Xem "Người phán xử": Đừng vì lo xa quá mà "phán" bừa!
Chúng ta đừng vì lo ngại những tác động tiêu cực của bộ phim "Người phán xử" mà bỏ qua mong muốn đúng đắn của đông đảo khán giả. Đó là được xem những bộ phim thực tế, sát thực với đời sống xã hội.
Ngoài bộ phim gây nhiều tranh cãi "Sống chung với mẹ chồng", song hành với nó, phim "Người phán xử" đang chiếu trên khung sóng giờ vàng của kênh VTV3 vào các buổi tối thứ 5, thứ 6 hàng tuần đang gây được sự thích thú, chú ý của đông đảo khán giả xem truyền trình trong nước. Phải nói là từ khá lâu rồi, một bộ phim truyền hình nhiều tập do Việt Nam sản xuất mới thu hút được sự quan tâm của khán giả đến vậy.
Đây là do đạo diễn Đỗ Thanh Hải làm Giám đốc sản xuất, với sự quy tụ của rất nhiều các diễn viên "gạo cội", đang là gương mặt ăn khách trên màn ảnh, sân khấu trong nước.
Lâu lắm rồi, mới có phim mà khi xem, người ta có cảm giác như hầu hết các nhân vật đều là "nhân vật chính". Bởi, mỗi diễn viên dù xuất hiện nhiều hay ít cũng đều được khắc họa rõ nét tính cách đặc trưng, mang cá tính riêng biệt, không có kiểu nhân vật chính thì nổi bật hẳn lên, còn các nhân vật phụ thì nhàn nhạt, xuất hiện chủ yếu để làm nền, tôn nhân vật chính lên như nhiều phim trước đó.
Cách xây dựng nhân vật điển hình ấy đã tạo ra một "ông trùm" Phan Quân mang đậm chất phong cách, đẳng cấp của ông trùm với sự đĩnh đạc, uy nghi, sâu sắc, khoan thai, nhẹ nhàng nhưng đậm chất trí tuệ, tầm vóc.
Trợ thủ đắc lực của ông là Lương Bổng cũng thể hiện đúng "chất" cánh tay phải của mình khi lặng lẽ ở bên, lúc nào cũng lạnh lùng, chỉ thể hiện cảm xúc qua ánh mắt. Nhân vật này đọc được hết ý nghĩ, toan tính của ông trùm và luôn tuân thủ, thực hiện đúng ý mà không cần phải hỏi.
Hay cậu "công tử" Phan Hải, con trai của ông trùm, nhân vật gây thích thú cho nhiều khán giả, nhất là khán giả nữ với những phát ngôn vừa ngang tàng, bất cần, vừa trẻ trung, hài hước đã cho thấy rõ sự sốc nổi, bốc đồng của những tay giang hồ "cậy thế, dựa hơi". Ngoài 3 nhân vật nổi bật kể trên, các nhân vật khác như Thế "chột", Phan Thành, anh em Tuấn Tú, cô bồ của Phan Hải... cũng rất thành công trong việc tạo ra các tình huống đầy hồi hộp, làm thót tim khán giả.
Bên cạnh những đánh giá tích cực về Người phán xử, cũng có những ý kiến phê bình bộ phim vì cho rằng có nhiều chi tiết cường điệu hóa, không giống với thực tế xã hội. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng bộ phim quá bạo lực khi đặc tả cảnh Lương Bổng xẻo ngón tay của một "giang hồ cỏ" theo lời phán xử của ông trùm Phan Quân. Hoặc cảnh gài mìn cho nổ tung xe mang đậm chất khủng bố, xa lạ với đời sống xã hội của người Việt ta.
Người ta cho rằng, bộ phim với những cảnh quay đầy máu me, bạo lực ấy sẽ không mang tính giáo dục, nhân văn, không định hướng giá trị tốt đẹp cho khán giả. Cá biệt, có người còn lo sợ rằng vì phim "đời" quá, sẽ sợ các em nhỏ, độ tuổi mới lớn hoặc giới giang hồ bị ảnh hưởng, bắt chước, áp dụng vào thực tế.
Những lo ngại ấy về khía cạnh nào đó cũng có cơ sở. Tuy nhiên, nếu xét theo hướng ngược lại, sẽ thấy, đó là sự lo lắng quá đà, thậm chí là cách "lo ngược".
Phải hiểu rằng, đây là bộ phim tội phạm, mang dáng dấp hành động - xã hội, phản ánh về đời sống, hoạt động của các thế lực ngầm, các vấn đề mặt trái của xã hội. Vì vậy, nó phải lột tả được các góc cạnh, mặt trái của thực tế đời sống xã hội đang diễn ra, nhất là các mặt trái, góc khuất.
Cảnh chặt ngón tay, hoặc cài mìn cho nổ xe không phải xa thực tế. Bởi, những năm gần đây, trên cả nước xảy ra nhiều vụ giới "xã hội đen" thanh toán, uy hiếp nhau tương tự, thậm chí còn kinh khủng hơn thế. Có thể kể đến vụ cài mìn ở cổng nhà một lãnh đạo công an tỉnh Thái Nguyên, vụ một tay giang hồ có "số má" ở Hà Nam bị đối phương dùng súng "xử" giữa ban ngày khi đi chùa vừa xảy ra làm ví dụ.
Còn vấn đề lo ngại giới trẻ bị ảnh hưởng, bắt chước cảnh trong phim, đó là sự lo ngại hơi thừa. Thực tế, những người trẻ có "hơi hướng" sống kiểu dân xã hội, họ thành thục các hành động, luật chơi hơn diễn viên trong phim nhiều.
Trong khi đó, các em thích phim hành động, họ lại không chọn phim Việt Nam để xem, vì nó không đủ "độ". Các em sẽ chọn những bộ phim hành động "khủng" của Mỹ, Hồng Công, Thái Lan... để xem vì ở đó, những cảnh đánh bom, đấu súng, máu chảy, đầu rơi diễn ra hầu như từ đầu đến cuối.
Những phim ấy đang xuất hiện đầy trên các rạp, nhan nhản ở trên mạng, chỉ cần một cú kích chuột là có thể tha hồ xem. Còn sợ phim kịch ảnh hưởng đến đạo đức, cách sống của giới trẻ có lẽ sẽ oan cho số đông.
Bởi, người trẻ họ biết đâu là thưởng thức nghệ thuật, đâu là đời sống thực tế. Những tay "anh chị" ngoài xã hội, lúc nào cũng kè kè dao súng bên người, hơi chút là gây gổ "xử nóng", họ đâu có nhiều thời gian mà xem phim?
Những năm gần đây, chúng ta nỗ lực sản xuất những bộ phim truyền hình dài tập nhằm lấy lại chỗ đứng của nền điện ảnh nước nhà, đang bị xâm lấn bởi các bộ phim truyền hình dài tập của Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...
Tuy nhiên, hầu hết các phim, kể cả được kỳ vọng như Cảnh sát hình sự đều bị chê là "kịch hóa" bởi có quá nhiều chi tiết sến sẩm, cường điệu, không có hoặc ít thấy trong cuộc sống đời thường. Vì vậy, xem Người phán xử, đông đảo khán giả cảm thấy thích thú vì bộ phim này đã có sự đổi mới tư duy so với nhiều bộ phim trước.
Chúng ta đừng vì lo ngại những tác động tiêu cực của bộ phim mà bỏ qua mong muốn đúng đắn của đông đảo khán giả, đó là được xem những bộ phim thực tế, sát thực với đời sống xã hội. Hiểu xã hội, biết được những mặt phải, mặt trái của nó, cũng là cách để giúp cho mỗi người có những thái độ ứng xử phù hợp, bảo vệ tốt hơn bản thân mình và người thân trong cuộc sống hàng ngày.
Nếu có điểm tiếc nuối, có lẽ, điều đáng tiếc nhất đó là bộ phim phải mua kịch bản từ nước ngoài. Lúc này, người ta sẽ lại hỏi, có phải, vì mua kịch bản nước ngoài, nên phim mới được đông đảo khán giá thích thú như thế?
Trích đoạn "Người phán xử" tập 17