Ung thư phổi: Sàng lọc, điều trị và hỗ trợ

04-12-2024 10:58:08

Khi ung thư phổi tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống, hãy tìm hiểu về những tiến bộ trong sàng lọc và điều trị mang lại hy vọng mới và cải thiện chất lượng chăm sóc.

Ung thư phổi, loại ung thư phổ biến thứ ba ở Singapore đối với cả nam và nữ, cũng là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư ở nam giới. “Có tới 70% bệnh nhân ung thư phổi chỉ được chẩn đoán ra ở giai đoạn 3 và 4”- Bác sĩ Lim Hui Fang, bác sĩ hô hấp tại The Respiratory Practice cho biết. “Thật không may, chẩn đoán muộn có liên quan đến tỷ lệ sống sót thấp — chỉ khoảng 1% số bệnh nhân sống sót sau 5 năm chẩn đoán”.

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào bất thường trong phổi phát triển không kiểm soát được, thường bắt đầu từ các tế bào lót đường dẫn khí. Giai đoạn đầu của ung thư phổi thường không có triệu chứng, và ngay cả ở giai đoạn tiến triển, các triệu chứng có thể mơ hồ, chẳng hạn như ho kéo dài, đờm nhẹ có máu hoặc khó thở nhẹ có thể bị nhầm với viêm phế quản - bác sĩ Lim giải thích.

Nhận biết các triệu chứng và yếu tố rủi ro

Mặc dù ung thư phổi giai đoạn đầu có thể không biểu hiện triệu chứng, nhưng khi ung thư phát triển, bệnh nhân có thể gặp phải:

- Ho dai dẳng

- Ho ra máu

- Khó thở liên tục

- Mệt mỏi không rõ nguyên nhân

- Đau ngực

- Sụt cân

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc ung thư phổi, bao gồm:

- Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ung thư phổi

- Tiếp xúc với khói thuốc lá

- Tiếp xúc với các chất độc hại như radon, amiăng, crom và niken

- Đã từng xạ trị vào vùng ngực

- Nếu bạn đã từng bị ung thư phổi, bạn có nguy cơ mắc thêm một loại ung thư phổi khác

- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư phổi, đặc biệt là ở những người thân cấp độ một

Ai nên cân nhắc sàng lọc?

Việc sàng lọc ung thư phổi được thực hiện hiệu quả nhất bằng chụp cắt lớp vi tính (CT) liều thấp, có thể phát hiện sớm các nốt nhỏ và mờ mà không phát ra nhiều bức xạ. Ngược lại, chụp X-quang ngực tiêu chuẩn chỉ có thể phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển hơn và ít hữu ích hơn trong việc phát hiện sớm. 

Tầm soát ung thư phổi chủ yếu được khuyến nghị cho những người từ 50 đến 80 tuổi có tiền sử hút thuốc. 

Trước khi lựa chọn sàng lọc, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa ung thư hoặc chuyên gia về ung thư phổi để được tư vấn xem sàng lọc CT liều thấp có phù hợp với bạn hay không.

Lấy sinh thiết

Nếu phát hiện khối u đáng ngờ trong quá trình chụp CT liều thấp, bước tiếp theo là lấy mẫu mô từ khối u, có thể thực hiện theo một số cách:

- Sinh thiết dưới hướng dẫn CT: Sử dụng kim chọc qua thành ngực để lấy mẫu mô

- Sinh thiết phổi xuyên phế quản: Đưa một ống mềm vào cổ họng để lấy mẫu mô

- EBUS-TBNA: Sử dụng các ống soi đặc biệt và siêu âm để lấy mẫu mô

 Phân loại ung thư phổi

Ung thư phổi được phân loại thành ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. "Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 10% các loại ung thư phổi mà chúng ta gặp phải — thường ác tính và hầu như chỉ gặp ở những người hút thuốc",  bác sĩ Tanujaa Rajasekaran - Cố vấn cao cấp Ung thư nội khoa tại Trung tâm Ung thư Parkway (PCC) cho biết.

Hầu hết bệnh nhân ở Singapore mắc ung thư phổi không phải tế bào nhỏ, bao gồm các phân nhóm như ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tế bào lớn. Các lựa chọn điều trị khác nhau tùy thuộc vào phân nhóm cụ thể. "Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp phương pháp điều trị tối ưu dựa trên phân nhóm", bác sĩ Tanujaa nhấn mạnh.

Điều trị giai đoạn 1 & 2

Ở giai đoạn 1, bệnh nhân thường có một khối u nhỏ giới hạn ở phổi. Ở giai đoạn 2, khối u lớn hơn một chút hoặc các hạch bạch huyết có thể bị ảnh hưởng ở cùng bên với phổi bị bệnh. Ở những giai đoạn đầu này, mục tiêu là chữa khỏi bệnh và bệnh nhân thường phải phẫu thuật để cắt bỏ một phần, một đoạn hoặc một thùy phổi. Bác sĩ Tanujaa giải thích: "Loại phẫu thuật cần thiết phụ thuộc vào chức năng phổi hiện tại, kích thước và mức độ của khối u". Đối với những người không thể phẫu thuật, chẳng hạn như bệnh nhân yếu hoặc cao tuổi, xạ trị là một phương pháp thay thế tiềm năng.

