Vụ container gây tai nạn thảm khốc ở Long An: Ai bồi thường thiệt hại?

03-01-2019 18:32:28

Những khía cạnh pháp lý trong vụ tai nạn giao thông ở Long An như tình tiết dương tính với ma túy, uống rượu bia khi lái xe, ai chịu trách nhiệm bồi thường... đã được các luật sư phân tích dưới đây.


Tài xế gây tai nạn ở Long An phải chịu hình phạt nào?

Cần phải khắt khe trong việc thi tuyển bằng lái xe

Công an tỉnh Long An đang điều tra vụ xe container do Phan Thành Hiếu (32 tuổi, quê Long An) điều khiển tông hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ tại ngã tư Bình Nhựt (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) gây hậu quả 4 người chết, 18 người bị thương.

Cơ quan chức năng xác định, Hiếu có giấy phép lái xe hạng FC (bằng lái xe container) do Sở Giao thông Vận tải TP HCM cấp năm 2015, chiếc xe container vẫn còn thời hạn đăng kiểm.

Khi gây tai nạn, xe container chạy tốc độ 45 km/h. 10 giây trước đó, vận tốc của xe là 54 km/h. Vị trí xảy ra tai nạn nằm ngoài khu dân cư, xe container được chạy tốc độ tối đa 70 km/h.

Còn thông tìn từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, sau khi thực hiện các xét nghiệm, bệnh viện xác định tài xế lái xe container gây tai nạn có kết quả dương tính với ma túy. Trong lần xét nghiệm đầu, nồng độ cồn trong máu cao.

Luật sư, Đặng Xuân Cường – Công ty Trương Anh Tú cho biết, hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong người có chất ma túy là một trong những hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 7 Điều 8 Luật An toàn giao thông đường bộ hiện hành. Hành vi trên của tài xế Hiếu đã có dấu hiệu rất rõ ràng của “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” được quy định tại Điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). 


Hiện trường vụ tai nạn

Tuy nhiên, để xác định đúng điều khoản làm cơ sở truy tố đối với tài xế đã gây ra vụ tai nạn thì cần phải qua quá trình điều tra để xác định chính xác hậu quả xảy ra. Nhưng chắc chắn với lỗi sử dụng ma tuý và bia rượu gây tai nạn, làm chết 4 người thì mức hình phạt sẽ là rất nặng nề. 

Theo luật sư Cường, tình tiết tài xế Hiếu đã sử dụng chất ma túy khi tham gia giao thông sẽ được xác định là tình tiết định khung hình phạt chứ không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự bởi lẽ, tình tiết này đã được nhà làm luật dự liệu và xác định ngay trong điều 260 Bộ luật hình sự để xác định khung hình phạt cho người vi phạm. 

Với chế tài được thiết kế trong “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” tôi cho rằng cũng đã phù hợp với tình hình giao thông mới. Vấn đề của chúng ta hiện nay là phải nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

Theo đó chúng ta cần hết sức khắt khe trong việc thi tuyển bằng lái xe, nâng cao kiến thức của người lái xe về luật an toàn giao thông đường bộ cũng như đạo đức của người lái xe. Tuyên truyền để người tham gia giao thông tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Nhanh chóng xử lý và xử lý nghiêm những vụ việc mà người tham gia giao thông do vị phạm luật đã gây ra hậu quả cho xã hội. Chỉ có như vậy thì tình hình giao thông của nước ta mới được cải thiện.

Tài xế sẽ bị phát từ 7-16 năm tù

Luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho biết, luật giao thông đường bộ quy định, cấm tài xế điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc trong máu có nồng độ cồn.

Như vậy, trong trường hợp, cơ quan điều tra xác định, thời điểm lái xe container gây tai nạn thảm khốc, Phan Thành Hiếu dương tính với ma túy hoặc trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì tài xế này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo điều 260 Bộ Luật Hình sự.

“Bộ luật hình sự quy định, tài xế sẽ bị xử phạt từ 3-10 năm tù khi phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” thuộc trường hợp có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác.

Tài xế sẽ bị phạt 7-15 năm nếu vụ tai nạn làm 3 người chết. Hậu quả vụ tai nạn do Hiếu gây ra rất lớn, làm 4 người chết và 18 người bị thương nên tài xế sẽ đối mặt với khung hình phạt từ 7-15 năm tù nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, luật sư Tuấn Anh nói.

Ai chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại?

Luật sư, Diệp Năng Bình - Trưởng VPLS Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Long An khiến 4 người tử vong và 18 người bị thương cần phải được các cơ quan chức năng điều tra để đưa ra kết luận chính thức. 

Trong vụ tai nạn trên, người phải chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.


Tài xế gây tai nạn thảm khốc ở Long An

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 

Bên cạnh đó nếu tài xế đang làm việc cho Cty TNHH Thạnh Đức thì theo quy định tại điều 600 Bộ luật dân sự cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra cụ thể: Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.

Còn theo, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) cho rằng, tài xế Hiếu sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân. Chiếc xe container là nguồn nguy hiểm cao độ nên việc bồi thường cho các nạn nhân trong vụ tai nạn này sẽ áp dụng các quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra theo Điều 601, Bộ luật Dân sự.

“Khoản 2 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Trong trường hợp này, mặc dù chủ sở hữu chiếc xe đầu kéo (nguồn nguy hiểm cao độ) này là Công ty Thạnh Đức nhưng có thể xác định rằng công ty này đã “giao” cho lái xe là người “chiếm hữu, sử dụng” hợp pháp nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về người lái xe”, luật sư Tuấn Anh cho hay.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //