Xuất hiện văn bản “lạ” của Sở Tài nguyên Môi trường Thanh Hóa
Vụ việc đang được TAND huyện Cẩm Thủy chuẩn bị đưa ra xét xử, bỗng xuất hiện văn bản "lạ" của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa. Điều chú ý là văn bản này đang viện dẫn sai luật.
Cưỡng chế trước khi có quyết định thu hồi đất?
Ngày 06/8/2001, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định thu hồi đất tại một số địa phương trong địa bàn huyện Cẩm Thủy để phục vụ xây cầu thuộc dự án đường Hồ Chí Minh. Nằm trong diện bị thu hồi, gia đình ông Đỗ Huy Nhật (thôn Đại Đồng 3, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa) đã nghiêm chỉnh chấp hành, giao đất cho nhà nước. Thế nhưng, cũng từ đây, gia đình ông bắt đầu vướng vào hàng loạt rắc rối.
Theo đó, gia đình ông Nhật được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 3.286m2 đất tại thôn Đại Đồng 3, trong đó có 300m2 đất thổ cư. Vị trí này được xác định nằm trong phạm vi dự án cầu Cẩm Thủy (thuộc dự án quốc gia đường Hồ Chí Minh) nên gia đình ông Nhật bị thu hồi diện tích đất canh tác để phục vụ thi công công trình.
Trong số diện tích bị thu hồi, có một số phần đất được trưng dụng tạm thời để thi công mố cầu và tập kết nguyên vật liệu. Phần sử dụng tạm thời này theo như quyết định sau khi xong phải san sửa mặt bằng và trả lại cho địa phương tiếp tục sử dụng vào sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, đấy chỉ là quyết định chung cho cả dự án, ông Đỗ Huy Nhật cho biết, gia đình ông không hề nhận được bất cứ một thông báo hay quyết định thu hồi nào đối với thửa đất của gia đình ông! Việc phần đất bị trưng dụng tạm thời để phục vụ thi công công trình gia đình rất ủng hộ và không đòi hỏi bất cứ gì.
Ông Nhật cho biết thêm: “Sau khi nhận đền bù cho phần hoa màu trên đất thổ canh xong, ông giao lại phần đất thổ cư còn trong sổ đỏ cho anh Đỗ Văn Tiến (cháu ruột) quản lý, trông nom. Từ đó đến nay, gia đình anh Đỗ Văn Tiến sinh sống và làm ăn ổn định trên mảnh đất thổ cư này".
Ông Nhật cùng người thân đau xót khi ngôi nhà bị phá hủy
Bất ngờ, ngày 26/1/2018, lấy lý do là cưỡng chế vi phạm hành lang an toàn giao thông, UBND xã Cẩm Sơn đã phá bỏ toàn bộ quán hàng của anh Tiến, phá luôn cả ngôi nhà 5 gian có từ đời cha ông để lại.
Cho rằng UBND xã Cẩm Sơn đang cố tình lạm quyền, phá hoại tài sản trên mảnh đất có đầy đủ giấy tờ hợp pháp. Nhà không còn để ở, gia đình anh phải tá túc nhà người thân, bán hết xe cộ, đồ đạc và nghỉ làm để đi đòi công lý cho gia đình. Anh Tiến gửi đơn khởi kiện ra tòa án huyện Cẩm Thủy.
Xuất hiện văn bản “lạ”cúa sở Tài Nguyên & Môi trường tỉnh Thanh Hóa
Thời điểm anh Tiến cùng gia đình khởi kiện hành vi cưỡng chế của UBND xã Cẩm Sơn, không hề có bất cứ một quyết định thu hồi đất nào từ chính quyền địa phương. Bất thình lình xuất hiện một văn bản “lạ” của Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Thanh Hóa.
Theo văn bản số 6660/STNMT ngày 19/10/2018 của ông Phạm Tiến Dũng - Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa đã ký và đóng dấu. Trả lời và hướng dẫn UBND huyện Cẩm Thủy ra quyết định thu hồi, hủy giấy chứng nhận QSD đất, có ghi đích danh họ và tên ông Đỗ Huy Nhật.
