Ngày Tết, gặp người tạo may mắn với những con chữ "phượng múa rồng bay"
"Người đi xin chữ là phải xin ở những bậc có đạo đức, tài ba, năng lực, vĩ đại hơn mình. Không phải người nào có chữ đẹp là cũng có thể cho ", nhà thư pháp Lê Thiên Lý chia sẻ.
Xin chữ hướng tới một năm may mắn
Xin chữ đầu năm là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trong tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
Nhà thư pháp Lê Thiến Lý cho rằng xin chữ đầu năm thể hiện sự trong chữ nghĩa và tri thức. Ảnh NVCC
Mỗi dịp xuân về, ngay từ mùng 2 Tết, mọi người thường rủ nhau đi xin chữ. Đôi khi xin chữ cho con trẻ cũng mang ý nghĩa dạy bảo, răn đe con cháu trong nhà sống đúng như ý nghĩa của mỗi con chữ xin về. Thông thường người ta thiếu cái gì thì xin chữ đó.
Bởi vậy, việc xin chữ đầu năm đã trở thành một trào lưu của người trẻ tuổi, tạo thành một văn hóa chơi chữ mới. Những con chữ như "rồng bay phượng múa" hiện lên qua các nét cọ điêu luyện khiến cho việc xin chữ, ngoài ý nghĩa xin được chữ, còn là để thưởng thức khả năng viết chữ đẹp của những người cho chữ.
Xin chữ đầu năm làm bừng lên khung cảnh ngày xuân trong mỗi căn nhà. Ảnh NVCC
Như các cụ thường nói: “Nét chữ nết người” nên những người được mọi người xin chữ là những nho sĩ, những thầy giáo, thầy đồ có tiếng hiền tài, đức độ, học rộng biết nhiều, viết chữ đẹp. Người xin chữ vừa mong được phúc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân.
Trao đổi với Đời Sống Plus, nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho cho rằng, phong trào xin chữ đã có từ rất lâu và câu đối là một trong sáu thứ tiêu biểu của ngày Tết theo phong tục cổ truyền của dân tộc: "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh”.
Câu đối đã trở thành nhu cầu tinh thần của mọi người, biểu lộ sự thích chuộng chữ nghĩa, văn chương. Do vậy, cứ mỗi dịp xuân về thì mọi người thường thấy có nhiều cụ đồ ngồi cắm cúi viết câu đối, viết chữ cho người dân.
Ngày xưa câu đối thường được gọi là chữ nói chung, luôn mang ý nghĩa tốt đẹp và đôi khi nhắc nhở con người ta đến điều đạo đức, như: mơ ước năm mới vui vẻ, hạnh phúc, làm ăn phát đạt và có nhiều bạn bè.
Chữ viết như một bức tranh, càng ngắm càng thích
“Cũng chính vì vậy nên theo tôi, nét cho chữ của văn hóa trong những ngày tết cực kỳ quan trọng và rất là nhân văn, nó mở mang cho cả một cái mới trong năm. Con người luôn hướng tới cái chân - thiện- mỹ, hướng tới tương lai. Do đó, người đi xin chữ là phải xin những con người có đạo đức, tài ba, năng lực, vĩ đại hơn mình thì mới cho chữ được chứ không phải người nào có chữ đẹp là cũng có thể cho chữ”, nhà thư pháp Lê Thiên Lý cho biết.
Cũng theo nhà thư pháp Lê Thiên Lý, xuân về người người, nhà nhà đi hái lộc, cúng bái và xin chữ mang về. Bởi chữ là vinh danh cho con người, hướng tới cả một tương lai tươi sáng.
Cho chữ của văn hóa trong những ngày tết cực kỳ quan trọng và rất là nhân văn, nó mở mang cho cả một cái mới trong năm
Tùy vào cá tính, nghề nghiệp và lứa tuổi của mỗi người, mà những chữ được xin cũng khác nhau.
Người đi học thường xin chữ Tài. Người buôn bán, kinh doanh thường xin chữ Phát, Lộc, Tín. Người muốn rèn khả năng chịu đựng xin chữ Nhẫn; người cầu thành công xin chữ Đạt, Thành…
Xin chữ cho gia đình thì xin chữ Phúc Tâm; xin chữ cho cha mẹ thì xin chữ Thọ, An; xin chữ cho con cái thì xin chữ Hiếu, Trí…
Lúc này, thầy đồ không chỉ bận rộn với việc tặng chữ mà còn phải giảng dạy văn hóa cho người đến xin chữ theo quy định và tinh thần của cha ông ta.
Theo đó, chữ viết có thể được hiểu theo hai hướng, một về nghệ thuật thì nó giống như một bức tranh, càng ngắm, càng sướng, càng thích. Hai về giáo dục thì nó là lời dậy, tâm huyết của Thánh hiền hướng tới tốt đẹp.
Xin chữ là cầu một năm may măn, tài lộc, phúc thọ đầy nhà. Ảnh Thanh Sơn
Chính vì vậy, người đi xin chữ bao giờ cũng phải tôn trọng ông đồ và xin ở những nơi linh thiêng như: Đền, miếu thờ các bậc thánh nhân, tiên liệt thì càng có giá trị.
“Ngoài ý nghĩa sâu sắc, chuyển tải được nguyện vọng, sở thích của chủ nhà, chữ Hán viết mực đen trên giấy đều có tính trang trí rất cao, đẹp mắt, làm bừng lên khung cảnh ngày xuân trong mỗi căn nhà”, thư pháp Thiên Lý chia sẻ.
Có thể nói, chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Nếu nhu cầu cao hơn, xin chữ treo lâu dài trong nhà, xin chữ làm hoành phi, câu đối thì ta cần tìm đến các nhà Hán học uyên thâm, các nhà thư pháp chuyên nghiệp để bảo đảm hay cả về ý nghĩa, nội dung và đẹp về hình thức.