Vụ án oan ở Vĩnh Phúc: Yêu cầu bồi thường 12 tỷ đồng, VKS chi trả 850 triệu

29-07-2020 13:56:57

Ngày 28/7, đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc cùng các bên liên quan đã có buổi thương lượng đối với ông Trần Ngọc Chinh (SN 1941, trú tại xã Đồng Thịnh, huyện Sông Lô) về việc ông yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị truy tố oan tội “Giết người”.

Trước đó, ông Chinh yêu cầu VKSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường tổng số tiền gần 12 tỷ 870 triệu đồng, gồm tiền thu nhập bị mất; thiệt hại tinh thần, sức khỏe bị xâm hại… vì bị hàm oan, sau 37 năm mới được xin lỗi, cải chính công khai.

Theo nội dung biên bản thương lượng, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc dựa trên 4 căn cứ về thiệt hại, chi phí, tổn thất để bồi thường cho ông Chinh tổng số tiền hơn 857 triệu đồng.

Cụ thể, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất khoảng 250 triệu đồng; chi phí đi lại, in ấn tài liệu khoảng 226 triệu đồng; chi phí gửi đơn khoảng 57 triệu đồng và tổn thất về tinh thần trong thời gian bị khởi tố, tạm giam oan sai khoảng 324 triệu đồng.

Trong khi đó, ông Chinh không chấp nhận mức bồi thường khoản thu nhập bị mất do VKS đưa ra nên đề nghị bồi thường số tiền khoảng 2 tỷ 180 triệu đồng. Ông Chinh đề nghị xem xét lại mức thu nhập hàng tháng cùng ngành nghề (trước thời điểm bị bắt, ông làm việc ở hợp tác xã), phụ cấp ăn trưa…


Ông Trần Ngọc Chinh bị hàm oan, sau 37 năm mới được xin lỗi, cải chính công khai. Ảnh: Thanh Niên

Luật sư Nguyễn Văn Hưng (Văn phòng luật sư Thái Hưng) Cho báo PLVN hay đề nghị VKS bồi thường thêm việc thu nhập của ông Chinh bị giảm sút do thiệt hại về sức khỏe, từng phải đi các bệnh viện điều trị sau khi ra tù.

Bồi thường hơn 8,8 tỷ tiền tổn thất tinh thần trong thời gian bị oan, ra khỏi trại giam hơn 37 năm mới được xin lỗi công khai; tiền cấp dưỡng nuôi 5 người con và bố mẹ khoảng hơn 660 triệu đồng… Riêng tiền chi phí đi lại, in ấn tài liệu và chi phí gửi đơn là 900 triệu đồng.

Tuy nhiên, những đề nghị nêu trên từ phía ông Chinh và người ủy quyền không được đại diện VKSND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận. Bởi lẽ, ông Chinh không cung cấp được tài liệu, chứng cứ chứng minh thu nhập bị giảm sút; không chấp nhận yêu cầu trợ cấp tiền cấp dưỡng do pháp luật chỉ xem xét nội dung này khi người bị thiệt hại chết. Về yêu cầu “tiền tổn thất tinh thần” từ khi ra trại đến khi được xin lỗi công khai thì pháp luật không có quy định bồi thường.

Trao đổi với PV Dân trí sau buổi thương lượng, ông Chinh bày tỏ sự thất vọng, buồn chán vì mức tiền mà VKSND tỉnh Vĩnh Phúc chấp nhận bồi thường đối với mình. “VKS nên cân nhắc thế nào để bồi thường cho thỏa đáng với những gì mà tôi đã gánh chịu… Có phải tôi đang đi bán mớ rau muống đâu mà mặc cả như thế” - ông Chinh bày tỏ.

Liên hệ với anh Trần Văn Mạnh, người luôn đồng hành cùng với ông Chinh trong quá trình đi tìm công lý, cũng như suốt chặng đường vừa qua, anh Mạnh cho biết, nếu không tìm được tiếng nói chung giữa đôi bên khi giải quyết bồi thường thì gia đình chúng tôi cũng như ông Chinh sẽ làm đơn khởi kiện ra toà để toà phân xử.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //