Vì sao sau một năm dừng phát sóng, Táo quân lại được trông đợi đến như vậy?
Sự quan tâm của dư luận trước thông tin Táo Quân quay trở lại cho thấy sức nóng của chương trình hài kịch này vẫn chưa hề suy giảm sau một năm dừng phát sóng.
"Có Táo quân là có Tết!"
Dòng trạng thái ngắn gọn "Tin vui nhé, chắc chắn thế!" của nghệ sĩ Chí Trung đăng tải ngày 22/12 cùng hình ảnh anh tung hứng với nghệ sĩ Xuân Bắc trong một chương trình Gặp nhau cuối năm đã ngay lập tức "chiếm sóng" trên mạng xã hội những ngày qua. Hàng loạt bình luận của khán giả bày tỏ sự vui mừng, háo hức trước thông tin chương trình này quay trở lại: "Tin vui nhất trong ngày"; "Mừng quá, Tết năm ngoái không có Táo quân tôi cảm giác như thiếu mất một phần"; "Mong chờ ngày các Táo cùng xuất hiện"…
Bức ảnh được nghệ sĩ Chí Trung đăng tải gây xôn xao dư luận. Ảnh: IT
Phát sóng từ năm 2003, Táo quân là chương trình hài kịch đặc biệt điểm lại các sự kiện trong năm của từng lĩnh vực như giáo dục, giao thông, y tế…Không chỉ huy động dàn nghệ sĩ tên tuổi bậc nhất của làng hài phía Bắc, Táo quân còn có một đội ngũ viết kịch bản và tổ chức sản xuất hùng hậu. Tuy nhiên, chương trình cũng nhận được vô vàn ý kiến khen chê trái chiều sau mỗi lần lên sóng.
Tuy VFC chưa đưa ra thông báo chính thức song đang có nhiều dữ liệu để phỏng đoán rằng Táo quân, hoặc một chương trình khác với format "na ná" Táo quân sẽ trở lại với sự góp mặt của các nghệ sĩ hài quen thuộc. Sự xôn xao của dư luận cho thấy show diễn này vẫn là một món ăn tinh thần giá trị dịp cuối dù đã qua 16 năm phát sóng.
Vậy vì sao khán giả mong đợi Táo quân tới vậy?. Trao đổi với PV Dân Việt, MC Thảo Vân – người chuyên dẫn chương trình Táo quân hàng năm chia sẻ: "Với nhiều người, Táo quân như "bánh chưng" vậy, có Táo quân là có Tết. Là một khán giả của chương trình này, tôi cũng ước ao và mong mỏi Táo quân quay trở lại".
Đồng ý với ý kiến đó, nhà báo Hà Thu, báo điện tử VnExpress cho rằng: "Từ thời điểm mới ra đời, khi các loại hình giải trí chưa phong phú như hiện nay, Táo quân đã thu hút nhờ những đặc sản như màn lên chầu của các Táo, những phần đấu tố lẫn nhau vừa hài hước, vừa châm biếm, đả kích, những câu nói, bài hát chế tạo thành trào lưu...Táo quân giống như một bản tổng kết sinh động về một năm đã đi qua cho toàn xã hội. Bên cạnh tiếng cười, chương trình có những khoảng lặng để khán giả suy ngẫm. Vì thế, nhiều người mới ví von "thấy Táo là thấy Tết".
Nhà báo Hà Thu cũng khẳng định, sức hút của Táo quân còn từ dàn diễn viên nổi tiếng: "Táo quân gắn với những tên tuổi nghệ sĩ hài được khán giả yêu mến - đóng đinh với chương trình như Ngọc Hoàng Quốc Khánh, Nam Tào Xuân Bắc, Bắc Đẩu Công Lý, Táo Y tế Vân Dung, Táo Giao thông Chí Trung hay Táo Giáo dục Tự Long... Vắng Táo quân, khán giả thấy trống vắng vì cảm giác xa cách các nghệ sĩ quen thuộc này".
