WHO giải thích: Tái dương tính Covid-19 là một phần của sự hồi phục

07-05-2020 09:47:09

Phát ngôn viên WHO cho hay một số bệnh nhân dương tính với Covid-19 trở lại sau khi phục hồi, có lẽ những bệnh nhân này đang đào thải các tế bào còn sót lại từ phổi như một phần của quá trình phục hồi.


Một bệnh nhân đang hồi phục khỏi COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh - Ảnh: Reuters.

Theo hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của WHO cho biết, WHO biết rằng một số bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau khi đã phục hồi lâm sàng. Hiện tại, dựa trên các dữ liệu gần nhất, có lẽ những bệnh nhân này dường như đang thải ra những gì còn lại trong phổi, như một phần của giai đoạn hồi phục.

Tuyên bố đưa ra sau khi Hàn Quốc gần đây thông báo có 300 trường hợp dương tính trở lại với Covid-19, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.

Theo WHO thông tin, họ cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với virus corona để xác định xem, liệu họ có thể lây nhiễm Covid-19 cho người khác hay không.

Đối với một số loại virus, chẳng hạn như bệnh sởi, những người từng mắc bệnh này có thể miễn dịch suốt đời. Trong khi đó, đối với các loại virus coronav khác như SARS, khả năng miễn dịch chỉ kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Trước đó, Theo tờ The Age của Úc, ca bệnh này được đề cập trong một nghiên cứu của Trung Quốc và là một trong những bệnh nhân đầu tiên được chẩn đoán mắc Covid-19 tới ba lần riêng biệt. Nhiều bệnh nhân khác đã khỏi bệnh nhưng sau đó xét nghiệm dương tính trở lại.

Điều này đã gây lo ngại cho nhiều người về nguy cơ tái nhiễm căn bệnh chết người này và dấy lên những câu hỏi lớn hơn về ý nghĩa của việc phát triển vắc-xin nếu chúng ta không thể có được khả năng miễn dịch mạnh mẽ và lâu dài đối với Covid-19.

Các chuyên gia cảnh báo virus có thể trú ẩn trong một số tế bào và tấn công các cơ quan hô hấp sau khi hoạt động trở lại. Khoảng 80 -90% những người hồi phục này không còn Covid-19, tuy nhiên nguy cơ nhỏ vẫn sẽ bị tái nhiễm.

Đồng quan điểm, giáo sư Jin Dong-yan, nhà virus học tại Đại học Hồng Kông nhận định, không phải là những người này bị nhiễm bệnh lần thứ hai hoặc nhiễm bệnh dai dẳng, ông cho rằng, có thể do các xét nghiệm đối với bệnh Covid-19 không được thực hiện đúng cách ngay từ đầu. Các yếu tố khác nhau có thể khiến kết quả xét nghiệm không chính xác, bao gồm chất lượng của bộ dụng cụ xét nghiệm và cách thu thập cũng như lưu trữ mẫu xét nghiệm.

Một bệnh nhân được ghi nhận hồi phục hoàn toàn khi có 2 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, mỗi kết quả cách nhau 24 giờ.

Trần Ngọc (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //