách ly tại nhà ở Washington sau khi thư ký báo chí của ông mắc Covid-19. Theo đó, ông Pence đã không tham dự cuộc họp với Tổng thống Donald Trump và các quan chức quân sự vào hôm 9/5 ngay cả khi có kết quả âm tính với virus gây dịch bệnh Covid-19.
Phó tổng thống Pence, người đứng đầu ban chỉ đạo ứng phó dịch Covid-19 của Nhà Trắng, đã trở thành người thứ 4 trong nhóm chuyên trách này quyết định tự cách ly trong vòng 2 ngày trở lại đây. Trước đó, bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ Stephen Hahn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Robert Redfield cũng tự cách ly vì tiếp xúc với người mắc Covid-19 trong Nhà Trắng.
Thư ký báo chí của Phó tổng thống Pence, Katie Miller được xác nhận mắc Covid-19 hôm 8/5. Cô Katie là nhân viên Nhà Trắng thứ hai dương tính với virus corona chủng mới sau trường hợp của người phục vụ Tổng thống Donald Trump. Các ca bệnh này làm dấy lên lo ngại nguy cơ lây lan Covid-19 bên trong Nhà Trắng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cuối tuần qua khẳng định chính quyền huy động mọi nỗ lực để bảo vệ Tổng thống Trump và Phó tổng thống Pence. Hiện cả hai nhà lãnh đạo này và một số quan chức thường xuyên tiếp xúc gần với họ đều được xét nghiệm Covid-19 hàng ngày.
Hãng tin Channel News Asia cho biết, theo luật pháp Mỹ, trong trường hợp cả Tổng thống và Phó tổng thống tạm thời không thể tiếp tục công việc điều hành chính phủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ đảm nhận thay vai trò này.
Những lo ngại về nguy cơ lây lan dịch Covid-19 bên trong Nhà Trắng dấy lên trong bối cảnh số ca mắc bệnh tại Mỹ tiếp tục tăng mạnh.