Ukraine mở 'mặt trận thứ 2'
heo Bộ Ngoại giao Nga, không thể đánh bại Nga trên chiến trường, Kiev đã mở "mặt trận thứ hai" ở châu Phi bằng cách liên kết với khủng bố.
Lực lượng quân sự của Mali.
Những nhóm khủng bố Kiev đã liên kết nằm tại Mali và Niger, cả hai nước này đều đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine.
Giáo sư Alexis Habiyaremye, Trưởng khoa nghiên cứu phát triển công nghiệp tại Đại học Johannesburg, phát biểu với Izvestia rằng việc Ukraine mở "mặt trận thứ hai" tại lục địa châu Phi là "một động thái tuyệt vọng nhằm gây chú ý trên truyền thông, không có tầm nhìn và chiến lược rõ ràng".
Bối cảnh cho Ukraine ở Châu Phi
Ông cho biết, vẫn chưa rõ chiến lược của Ukraine ở châu Phi là gì "ngoài việc tham gia vào hoạt động gây bất ổn" ở lục địa này, đồng thời đề cập đến Liên bang các quốc gia Sahel, nơi "được dẫn dắt bởi tầm nhìn về chủ quyền mạnh mẽ hơn lòng căm thù và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Ukraine".
"Các quốc gia châu Phi đang có động lực từ quyết tâm giành lại nền độc lập hoàn toàn khỏi các cường quốc thực dân mới phương Tây, trong khi Ukraine lại hành động thất thường dựa trên sự tức giận và thất vọng.
Tổng thống Ukraine Zelensky và các điệp viên của ông ấy không thể thực hiện được những toan tính của mình ở châu Phi", Habiyaremye nhấn mạnh.
Nhà quan sát cho biết, các cơ quan tình báo Ukraine "đã không ngần ngại tuyên bố hợp tác" với các nhóm khủng bố ở Châu Phi, "với hy vọng làm mất ổn định các đối tác an ninh của Nga và bằng cách đó, làm mất uy tín của Nga".
Tại sao nỗ lực lại không có kết quả?
Giáo sư đặc biệt chú ý đến khu vực Sahel, nơi ông cho biết Kiev đã dựa vào "hậu cần của Pháp và công nghệ vệ tinh của Mỹ" để giúp "những kẻ khủng bố phục kích quân đội của Lực lượng vũ trang Mali".
"Bằng cách liên minh với những kẻ khủng bố để tấn công các nước châu Phi, Ukraine đã phung phí mọi thiện chí mà họ có thể hy vọng nhận được từ châu Phi và các nước còn lại ở Nam Bán cầu.
Do đó, họ khó có thể đạt được bất cứ điều gì có ý nghĩa vì họ đã gắn bó với những kẻ khủng bố", Habiyaremye kết luận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trước đó tuyên bố rằng quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine của Mali và Niger cho thấy các nước châu Phi ngày càng hiểu rõ thêm về Kiev.
Phương Tây đứng sau
Bộ trưởng Ngoại giao Mali Abdoulaye Diop cho biết Mali tin rằng các nước phương Tây đang lợi dụng Ukraine và sự hợp tác của nước này với lực vũ trang đối lập để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị ở châu Phi.
"Chúng tôi tin rằng Ukraine có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với các cường quốc khác trong khu vực và xa hơn nữa đang lợi dụng Ukraine để đạt được các mục tiêu địa chính trị trong khu vực của chúng tôi", Bộ trưởng cho biết.
Ông Diop cho biết thêm, Mali đang tiến hành một cuộc điều tra hoàn toàn độc lập về mối quan hệ giữa Ukraine và những kẻ khủng bố, nhưng sẽ yêu cầu sự hỗ trợ từ Nga nếu cần.
"Nếu họ (các cơ quan tư pháp của Mali) cần hỗ trợ, họ sẽ yêu cầu. Các cơ quan khác nhau của chúng tôi tiếp tục hợp tác để giải quyết tình hình này", ông Diop cho biết.
Ông này đồng thời nói thêm rằng hệ thống tư pháp của đất nước này hoàn toàn độc lập và có khả năng thực hiện công việc của mình trong điều kiện tự chủ hoàn toàn.
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng không có nghi ngờ gì về sự hợp tác của Ukraine với bọn khủng bố.
Đồng thời, theo ông, Mali chưa bao giờ thù địch với Ukraine và không thể hiểu được lý do cho hành động của Kiev, đặc biệt là sự hợp tác của nước này với các nhóm khủng bố.
Diop cảnh báo, thế giới sẽ phạm phải sai lầm nghiêm trọng nếu không phản ứng với những hành động như vậy của Kiev.
"Chúng tôi tin rằng Ukraine đang chiến đấu sai lầm vì Mali chưa bao giờ tỏ ra thù địch với Ukraine. Chúng tôi không hiểu tại sao Ukraine lại trở thành một quốc gia có hành động như vậy ở Mali", Bộ trưởng ngoại giao nhấn mạnh.
Trước đó, truyền thông Pháp dẫn nguồn tin quân sự tại Mali đưa tin những kẻ khủng bố thuộc liên minh các nhóm ly khai vũ trang Mali CSP-DPA đã tới Ukraine để được huấn luyện.
Vào tháng 8, người phát ngôn của Tổng cục Tình báo Ukraine (GUR), Andriy Usov, lúc đầu thừa nhận nhưng sau đó phủ nhận rằng nước ông đã cung cấp cho quân nổi dậy Mali "nhiều thông tin khác" để phục kích Nhóm Wagner của Nga ở Mali.
Vào ngày 5 tháng 8, Mali tuyên bố đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine, với lý do Kiev ủng hộ những kẻ khủng bố địa phương. Niger cũng làm theo vào ngày 8 tháng 8, cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Kiev.
Vào ngày 21 tháng 8, Burkina Faso, Mali và Niger đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có hành động liên quan đến việc Ukraine hỗ trợ khủng bố ở Châu Phi.