Dàn nghệ sĩ gạo cội của Táo quân. (Ảnh: IT)
Nguyên nhân thứ hai khiến Táo quân vẫn "hot" có lẽ là bởi chương trình phát sóng thay thế Táo quân vào Tết Canh Tý 2020 khiến nhiều khán giả thất vọng vì quá...nhạt nhẽo. Sử dụng câu chuyện ở làng Vũ Đại thời hội nhập, các nghệ sĩ hóa thân vào những nhân vật gạo cội như lão Hạc, Thị Màu, Thị Nở, Chí Phèo, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, Mõ…Tuy vậy, nội dung quá nhẹ nhàng cùng với những câu chuyện không mấy nổi cộm khiến nhiều khán giả thất vọng. Không chỉ phản ánh chương trình nhạt nhẽo, không ít người còn cho rằng, kịch bản có phần phản cảm, không hợp với không khí ngày cuối năm.
Năm 2020 với quá nhiều biến động cũng là một trong những yếu tố khiến Táo quân được kỳ vọng quay trở lại. Dịch Covid-19, tình hình lũ lụt ở miền Trung, hàng loạt vụ việc nóng trong xã hội…biến năm cuối thập kỉ nay trở nên đáng nhớ. Trong dịp cuối năm, không ít người mong muốn nhìn lại các sự kiện này, với một góc nhìn mới mẻ và hấp dẫn.
Táo quân sẽ làm mới mình như thế nào?
Thực tế thì trước khi dừng phát sóng, Táo quân đã có dấu hiệu "mệt mỏi" sau 16 năm ghi hình. Năm 2019, chính danh hài Chí Trung cho rằng Táo quân nên dừng lại. Anh cho biết sức sáng tạo của mình đi xuống sau nhiều năm tham gia chương trình. "Thêm nữa, khi Táo quân lên sóng, nhiều những ý kiến chê chương trình nhạt nhẽo, thiếu ý tưởng làm mình mất cả hứng" - Chí Trung từng bộc bạch.
Là một chương trình hài kịch nhưng lại nói về các vấn đề xã hội, việc tạo ra một kịch bản hay trên format cũ, đối với ekip làm Táo quân là điều không hề đơn giản. Táo quân, hoặc một chương trình "gần giống" Táo quân có trở lại, cũng sẽ đứng trước nhiều thách thức.
Chương trình Táo quân năm Kỷ Hợi.
Không ít ý kiến cho rằng, chương trình cần bổ sung các nghệ sĩ mới, các danh hài phía Nam tham gia Táo quân, để tạo nên sức hấp dẫn cho chương trình. Nói về điều này, MC Thảo Vân cho rằng đó là điều nên làm, nhưng không thể diễn ra ngày một ngày hai: "Thay đổi và kế thừa là điều hợp lý. Tuy nhiên, các gương mặt nghệ sĩ hiện nay đang làm quá tốt. Tôi nghĩ sự kế cận nên diễn ra từ từ, chắc chắn".
Trong khi đó, nhà báo Hà Thu khẳng định, yếu tố quyết định làm nên thành công của Táo quân là một kịch bản tốt: "2020 là một năm đầy biến động bởi dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến cuộc sống trải qua nhiều đổi thay, nhiều ngành nghề vật lộn: giáo dục tìm cách vận hành, y tế nỗ lực chống dịch... Đó đều là những chất liệu mới lạ. Khán giả mong chờ được nhìn lại những sự kiện trên dưới góc nhìn của các nghệ sĩ Táo quân, qua một kịch bản sáng tạo, hài hước, thâm thuý. Đổi mới là bài toán mà e-kip Táo quân luôn trăn trở. Tôi tin rằng nếu trở lại, các nghệ sĩ chắc chắn sẽ mang một diện mạo mới mẻ, khiến khán giả hài lòng" .
Phản ứng của công chúng trước việc Táo quân tái xuất phần nào cho thấy khán giả vẫn luôn dành sự quan tâm cho các chương trình giải trí chất lượng trên sóng truyền hình, đặc biệt là hài kịch. Thiết nghĩ, sau một năm 2020 với quá nhiều chất liệu, việc món ăn "đặc sản" này xuất hiện tại bàn tiệc văn hóa cuối năm sẽ là một sự trở lại đầy giá trị.