Vụ lùi xe trên cao tốc khiến 4 người chết: Quy trình toà án tối cao xem xét lại vụ án như thế nào?
Sau khi Tòa án nhân dân tối cao rút hồ sơ vụ án này để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm có quyền tạm đình chỉ thi hành án đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật trong thời hạn 90 ngày để xem xét việc có kháng nghị hay không.
Phải làm rõ khoảng cách giữa hai xe ô tô
Mới đây, phiên toà xét xử bị cáo Ngô Văn Sơn (SN 1978, ở xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) và Lê Ngọc Hoàng (SN 1985, trú tại huyện Đông Hưng, Thái Bình) trong vụ xe container đâm xe Innova đi lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên khiến 4 người tử vong vừa tuyên án đã nhận được làn sóng phản đối dữ dội từ giới tài xế.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho rằng, tại phiên tòa phúc thẩm nhiều tình tiết vẫn chưa được làm rõ, đặc biệt là thời điểm lái xe Hoàng phát hiện ra chiếc xe Innova đang lùi thì khoảng cách giữa hai xe là bao xa?
Thêm nữa, với điều kiện ánh sáng, tầm nhìn như vậy thì khả năng quan sát thực tế để phát hiện ra chướng ngại vật là bao xa? Khi phát hiện ra chiếc xe Innova đang lùi thì Hoàng đã xử trí tình huống thế nào? Có đủ thời gian, điều kiện để phanh hoặc đánh lái tránh xe Innova một cách an toàn hay không?
“Những vấn đề này chưa được thu thập đầy đủ chứng cứ để làm rõ bởi vậy việc kết tội lái xe Hoàng là chưa đủ cơ sở pháp lý vững chắc. Có làm rõ các tình tiết nêu trên thì mới xác định được hành vi của Hoàng là sự kiện bất ngờ, bất khả kháng hay có lỗi vô ý do quá tự tin hoặc do cẩu thả”, luật sư Cường nói.
Hiện trường vụ tai nạn cao tốc Thái Nguyên. Ảnh: CQĐT
Theo luật sư Cường, nếu cần thiết, cơ quan chức năng có thể thực nghiệm lại hiện trường để làm rõ khả năng phát hiện ra chiếc xe đi ngược chiều là bao xa? Từ thời điểm phát hiện ra chiếc xe innova đi ngược chiều thì có kịp thời gian để xử lý tình huống hay không?
Ngoài ra cũng cần làm rõ là trước và tại thời điểm va chạm thì anh Hoàng có bị khuất, cản tầm quan sát hay không? Có đủ điều kiện để đánh lái, tránh xe phía trước đang lùi hay không?
Luật sư Cường cho biết thêm, nếu kết quả điều tra, xác minh cho thấy lái xe container hoàn toàn có khả năng quan sát được xe Innova đang lùi từ xa (khoảng vài trăm mét) nhưng do lơ đãng, thiếu chú ý quan sát dẫn tới khi tới gần (khoảng 40-50m) thì mới phát hiện và không kịp xử lý (không kịp phanh, không kịp đánh lái một cách an toàn) thì người lái xe này mới có lỗi. Còn bình thường phản xạ tự nhiên khi bất ngờ gặp chướng ngại vật, người lái xe sẽ giật mình và đạp phanh, đánh lái.
“Không mấy ai dại dột hoặc liều lĩnh biết phía trước có xe đang dừng, đỗ hoặc đi lùi (chướng ngại vật), có khả năng phanh, tránh mà lại cứ đâm thẳng vào đuôi xe người phía trước làm gì. Nếu bản án này được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì cơ hội để tòa tuyên hủy hai bản án để điều tra lại, xác định lại hành vi và trách nhiệm pháp lý của Hoàng sẽ cao hơn và cơ hội minh oan cho người lái xe này là rất khả thi”, luật sư Cường chia sẻ.
Quy trình xem xét lại vụ án
ThS. LS Đặng Văn Cường cho hay, trường hợp cần thiết phải nghiên cứu hồ sơ vụ án để xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thì tòa án, viện kiểm sát có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản để tòa án đang quản lý hồ sơ chuyển hồ sơ vụ án.
Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu, tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án phải chuyển hồ sơ vụ án cho tòa án, viện kiểm sát đã yêu cầu theo quy định tại Điều 376 Bộ luật tố tụng hình sự.
Sau khi tòa án nhân dân tối cao rút hồ sơ vụ án này để xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm thì người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm có quyền tạm đình chỉ thi hành án đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 377 Bộ luật tố tụng hình sự trong thời hạn 90 ngày để xem xét việc có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hay không.
Trong trường hợp sau khi xem xét, TAND tối cao cho rằng không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, đồng thời VKSND tối cao, TAND cấp cao, VKSND cấp cao cũng không kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thì bản án sẽ được thi hành.
Ngô Văn Sơn (trái) và Lê Ngọc Hoàng tại phiên tòa. Ảnh: T.N
Trong trường hợp Tòa án nhân dân tối cao có văn bản kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên thì trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày có văn bản kháng nghị thì Hội đồng thẩm phán, TAND tối cao sẽ mở phiên tòa giám đốc thẩm theo quy định tại Điều 385 (Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Hội đồng giám đốc thẩm sẽ căn cứ vào Điều 388 (Bộ luật Tố tụng hình sự) để quyết định một trong các nội dung sau đây: Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại; Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án; Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Cũng theo luật sư Cường, quy định của pháp luật hiện hành thì Chánh án TAND tối cao cũng có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND thành phố Thái Nguyên và TAND tỉnh Thái nguyên theo quy định tại Điều 373 (Bộ luật Tố tụng hình sự).
Trong vụ án này, bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm của tòa án tỉnh Thái Nguyên chưa thuyết phục được dư luận, chưa làm cho bị cáo và những người tham dự phiên tòa tâm phục, khẩu phục. Sau khi bản án phúc thẩm xác định anh Hoàng, người lái xe container có tội và tuyên phạt 6 năm tù thì dư luận rất bức xúc. Bản thân và bị cáo và nhiều người khác đã có văn bản yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm.
"Có thể chính vì sức ép dư luận và đơn thư kêu oan, kêu cứu, kiến nghị của bị cáo và những người khác có liên quan nên Tòa án nhân dân tối cao mới vào cuộc nhanh chóng, yêu cầu rút hồ sơ để xem xét sớm như vậy.
Pháp luật cũng quy định thời hạn xem xét để kháng nghị giám đốc thẩm không quá 3 năm. Thực tiễn cho thấy thường thì phải ngoài 2 năm hoặc gần 3 năm mới có thể có kháng nghị giám đốc thẩm. Tuy nhiên, với một số vụ án mà dư luận quan tâm thì thủ tục xem xét kháng nghị giám đốc thẩm được đẩy nhanh hơn" luật sư Cường nhận định.