Trong văn bản đó có ghi: Căn cứ quy định tại Khoản 7, Điều 87, Luật Đất đai, đề nghị UBND huyện Cẩm Thủy chỉ đạo Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện báo cáo UBND huyện (qua Phòng Tài nguyên và môi trường) quyết định hủy giấy chứng nhận đã cấp cho hộ gia đình ông Đỗ Huy Nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách giấy chứng nhận đã bị hủy gửi Sở TN&MT…
Văn bản 6660/STNMT
Luật sư Bùi Khắc Toản, Giám đốc Công ty Luật TNHH 4.1 và Cộng sự, đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Sở TN&MT viện dẫn sai luật; Văn bản số 6660/STNMT ngày 19/10/2018 của Sở TN&MT Thanh Hóa “về việc thu hồi, hủy giấy CNQSD đất” của Sở TN&MT gửi UBND huyện Cẩm Thủy không phù hợp hoàn cảnh thực tế, thiếu tính khách quan, khi không có căn cứ để thu hồi toàn bộ đất; cơ quan chức năng - Phòng TN&MT huyện chưa có thông báo, yêu cầu hộ ông Nhật nộp GCN để điều chỉnh sau khi nhà nước thu hồi đất.
Tại điểm 1 của văn bản số 6660, Sở TN&MT viện dẫn quy định về “thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất, tài sản gắn liền trên đất” là không có nội dung này tại Điều 87 Luật Đất đai năm 2013. Điều 87 Luật Đất đai năm 2013 chỉ quy định “Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đặc biệt”.
Văn bản không mục đích để trao đổi, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ, đã can thiệp trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất, khi chỉ đích danh “GCNQSD đất đã cấp cho hộ gia đình Đỗ Huy Nhật” (thuộc thẩm quyền UBND huyện), Văn bản không nêu rõ nội dung thu hồi đất của hộ ông Nhật tại thời điểm năm 2001 (Thời điểm xảy ra Quyết định thu hồi).
Luật sư Bùi Khắc Toản (bên trái)
“Luật sư Toản nói rằng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cần cho kiểm tra việc ban hành văn bản, ra quyết định thu hồi văn bản 6660 ngày 19/10/2018. Bởi: Sở TN&MT áp dụng sai văn bản pháp luật (Điều 87 luật đất đai năm 2013),
Văn bản số 6660/STNMT ngày 19/10/2018 của Sở TN&MT Thanh Hóa ghi “về việc thu hồi,hủy giấy CNQSD đất” đây là ý kiến trả lời một việc cụ thể. Trong trường hợp này dễ bị lợi dụng để áp dụng, thực hiện một hành vi hành chính.
UBND huyện Cẩm Thủy có thể dựa theo văn bản hướng dẫn này để hủy giấy CNQSD đất, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, xâm phạm đến quyền lợi của người dân được Nhà nước bảo hộ, giao quyền sử dụng đất. Hơn thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự chính xác khách quan của Tòa án khi đang giải quyết vụ án hành chính có liên quan đến nội dung này. Cũng có thể dễ xẩy ra việc lạm quyền, đổ khuấy trách nhiệm khi hậu quả xẩy ra!.
Chúng tôi có liên hệ với ông Phạm Tiến Dũng (Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa, người ký Văn bản 6660/STNMT ngày 19/10/2018) để tìm hiểu thông tin quanh văn bản “lạ” này, ông Dũng trả lời đang đi công tác.
Ngày 15/11/2018, PV đã đến đặt lịch làm việc với Sở TN&MT Thanh Hóa, yêu cầu cung cấp thông tin xung quanh việc ra Văn bản 6660, cũng như muốn trao đổi trực tiếp với phó giám đốc Sở. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa thấy có phản hồi.
Đời sống Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin