Vụ cho thuê đất nông nghiệp xây trạm bê tông Hà Nam: Chính quyền bất lực?
Nhiều diện tích đất công ích vốn được sử dụng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang được chính quyền xã Kim Bình, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho doanh nghiệp thuê lại để sản xuất, kinh doanh trái phép...
Chính quyền cho thuê đất trái thẩm quyền
Như tin đã đưa, trong mấy năm vừa qua nhiều diện tích đất công ích vốn được sử dụng để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản đang được chính quyền xã Kim Bình, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho doanh nghiệp thuê lại để sản xuất, kinh doanh trái phép.
Trước đó, ngày 22/06/2012 UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định 27/2012/QĐ-UBND về việc Quản lý và sử dụng quỹ đất nông nghiệp vào mục đích công ích trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó bao gồm xã Kim Bình, TP. Phủ Lý. Và tại thời điểm chính quyền xã Kim Bình tiến hành việc cho doanh nghiệp, cá nhân thuê diện tích đất công ích, thì văn này vẫn đang còn hiệu lực.
Thực hiện quyết định nêu trên, chính quyền xã Kim Bình đã cho phép Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng thuê 36,2 sào đất công ích, sử dụng vào mục đích thả cá, chăn nuôi nuôi trồng thủy sản, thông qua bản Hợp đồng nhận khoán thầu diện tích đất công ích số 06/HĐ, ký ngày 16/02/2017. Tuy nhiên, ngay trên diện tích đất công ích lại “mọc” lên một trạm trộn bê tông cỡ lớn.
Trạm trộn bê tông Tuấn Hùng
Trạm trộn bê tông này được xây dựng ngay sát đường tránh, nơi có lượng xe tải lưu thông lớn. Đứng quan sát khoảng 1h chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng chục xe bồn cỡ lớn, nhỏ mang tên bê tông Tuấn Hùng thi nhau nối đuôi vào trạm trộn ra vào. Hầu hết những xe này đều hoạt động trên đường quốc lộ 21B và đường đê tả Đáy.
Do đường đi vào trạm trộn không được đổ bê tông nên mỗi khi xe lưu thông ra vào kéo theo đất cát ra đường gây bụi mù mịt, mưa thì lầy lội, cát phủ trắng từng con đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh.
Thâm chí, nước thải từ việc sản xuất trộn bê tông không được xử lý được xả trực tiếp ra môi trường… đường bê tông xung quanh khu vực trạm trộn bị rạn nứt, xuất hiện nhiều ổ trâu, ổ voi ảnh hưởng lớn cho người tham gia giao thông. Không những vậy, trạm trộn bê tông Tuấn Hùng này còn ngang nhiên tập kết cát trái phép trên diện tích lớn, giáp sông Đáy…
Không chỉ có sai phạm của Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng nêu ở trên, chúng tôi còn phát hiện thêm bãi tập kết cát lớn nằm ngay dưới chân cầu sông Đáy rộng khoảng 1,5ha, bên trong máy móc và xe tải hoạt động. Được biết khi đất tập kết này do một người tên là Hoà đứng ra để thuê đất.
Cụ thể, ngày 10/8/2016, UBND xã Kim Bình là ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã cũng đã ký kết Hợp đồng nhận khoán thầu diện tích đất công ích số 68/HĐ với ông Quản Văn Hòa, đăng kí thường trú tại Văn Xá, Kim Bảng, Hà Nam. Theo hợp đồng, 15.000m2 đất công ích được ông Quản Văn Hòa sử dụng vào mục đích bãi để xe, bãi tập kết vật liệu.
Hai hợp đồng thuê đất của của UBND xã Kìm Bình cho Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng thuê.
Như vậy có thể thấy việc ông Hoà thuê đất công ích tại xã Kim Bình để làm bãi tập kết là sai so với văn bản quyết định 27/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Nam.
Xét về đối tượng được quy định trong văn bản của UBND tỉnh Hà Nam, thì đối tượng được thuê đất công ích sẽ là là “hộ gia đình, cá nhân tại địa phương”. Tuy nhiên, trên thực tế, UBND xã Kim Bình lại “ưu ái” chấp thuận ký kết hợp đồng nhận khoán thầu diện tích đất công ích với doanh nghiệp và một cá nhân không phải người dân của địa phương. Bên cạnh đó, mục đích sử dụng đất cũng hoàn toàn sai trái.
Mặt khác, diện tích đất công được UBND xã giao cho các doanh nghiệp, cá nhân không phải diện tích đất nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư; mà nằm ngay rìa sông Đáy, trên tuyến đường quốc lộ 21b. Theo quy định, việc sử dụng diện tích đất này phải được thực hiện việc đấu giá để nhận thầu.
Chính quyền thừa nhận sai
Trước những sai phạm nêu trên, ngày 7/11 PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ tịch UBND xã Kim Bình. Ông Hải khẳng định: “Việc của Công ty bê tông Tuấn Hùng thuê đất để xây dựng trạm trộn bê tông là hoàn toàn sai và tôi cũng đã bị kiểm điểm khiển trách. Vụ việc của ông Hoà thì cũng có cái đúng và có cái sai, mong PV thông cảm vì cũng muốn có sự thu hút kinh tế cho địa phương".
Khi chúng tôi thắc mắc về việc trạm trộn bê tông Tuấn Hùng xây dựng trái phép gần 2 năm nay nhưng chính quyền không xử lý mạnh tay? Ông Hải giải thích: “Trước đó, cuối 2018 UBND TP. Phủ Lý có kết luận và chúng tôi đã cho thanh lý hợp đồng, giao cho công ty 30/6/2019 bắt buộc phải di rời đi, nhưng vừa qua họp ở UBND TP. thì TP. lại đồng ý cho gia hạn hợp đồng đến cuối tháng 12 này di rời đi. Bên cạnh đó, xã đã tiến hành xử phạt 2 triệu đồng đối với Công ty TNHH bê tông Tuấn Hùng trong lĩnh vực đất đai".
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ tịch UBND xã Kim Bình tại buổi làm việc với PV
“Chúng tôi cũng đã ra nhiều thông báo yêu cầu công ty thanh lý hợp đồng nhưng công ty không làm theo. TP. Phủ Lý có xuống kiểm tra nhiều lần, đối với mức xử phạt 2 triệu tôi cũng thấy nhẹ không đủ sức răn đe nhưng xã chỉ xử phạt được đến thế thôi. Việc xây dựng trạm bê tông không những là sai trong hợp đồng thuê đất, công ty này còn lẫn chiếm hành lang đê điều nữa", ông Hải tiết lộ thêm.
Tìm đến UBND TP. Phủ Lý để liên hệ làm việc, tuy nhiên khi đến trụ sở chúng tôi lại bị bảo vệ nơi đây ngăn cản lại không cho vào với lý do PV không có thẻ nhà báo, chỉ có giấy giới thiệu là chưa đủ. Mặc dù PV đã giải thích nhưng vị bảo vệ nói: "Chúng tôi ít chữ và tôi chỉ làm theo chỉ đạo của người đứng đầu, mời các anh đi về".
Nước thải từ việc sản xuất trộn bê tông không được xử lý được xả trực tiếp ra môi trường…
Liên hệ trực tiếp với Chủ tịch UBND TP. Phủ Lý về vấn đề trên, vị chủ tịch từ chối và nói rằng: "Làm việc thì mời PV liên hệ với văn phòng, sao lại gọi cho tôi". Phải chăng UBND TP. Phủ Lý đang cố tình né tránh trong vụ việc sai phạm về công tác quản lý đất đai trên địa bàn xã Kim Bình?
(Còn nữa)…