Phẫu thuật thường được tiếp nối bằng hóa trị dự phòng (còn gọi là hóa trị bổ trợ), liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp miễn dịch để tiêu diệt mọi tế bào ung thư còn sót lại và giảm nguy cơ tái phát.

Điều trị giai đoạn 3 & 4

Ở giai đoạn 3, khối u có thể lớn hơn hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết ở một hoặc cả hai bên ngực. Các lựa chọn điều trị ở giai đoạn này rất đa dạng và được quyết định bởi hội đồng ung bướu đa chuyên khoa, bao gồm bác sĩ ung thư nội khoa, bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ xạ trị và bác sĩ hô hấp. Các kế hoạch điều trị có thể bao gồm sự kết hợp của hóa trị, xạ trị và phẫu thuật, với khả năng bổ sung liệu pháp miễn dịch hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu.

Ở giai đoạn 4, ung thư đã di căn đến các cơ quan khác như não, gan hoặc xương. Mặc dù không có khả năng chữa khỏi ở giai đoạn này, việc điều trị tập trung vào kéo dài và cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc điều trị được cá nhân hóa dựa trên các đặc điểm cụ thể của bệnh ung thư. Ví dụ, trong ung thư phổi không tế bào nhỏ, hồ sơ phân tử giúp xác định đột biến gen gây ung thư, cho phép điều trị nhắm mục tiêu.

Tiến bộ trong xạ trị phổi

Hầu hết bệnh nhân ung thư phổi sẽ cần liệu pháp xạ trị (còn gọi là xạ trị) tại một thời điểm nào đó trong quá trình điều trị. Xạ trị thường được kết hợp với phẫu thuật và các phương pháp điều trị khác như hóa trị để kiểm soát bệnh.

Bác sĩ Ivan Tham - Cố vấn cao cấp -  Xạ trị ung thư tại PCC, nhấn mạnh việc sử dụng ngày càng nhiều xạ trị định vị thân (SBRT), phương pháp cung cấp các chùm tia bức xạ chính xác để điều trị ung thư phổi. Việc nhắm mục tiêu vào khối u phổi là một thách thức do chuyển động khi bệnh nhân thở. Để đảm bảo độ chính xác và an toàn, các bác sĩ xạ trị ung thư sẽ đo chuyển động của khối u và điều chỉnh phương pháp tiếp cận của họ cho phù hợp.

Các chiến lược để giảm chuyển động bao gồm sử dụng dây quấn quanh bụng bệnh nhân để hạn chế hô hấp hoặc áp dụng kỹ thuật nín thở, trong đó bệnh nhân nín thở trong 20 giây trong khi điều trị.

SBRT cho phép điều trị liều cao với số buổi điều trị ít hơn, thường là từ 3 đến 8 buổi tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân. SBRT đặc biệt hiệu quả đối với các khối u nhỏ hơn và cung cấp phương pháp điều trị liều cao cho khối u, đồng thời giảm thiểu tiếp xúc với các mô khỏe mạnh. "Đối với những bệnh nhân yếu hơn hoặc từ chối phẫu thuật, SBRT là một lựa chọn khả thi để điều trị ung thư phổi giai đoạn đầu", bác sĩ Tham cho biết. SBRT cũng đã cho thấy kết quả tích cực trong điều trị khối u di căn.

Liệu pháp Proton là một lựa chọn khác cho bệnh nhân ung thư phổi. Phương pháp điều trị tương đối mới này ở Singapore cung cấp bức xạ chính xác đến khối u, giảm thiểu tổn thương cho các mô khỏe mạnh xung quanh. Điều này làm cho liệu pháp proton phù hợp với những bệnh nhân có khối u gần các cơ quan nhạy cảm hoặc những người đặc biệt nhạy cảm với bức xạ.

Bác sĩ Tanujaa Rajasekaran - Chuyên gia ung thư nội khoa thuộc Trung tâm Ung thư Parkway, Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, Singapore có chuyên khoa sâu trong điều trị ung thư phổi, ung thư vùng đầu cổ (não, tuyến nước bọt, lưỡi, vòm họng, v.v), ung thư gan và ung thư sinh dục niệu (tuyến tiền liệt, bàng quang, tử cung, buồng trứng, v.v). 

Để biết thêm chi tiết và nhận thông tin tư vấn từ bác sĩ Tanujaa, vui lòng liên hệ:

Văn phòng đại diện Tập đoán Y tế Parkway tại Hà Nội 

Tầng 5 số 110 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. 

Hotline: 0988 155 855 hoặc 084 308 3637

Email: hanoi@canhope.org / info@parkway.com.vn

FB page: https://www.facebook.com/CanHOPE.Hanoi

 

Phương Vy
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //