Vụ sập mỏ vàng tại Hoà Bình: Có hay không chủ bưởng vàng được 'chống lưng'?

09-11-2018 14:39:51

Trước khi xảy ra vụ việc sập mỏ vàng tại hang Cột Cờ, vàng tặc hoạt động bất kể ngày đêm. Người dân ở đây nghi ngờ có sự "chống lưng" nên chủ bưởng mới lộng hành cho đến khi tai họa ập xuống.

Trước khi vụ tai nạn xảy ra, hoạt động khai thác vàng trái phép tại hang Cột Cờ diễn ra rất rầm rộ

Vàng tặc hoạt động bất kể ngày đêm

Nhiều ngày nay, vụ việc sập mỏ vàng tại hang Cột Cờ (xóm Lộng, xã Thanh Nông, Lạc Thuỷ, Hoà Bình) khiến 2 phu vàng mất tích và hiện vẫn chưa thể giải cứu được nhận được sự quan tâm của dư luận.

Bên cạnh việc ngóng chờ thông tin tìm kiếm 2 nạn nhân gặp nạn khi đang khai thác vàng trái phép, nhiều người dân địa phương cũng cho rằng, hậu quả của vụ việc hôm nay có trách nhiệm của chính quyền địa phương. "Gọi là khai thác chui, khai thác trộm mà đưa cả máy xúc, ô tô vào khai thác, ai cũng nhìn thấy sao chính quyền lại không", một người dân sống gần hang Cột Cờ chia sẻ.

Cũng theo người này, ông nghi ngờ có người "chống lưng" nên những người khai thác vàng mới công khai hoạt động như thế. Sự việc diễn ra trong một thời gian dài. Cũng đã có xử lý nhưng theo kiểu "cho có" rồi lại đâu vào đấy.

Ông B.V.P. (người dân xóm Đệt, xã Thanh Nông) cho biết tại địa bàn xã, duy nhất chỉ có anh Bùi Văn Thú (nạn nhân gặp nạn) là người tham gia khai thác vàng tại hang Cột Cờ còn phần lớn phu vàng đều là những người ở nơi khác đến. 

“Ở Hoà Bình có dân Kim Bôi, Lương Sơn đến làm vàng còn không thì toàn ở miền trong lên đây “đầu quân” cho ông Hưng. Hoạt động khai thác vàng diễn ra rầm rộ cả ngày và đêm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân”, ông P. chia sẻ.

Con đường độc đạo dẫn vào khu vực khai thác vàng trái phép bị quần nát

Cũng theo ông P. cho biết, tại xã Thanh Nông, người ta vẫn rỉ tai nhau về việc khu vực xóm Lộng đâu đâu cũng có vàng và trữ lượng vàng lớn nhất là ở hang Cột Cờ. Vì thế cho nên nhiều người bất chấp nguy hiểm, bất chấp phạm pháp để đến khai thác vàng ở đây.

“Anh K., một người từng hoạt động trong nhóm làm vàng của ông Hưng cho biết trước đây đã có một thời ông Hưng trúng mánh khi 1 ngày làm được 20kg vàng. Không biết thực hư như nào nhưng sau đó câu chuyện được truyền tai nhau, người tứ xứ đổ đến hang Cột Cờ để làm vàng ngày càng nhiều”, ông P. nhớ lại.

Để phục vụ cho việc khai thác vàng tại hang Cột Cờ, ông Hưng đã điều máy xúc, xe chở vật liệu cũng như phu vàng đến đây làm. Cách hang không xa, ông Hưng dựng một lán trại để phu vàng có thể ăn ngủ tại đây. Điều kiện làm việc hết sức khó khăn, thiếu thốn nhưng vì tin rằng hang có nhiều vàng nên nhiều người vẫn đổ về đây.

Mặc dù đã bị xử phạt nhiều lần nhưng hoạt động khai thác trái phép tại đây vẫn diễn ra rầm rộ

“Máy xúc có nhiệm vụ đào đất đổ lên xe chở vật liệu sau đó đưa ra ngoài đập ngăn nước gần đó để những phu vàng khác đãi. Nói là đập ngăn nước nhưng nói chung chỉ được dựng lên tạm bợ.

Trong quá trình đang đào đất, làm vàng thì đập này vỡ, nước, bùn đất ập vào cửa hang gây ra tai nạn như vừa qua. Chú Thú là người điều khiển máy xúc, ở sâu bên trong nhất nên khi đập vỡ, chú ấy không thoát ra ngoài được”, một người thân của nạn nhân Thú cho biết.

Cũng theo người này, trước đây hang Cột Cờ không sâu như bây giờ, tuy nhiên, sau nhiều năm bị vàng tặc đúc đẽo, khoét núi để làm vàng, chiều sâu của hang bây giờ đã lên đến 150 – 200m.

“Hôm đầu tiên cứu nạn, chúng  tôi có bắc giàn để vào bên trong và thực sự ngỡ ngàng. Với khối tượng bùn đất ập vào như thế thì người bên trong hang không có 1% cơ hội chạy thoát”.

Ghi nhận của PV tại hiện trường vụ việc, khu vực hang Cột Cờ nằm sâu bên trong, địa hình hiểm trở, xa cách khu dân cư. Con đường độc đạo dẫn vào hang cũng bị băm nát bởi các phương tiện làm vàng.

Lợi dụng dự án sang lấp để khai thác vàng?

Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, ông Bạch Bá Hán, Chủ tịch UBND xã Thanh Nông xác nhận thông tin về việc Bạch Xuân Hưng từng khai thác vàng trái phép và bị xử phạt hành chính nhiều lần như vẫn tái phạm.

“Trong 2 năm 2016 và 2017, chúng tôi đã 3 lần rà soát, kiểm tra sau đó ra quyết định xử phạt, tịch thu phương tiện và yêu cầu ông Hưng hoàn trả lại mặt bằng cũng như chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác vàng trái phép nhưng sự việc vẫn tái diễn”, ông Hán cho biết.

Cũng theo vị lãnh đạo UBND xã Thanh Nông, để đối phó với cơ quan chức năng, thời gian, ông Hưng cho người khai thác vàng vào ban đêm. Khi bị phát hiện, ông Hưng thường cho biết đang khắc phục, sửa chữa đoạn đường bị sạt lở gần đó.

Ngôi nhà của chủ "bưởng vàng" Bạch Xuân Hưng.

Còn người dân địa phương cũng đặt nhiều câu hỏi tới cơ quan chức năng về việc vì sao các phương tiện trong quá trình khai thác vàng trái phép bị tạm giữ nhưng sau đó lại được trả về để ông Hưng tiếp tục khai thác.

Lý giải về tình tiết này, đại diện Công an tỉnh Hoà Bình cho biết. Mặc dù Bạch Xuân Hưng nhiều lần vi phạm về việc khai thác vàng trái phép, nhưng những lần đó, không đủ yếu tố để khởi tố bị can, khởi tố vụ án mà chỉ phạt hành chính, sau đó trả lại phương tiện cho đối tượng.

Khi vụ việc sập hang Cột Cờ khiến 2 phu vàng gặp nạn xảy ra, các đối tượng đã cho tháo dỡ máy móc ra khỏi hiện trường để phi tang sau đó mới thông báo cho cơ quan chức năng về vụ việc.

Người thân của nạn nhân Bùi Văn Thú chia sẻ về việc làm vàng trái phép tại hang Cột Cờ

Trước diễn biến nghiêm trọng của vụ việc, cơ quan điều tra đã tiến hành bắt, tạm giữ hình sự đối với Bạch Xuân Hưng (SN 1968, ở xóm Vôi, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình) là đối tượng cầm đầu nhóm khai thác vàng trái phép để xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc đêm 4/11 vừa qua.

Thông tin từ hiện trường vụ việc cho thấy cơ quan chức năng vẫn chưa thể tiếp cận được vị trí của 2 nạn nhân gặp nạn. “Mặc dù đã điều động thêm rất nhiều nhân lực, máy móc nhưng do địa hình hiểm trở, hang sâu, lượng bùn đất tràn vào hang rất lớn và có mạch nước ngầm nên việc tìm kiếm 2 phu vàng không thể diễn ra nhanh hơn được”, đại diện UBND huyện Lạc Thuỷ thông tin.

Xem thêm:

Công tác cứu hộ 2 phu vàng bị mắc kẹt trong vụ sập mỏ vàng ở Hoà Bình

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //