Vụ 8 người chết sau tai biến chạy thận tại Hòa Bình: Lương tâm bị đánh cắp
Phiên toà xử vụ tai biến chạy thận tại BVĐK Hoà Bình đang được dư luận quan tâm. Bên cạnh những con người với đầy đủ trách nhiệm, được xã hội ủng hộ và nỗ lực đấu tranh đòi lại sự công bằng, thì vẫn còn đó những kẻ vừa coi thường luật pháp, vừa thiếu đạo đức, tình người. Dường như ở họ, lương tâm đã bị đánh cắp.
Bác sĩ Hoàng Công Lương và các đồng nghiệp tại BVĐK Hoà Bình những ngày gần phiên xét xử. Ảnh: Lao động
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Công Lương (32 tuổi, bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình) bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Khi đứng trước vành móng ngựa, người bị truy tố dù là quan hàng nhất phẩm hay chỉ là dân đen cũng đều gọi là bị cáo. Tuy vậy, nhiều người, dù là người nhà nạn nhân, người không quen biết, thậm chí là một số trang báo có tiếng vẫn trìu mến dành cho Hoàng Công Lương hai chữ, bác sĩ.
Không đơn giản mà Hoàng Công Lương lại dành được nhiều tình cảm đến thế. Các đồng nghiệp đánh giá, Hoàng Công Lương là người trách nhiệm, chuyên môn vững vàng. Bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì nói, Hoàng Công Lương nhân hậu, tử tế. Còn dư luận thì đau xót cho một vị bác sĩ trẻ tận tâm nhưng lại đang phải chịu trách nhiệm về một việc làm không liên quan đến chuyên môn.
Làm nghề y, lương tâm, trách nhiệm và chuyên môn luôn phải song hành. Hội đủ ba điều đó mới được gọi là “tử tế”. Hoàng Công Lương được xếp vào nhóm đó. Vinh dự lắm thay.
Bác sĩ Hoàng Công Lương (trái) cùng các bị cáo tại phiên tòa sáng 15/5. Ảnh: Thanh niên
Tuy vậy, trường hợp của ông Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình lại hoàn toàn khác. Khoan chưa vội nói đến vai trò, trách nhiệm của ông Dương trong vụ án này, chỉ đề cập đến lương tâm con người cũng đủ thấy, ông ấy dường như đã đánh mất nó, thứ duy nhất còn xót lại nếu vẫn muốn được gọi là con người.
Còn xét về vai trò của người đứng đầu, lẽ ra ông Dương phải là người nhận mọi trách nhiệm sau vụ việc. Ông ấy phải làm mọi thứ để khích lệ cán bộ, y bác sĩ của bệnh viện yên tâm, tiếp tục công tác. Với trách nhiệm của một bác sĩ, ông ấy cần phải thăm hỏi, động viên bệnh nhân và thân nhân người bị nạn.
Nhưng sau cùng, ông ấy đã bỏ lại tất cả, xuất cảnh sang Canada từ tháng 4/2018. Điều này thể hiện, ông Dương đã coi thường luật pháp, đánh mất lương tâm.
Việc ông Dương xuất cảnh, chưa rõ vì mục đích gì và làm sao được xuất cảnh, đủ thấy, ông ấy đã không dũng cảm đương đầu với sự thật, bỏ mặc nhân viên, y bác sĩ trong bối cảnh họ cần ông thể hiện vai trò của người lãnh đạo cao nhất của bệnh viện.
Có thể, trước khi được giao quyền lãnh đạo, ông ấy từng là một con người, một thầy thuốc đúng nghĩa, cũng đã từng là một “lương y”. Nhưng lên càng cao thì gió càng mạnh. Người chỉ huy luôn phải vững tay cờ, mạnh tay trống, luôn đi đầu, bước mạnh vượt qua giông bão. Ở phía sau, cán bộ, nhân viên mới vững niềm tin mà nối bước. Ấy vậy mà, người chỉ huy ấy nay còn “đào ngũ”, cao chạy xa bay chỉ lo cho bản thân thoát tội.
Đành rằng, “đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại”, nhưng có lẽ, tòa án lương tâm đang từng giờ, từng khắc chất vấn, luận tội ông Dương. Ở nơi xa, mong ông thông suốt mà sớm quay về để còn được hưởng khoan hồng của pháp luật. Và để những bác sĩ trẻ như Hoàng Công Lương còn có thêm cơ hội mà tiếp tục cống hiến cho xã hội này nhiều điều tốt đẹp hơn.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Xem thêm Clip: Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh: ‘Sài Gòn nên thành lập tổ 141 như Hà Nội’