Về vụ án “quý bà” Trương Thị Tuyết Nga: Vụ án dân sự bị hình sự hóa
Bà Trương Thị Tuyết Nga có đơn kêu cứu cho rằng đã bị bắt giam oan sai từ ngày 27/4/2013, có dấu hiệu một vụ án dân sự bị hình sự hóa
Thời gian qua, bà Trương Thị Tuyết Nga, sinh năm 1961, hộ khẩu thường trú ở 92 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh; cựu Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân, liên tục có đơn kêu cứu cho rằng bị bắt giam oan sai từ ngày 27/4/2013.
Qua hồ sơ của vụ án (Bản án hình sự sơ thẩm số 264/2016/HSST ngày 26/7/2017 của Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hồ Chí Minh và Bản án số 29/2017/HSPT ngày 23/1/2017 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh thể hiện nhiều góc khuất có dấu hiệu một vụ án dân sự bị hình sự hóa…
Bắt bà Trương Thị Tuyết Nga có đúng thẩm quyền?
Theo kết luận của các cơ quan tố tụng: Cuối năm 2007 đầu năm 2008, bà Nga thuê người vẽ thiết kế dự án Khu chung cư cao cấp – tháp văn phòng BLUE SKY TOWER tại khu đất 35.000 m2, thuộc phường Bình Khánh, quận 2, TP Hồ Chí Minh để xin cấp phép.
Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ ngày 24/12/2007
Thông qua ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Tân Kỷ, bà Nga gặp bà Dương Mỹ Linh, địa chỉ số 107/18 Trương Định, phường 6, quận 3, TP Hồ Chí Minh và giới thiệu bán dự án trên. Hai bên thống nhất giá đất dự án là 1.800 USD/m2. Tổng giá trị dự án là 54 triệu USD.
Tổng số tiền đặt cọc của bà Linh để mua dự án là 3.100.000 USD. Bà Linh thấy bà Nga không thực hiện dự án và biết Sở Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 10098/TNMT ngày 27/11/2007 không chấp thuận cho bà Nga xây dựng dự án ở phường Bình Khánh; UBND TP Hồ Chí Minh có Công văn số 261/UBND-ĐTMT ngày 14/1/2008 và UBND quận 2, TP Hồ Chí Minh có Công văn số 1570/UBND-TNMT ngày 3/3/2008 nội dung: Không cho phép mua bán, chuyển nhượng, xây dựng trái phép trên đất tại phường Bình Khánh vì quy hoạch ga Thủ Thiêm.
Khi thấy bà Nga sử dụng số tiền đặt cọc vào việc tiêu dùng cá nhân và hoạt động kinh doanh, nên bà Linh mới biết bị bà Nga lừa. Bà Linh đòi lại số tiền đã đặt cọc và tố cáo hành vi lừa đảo của bà Nga với cơ quan chức năng.
Bản án hình sự sơ thẩm số 264/2016/HSST ngày 26/7/2016 của TAND TP Hồ Chí Minh quyết định: Tuyên bố bị cáo Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; xử phạt bị cáo Nga 15 năm tù. Thời hạn tù tính từ ngày 27/4/2013.
Bản án hình sự phúc thẩm số 29/2017/HSPT ngày 23/01/2017 của TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xử phạt bị cáo Nga 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tính từ ngày 27/4/2013; bồi thường cho bà Linh 3,1 triệu USD.
Theo tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) năm 2002, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Pháp lệnh Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2004 đã thu hẹp mô hình tổ chức và thẩm quyền cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát; giải thể các Phòng điều tra ở Viện Kiểm sát cấp tỉnh, chỉ tổ chức cơ quan điều tra ở Viện KSND Tối cao để điều tra các vụ án hình sự về một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.
Cụ thể hóa quy định trên, Điều 4 Quy chế 1169/2010 của Viện KSND Tối cao đã hướng dẫn rõ hơn về thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đối với: các tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ của các cơ quan tư pháp khi các tội phạm đó thuộc thẩm quyền xét xử của TAND.
Ở các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; hành vi phạm tội hoặc người thực hiện hành vi phạm tội có liên quan đến vụ án thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đang khởi tố, điều tra.
Phụ kiện số 01 (Hợp đồng số 01 ngày 24/12/2007)
Theo ông Lê Hồng Thanh, Phó Trưởng phòng 1, Cục Điều tra Viện KSND Tối cao có bài đăng trên Tạp chí Kiểm sát số 11/2012 thì: Thẩm quyền chung của các Cơ quan điều tra (thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Viện KSND Tối cao) được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (BLTTHS năm 2003) theo khoản 3 Điều 110: Thẩm quyền điều tra:“Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao điều tra một số loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp”.
Bà Trương Thị Tuyết Nga là bác sĩ, không phải là cán bộ của bất cứ cơ quan tư pháp nào. Vì vậy việc bắt giam bà Nga, việc Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao tự điều tra, tự ra cáo trạng có phù hợp tố tụng hay không?
Trong các bút lục: Từ 9423 đến 9427, do Kiểm sát viên Hà Minh Khương lập, thấy rất rõ các hành vi gian dối của bà Linh bằng các câu hỏi. Nhưng nội dung cáo trạng không có các câu hỏi này (?!).
Tại sao bắt bà Nga từ ngày 27/4/2013, với tội lừa đảo; và ngày 17/7/2013, Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao khởi tố bổ sung tội môi giới và đưa hối lộ, nhưng đến nay đã hơn 4 năm, mà tội danh này cũng chỉ khởi tố rồi để đấy, chứ cũng không có chứng cứ gì để buộc tội bà Nga.
Thậm chí, trong biên bản họp liên ngành ngày 8/7/2013, lãnh đạo 3 ngành: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát đều khẳng định thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật trong vụ án này thuộc về Cơ quan điều tra Bộ Công an.
Nhưng cuối cùng lại quyết định giao Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao điều tra tội danh lừa đảo đối với bà Nga. Quyết định này có phải đã vượt thẩm quyền và vi phạm pháp luật (Không một cá nhân, hay cơ quan, tổ chức nào được thay đổi luật ngoài Quốc hội)?
Rõ ràng, từ các lẽ trên đây thể hiện có dấu hiệu bắt bà Trương Thị Tuyết Nga không đúng thẩm quyền. Đây là cơ sở để ông VVH, chồng và là người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan trong vụ án đã có đơn “đề nghị Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chỉ đạo hủy kết luận điều tra của Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao và trả vụ án lại cho Cơ quan điều tra Bộ Công an để điều tra theo đúng thẩm quyền”.