Chuyện ít người biết về tấm ảnh đặc biệt mà tử tù Hàn Đức Long coi như báu vật
"Suốt mấy năm trời chồng tôi coi tấm ảnh đó như vật báu, đến ngày biết tin được ra tù, dù bỏ lại tất cả đồ đạc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu bỏ tấm ảnh đó đi" - bà Mai, vợ ông Long nhớ lại.
Sau gần 12 năm ròng rã ngồi tù với 3 tội danh hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em, giết người, tử tù Hàn Đức Long cuối cùng cũng được trở về nhà đoàn tụ. Nhưng phía sau ngày trở về của người tử tù là nỗi cơ cực khó ai thấu được hết của các thành viên trong gia đình trong suốt hơn 1 thập kỷ qua.
Khi sự việc về vụ hiếp dâm, giết người còn chưa được làm sáng tỏ miệng lưỡi thế gian đã nhòm ngó nói lời nọ kia. Bên cạnh một số những người có tâm vẫn thường xuyên đến giúp đỡ thì có không ít những người buông lời dị nghị, dè bỉu, khinh bỉ.
Người vợ tần tảo suốt hơn 11 năm kêu oan cho ông Hàn Đức Long. Ảnh Văn Duẩn
Đó là những tháng ngày khó khăn chồng chất khó khăn với bà Nguyễn Thị Mai. Chia sẻ về những gánh nặng đã qua, bà Mai không giấu được sự xúc động: "Chồng tôi đi được ít ngày, họ dị nghị nọ kia, nửa đêm họ cầm đá ném vào sân, vào mái. Đi làm đồng thì thấy dưới ruộng đầy mảnh vỡ bóng đèn".
Bỏ qua tất cả lời dị nghị, đàm tiếu, bằng linh tính của người vợ, bà Mai quyết định hành trình đi tìm công lý cho chồng. Để có tiền, bà Mai đã từ bỏ mái nhà bao năm gắn bó lên Hà Nội xách vữa lấy tiền kêu oan cho chồng.
"Cứ kiếm đủ tiền, là tôi lại viết đơn rồi một thân một mình mang đi kêu oan cho chồng. Hết toà án, Văn phòng Chính phủ, Chủ tịch nước, cứ nơi nào có cơ hội là tôi lại gom góp tiền để kêu oan cho chồng", bà Mai cay đắng nhớ lại.
Con gái tử tù Hàn Đức Long. Ảnh Văn Duẩn
Vò võ mấy năm trời, hàng chục lá đơn được gửi đi nhưng không có hồi âm, những cuộc hứa hẹn điều tra lại nhưng cuối cùng cái án mà cơ quan công quyền đưa ra cho chồng bà vẫn là án tử.
Không cam chịu để chồng phải chịu án oan, những lá đơn từ nơi bà vẫn đều đặn đưa đi khắp nơi. Thiếu tiền, bà Mai đánh liều mang sổ đỏ của gia đình đi cầm cố quyết tâm rửa oan cho chồng.
Cho đến khi biết tin chồng được về nhà, bà Mai lại mừng mừng tủi tủi đi khắp nơi để báo tin. "Đối với tôi, minh oan được cho chồng là niềm hạnh phúc lớn nhất đời". Cuối cùng sau bao năm xa cách, nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt vốn đã khắc khổ của bà.
Thương chồng bao nhiêu, bà lại thương các con bấy nhiêu. Sau khi bố vào bị tạm giam, 2 đứa con của bà Mai là Hàn Thị Linh ( SN 1988) và Hàn Đức Trọng (SN 1989) cũng lần lượt bỏ học về phụ mẹ kiếm tiền kêu oan cho bố.
''Thằng Trọng dáng người cao gầy, trước đây chưa phải làm việc nặng gì nhưng từ khi bố đi tù cũng phải còng lưng vác từng bao xi măng. Nhiều lúc thấy con thấm mệt rồi ngã khuỵ, lòng tôi đau xót vô cùng. Được cái nó cũng tin bố nó không bao giờ làm chuyện thất đức như vậy nên cùng chung lòng với mẹ ròng rã mấy năm trời gõ cửa kêu oan", bà Mai kể lại.
3 năm sau ngày ông Long vào tù vì cái án chưa rõ ràng, cô con gái lớn là Hàn Thị Linh (SN 1988) kết hôn. Thương con trong ngày vui mà thiếu vắng bóng dáng người cha, bà Mai đến nhờ người ghép ảnh chồng vào tấm ảnh cưới để con gái đỡ tủi hổ khi vắng cha.
Tấm ảnh này bà Mai in làm 2, một khổ lớn treo trang trọng trong căn nhà nhỏ, một ảnh khổ nhỏ được bà mang vào gửi cho chồng.
Tấm ảnh cưới của con gái được ghép mặt ông Long. Ảnh Văn Duẩn
"Suốt mấy năm trời chồng tôi coi tấm ảnh đó như vật báu, đến ngày biết tin được ra tù, dù bỏ lại tất cả đồ đạc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu bỏ tấm ảnh cưới của con gái đi", bà Mai cho biết.
Chia sẻ về giây phút khi biết tin bố mình được về nhà, anh Trọng không giấu được sự xúc động: "Lúc nghe tin dân làng báo, em và mẹ không tin đó là sự thật. Chỉ đến khi bố em về đến nhà, mẹ con em mới vỡ oà sung sướng. Hơn ai hết, em hiểu cảm giác thiếu vắng bóng dáng người cha trong gia đình. Hi vọng đây cũng là kiếp nạn cuối cùng của gia đình em".