Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Làm rõ khoản vay 4.700 tỷ tại BIDV
Trong phiên xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2 gây thất thoát 6.000 tỷ tại VNCB, ngày hôm nay tòa tiếp tục ngày làm việc thứ 5 làm rõ khoản vay 4.700 tỷ tại BIDV.
Xét xử Phạm Công Danh giai đoạn 2: Làm rõ khoản vay 4.700 tỷ tại BIDV. Ảnh Vnexpress
Liên quan đến việc bị cáo Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh),dùng pháp nhân 12 công ty để lập hồ sơ khống vay 4.700 tỷ đồng của BIDV, bị cáo Phan Thành Mai (nguyên tổng giám đốc VNCB) đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, theo Kinh tế & Tiêu dùng.
Tuy nhiên bị cáo Mai muốn lý giải rõ mục đích sử dụng khoản vay là do thời điểm 2013, HĐQT VNCB muốn tăng vốn điều lệ nên phải dùng 12 công ty không hoạt động trên thực tế để lập hồ sơ vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.
"Thời điểm này, mọi người cũng mong muốn, nóng lòng ngân hàng có vốn điều lệ mới, uy tín mới, vị trí mới để phát triển kinh doanh"- bị cáo Mai trình bày.
Sau khi vay của BIDV 4700 tỷ đồng, VNCB đã đưa 4.500 tỷ đồng vào ngân hàng để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên việc tăng vốn này không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước không chấp thuận nhưng Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long An vẫn thay đổi giấy phép kinh doanh cho VNCB. HĐXX đã mời đại diện Sở kế hoạch đầu tư tỉnh Long An lên để thẩm vấn làm rõ những mâu thuẫn này nhưng vị đại diện vắng mặt tại phiên tòa.
Ngoài ra, trong vụ án này, có hàng loạt các bị cáo là nhân viên, lái xe, tạp vụ… được Phạm Công Danh thuê làm giám đốc để đứng tên các công ty nhằm mục đích hoàn thiện hồ sơ vay vốn tại các ngân hàng.
Khai trước tòa, nhiều bị cáo cho biết cho đến khi được cơ quan điều tra mời lên làm việc, các bị cáo mới biết mình đã ký tên vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng. Số tiền vay được không biết đã được chuyển cho ai, các bị cáo cũng không được hưởng lợi gì…
Tất các bị cáo đều đề nghị hội đồng xét xử xem xét vì khoản tiền vay quá lớn, các bị cáo không có tiền để liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Khi được thuê làm giám đốc, các bị cáo được trả lương từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Theo đó, bị cáo Phạm Công Danh cho biết, lời khai của những người thuộc nhân viên của Tập đoàn Thiên Thanh vừa trên là đúng. Họ là chỉ là người đứng tên, không hề có thủ đoạn nên mong HĐXX xem xét.
Cũng trong chiều 11/1, liên quan khoản vay Sacombank 1.800 tỷ đồng của ông Danh. Theo điều tra, sau khi chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 6 công ty làm hồ sơ khống vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank, ông Danh dùng số tiền này trả nợ hai khoản vay của BIDV từ năm 2012, Vnexpress đưa tin.
Việc trả nợ được thực hiện tại BIDV chi nhánh Hải Vân và BIDV chi nhánh Sở giao dịch 2, tổng cộng là gần 1.700 tỷ đồng. Còn lại chuyển về tài khoản cá nhân của ông Danh 166 tỷ đồng.
Để làm rõ hai khoản vay này, đại diện VKS đã mời ông Đoàn Ánh Sáng (Phó tổng giám đốc BIDV) lên thẩm vấn. Lần đầu xuất hiện sau nhiều lần tòa triệu tập, ông Sáng cho biết đã chuyển đến địa chỉ mới sống nên không nhận được văn bản của toà.
Ông này khẳng định trước đó có cho Tập đoàn Thiên thanh vay hai khoản, gồm 2.600 tỷ đồng từ 2012 "chứ không phải cho các công ty do Danh thành lập vay".
VKS liền đặt câu hỏi: "Hiện các cơ quan tố tụng đã chứng minh được đường đi của khoản tiền 1.800 tỷ đồng. Giả sử chúng tôi xác định đây là tiền do ông Danh phạm tội mà có, ông nghĩ gì về việc này?".
Ông Sáng nói: "Chúng tôi không biết nguồn tiền này ở đâu, đến hạn thì chúng tôi thu. Về câu hỏi của VKS chúng tôi không trả lời được". Đồng thời, Phó tổng giám đốc Sáng giải thích, tiền về tài khoản của doanh nghiệp trong khi doanh nghiệp đang có nợ không trả, nên ngân hàng phải thu hồi.
Theo VKS, truy thu như thế nào thì cơ quan tố tụng và HĐXX sẽ xem xét. Trong những ngày tiếp theo, để làm rõ gói vay 4.700 tỷ đồng của ông Danh tại BIDV, "yêu cầu ông Sáng có mặt tại tòa".
Trước đó, VKS hỏi ông Danh về việc Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) có hay không biết vay 1.800 tỷ đồng của Sacombank để trả hai khoản vay cho BIDV? Ông Danh nói "không rõ" nhưng hầu hết các khoản vay đều giao cho Mai.
Bị hỏi về 2 lần vay tiền của BIDV là khoản vay cá nhân? Bị cáo Mai nói: "Không nhớ rõ nhưng được biết sau này anh Danh dùng chi chăm sóc khách hàng".
Liên quan việc phê duyệt cho ông Danh sử dụng 12 pháp nhân các công ty do mình thành lập vay 4.700 tỷ đồng dẫn đến thiệt hại 2.550 tỷ đồng của VNCB, trước đó, HĐXX triệu tập ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT, Trưởng Phân ban rủi ro tín dụng BIDV), ông Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (hai phó Tổng giám đốc BIDV) đến tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Tuy nhiên những người này đều có đơn xin vắng mặt. Trong đó, ông Hà xin vắng mặt để điều trị bệnh ung thư gan.
Kết quả điều tra xác định, năm 2013, do cần tiền tăng vốn điều lệ theo đề án tái cơ cấu ngân hàng, ông Danh đến hội sở BIDV gặp ông Đoàn Ánh Sáng đặt vấn đề "sẽ giới thiệu khách hàng của VNCB" (là các doanh nghiệp) sang BIDV vay vốn kinh doanh vật liệu xây dựng. Nếu khách hàng không đủ tài sản thì VNCB sẽ dùng tài sản của mình để bảo đảm. Được lãnh đạo BIDV chấp thuận, ông Danh chỉ đạo cấp dưới lựa chọn 12 công ty, chuẩn bị hồ sơ gửi cho nhà băng này, đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỷ đồng. Ông Đoàn Ánh Sáng đồng ý và xin chủ trương của Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Lục Lang và Tổng Giám đốc, ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh các nội dung về điều kiện cấp tín dụng. Ông Lang duyệt và trình Ủy ban quản lý rủi ro đề nghị xem xét, phê duyệt chủ trương theo thẩm quyền (không xin ý kiến Tổng giám đốc). Ủy ban quản lý rủi ro không họp mà lấy ý kiến từng thành viên phân ban rủi ro tín dụng thuộc Ủy ban quản lý rủi ro, sau đó lập báo cáo tổng hợp các ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng, đầu tư và được ông Trần Bắc Hà (Trưởng phân ban) ký phê duyệt. Cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục đã ký tờ trình phê duyệt cho vay vốn, song không đủ căn cứ xác định họ liên quan đến Phạm Công Danh, nên không xử lý hình sự. Cơ quan điều tra đã kiến nghị kiểm điểm và xử lý hành chính những người này. Tại tòa, đại diện VKS kiến nghị HĐXX tiếp tục điều tra làm rõ hành vi của những người này để "không bỏ lọt tội phạm". |