Vụ 8 người ngộ độc rượu ở TP HCM: Không truy được nguồn gốc loại rượu các nạn nhân đã uống
"Các trường hợp này tự sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, việc truy xuất thật sự rất khó khăn", ông Lê Minh Hải, Phó Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết.
Thông tin trên Báo Công an nhân dân cho biết, chiều 18/8, TP HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về dịch bệnh Covid-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.
Tại buổi họp này, ông Lê Minh Hải - Phó Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho hay, việc truy xuất nguồn gốc rượu vụ ngộ độc khiến 2 người tử vong, 6 người nhập viện cấp cứu vừa qua là rất khó khăn.
"Các trường hợp này tự sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, việc truy xuất thật sự rất khó khăn. Sự cố xảy ra là bất khả kháng và không mong muốn. Sau khi có sự cố, chúng tôi đã tích cực kiểm tra, tăng cường tuyên truyền nhằm ngăn ngừa những sự cố khác có thể xảy ra trong tương lai", ông Hải nói.
Một nạn nhân trong vụ ngộ độc rượu được cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Theo ông Hải, thị trường TP HCM rất lớn và việc quản lý kinh doanh rượu và chất lượng rượu trên thị trường hiện nay đòi hỏi các cơ sở sản xuất và kinh doanh rượu (trừ cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ) cần có Giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện An toàn thực phẩm hoặc cơ sở đã được cấp một số các giấy chứng nhận khác như HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 220001, hoặc tương đương còn hiệu lực.
Ngoài các giấy chứng nhận nêu trên thì các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh rượu phải tuân thủ quy định về thông tin ghi nhãn hàng hoá sản xuất trong nước và nhập khẩu, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm nằm trong danh mục được cho phép của Bộ Y tế; phải thực hiện việc tự công bố chất lượng sản phẩm theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2 tháng 2 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố được Ban quản lý An toàn thực phẩm thực hiện thường xuyên, liên tục. Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán năm 2022, Ban tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, nhóm sản phẩm sử dụng nhiều trong dịp tết Nguyên Đán và trong các lễ hội như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm…
Từ tháng 10/2021 đến hết năm 2021, Ban đã kiểm tra 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 2 cơ sở với số tiền phạt là 134.900.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc thu hồi, thay đổi mục đích sử dụng hoặc tái chế hoặc tiêu hủy sản phẩm rượu của 2 cơ sở này do vi phạm về điều kiện vệ sinh cơ sở, không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không có bản tự công bố sản phẩm rượu.
Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 7/2022, Ban đã kiểm tra 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia và chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Trong thời gian từ nay đến cuối năm, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó có các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn.
Tuy nhiên, việc kiểm tra các cơ sở này rất khó khăn do các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, đồ uống có cồn nhỏ lẻ không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Vì vậy, công tác quản lý đối với các cơ sở này gặp một số khó khăn. Các cơ sở này ít đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định hoặc đầu tư để đối phó với đoàn kiểm tra.
Phó Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM thông tin thêm, một số cơ sở đóng cửa, hoạt động về đêm nhằm né tránh việc kiểm tra hành chính của các đoàn kiểm tra. Một số cơ sở sau khi bị lập biên bản vi phạm hành chính đã đóng cửa, giải thể, chuyển địa điểm khác nhằm tránh né việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Như Báo Công an TP HCM đã đưa tin, khuya 3/8, sau khi Nhà hàng Mr Bao (tại phường Phước Long B, TP Thủ Đức, thuộc công ty TNHH Mr Bao Cuisine) đóng cửa, 6 nhân viên và hai người bạn đã tổ chức ăn uống, thức ăn mua từ quán khác về.
Họ cùng uống hết bình chất lỏng 5 lít lấy từ kho bảo quản thực phẩm của nhà hàng. Bình chất lỏng này có từ ba tháng trước, do một nhân viên của quán (hiện đã nghỉ việc) ra tiệm tạp hóa gọi 5 bình nước suối và được giao một bình nghi ngờ là rượu. Quản lý nhà hàng đã dán chữ "rượu" lên bình này và cất vào kho.
Sau đó, cả nhóm ra về và xảy ra tình trạng ngộ độc, 1 người tử vong tại nhà trọ, 1 người tử vong tại bệnh viện, 6 người khác đang được điều trị tại bệnh viện. Trong đó, một nữ sinh 20 tuổi trong nhóm nhậu điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ghi nhận tổn thương lan tỏa cả hai bên bán cầu não, tình trạng nặng, nguy hiểm tính mạng.