Tùy tiện dùng thuốc bổ, bà bầu coi chừng ảnh hưởng đến thai nhi

01-12-2017 07:21:20

Mong muốn con được sinh ra khỏe mạnh, thông minh nên nhiều bà bầu ra sức tẩm bổ bằng thực phẩm và thuốc bổ. Tuy nhiên, theo các bác sỹ, nếu sử dụng tùy tiện, rất có thể sẽ gây nên những ảnh hưởng xấu đến thai nhi.


Thuốc bổ rất tốt tuy nhiên bổ sung thừa thuốc bổ có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi

Uống thừa thuốc bổ có thể gây suy gan

Theo PGS.TS Đinh Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, có một thực trạng đáng báo động là hiện nay, các bà bầu thường tự ý bổ sung các lại thuốc bổ như sắt, canxi, vitamin tổng hợp... mà không hề có sự chỉ định của bác sỹ.

Theo BS Ánh, ở mỗi giai đoạn của thai kỳ, thai phụ và thai nhi sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, việc bổ sung vitamin và các khoáng chất không khoa học có thể ảnh hưởng đến cả mẹ bầu và em bé trong bụng.

"Khi bổ sung thừa các chất trên, mẹ bầu có thể bị suy gan, tiêu hoá, táo bón, căng thẳng thần kinh, mệt mỏi... ''- PGS.TS Đinh Duy Ánh nói.

Còn về thai nhi, BS Ánh cũng cho biết, trong 3 tháng đầu mới hình thành bào thai, quan trọng nhất phải bổ sung axit folic để phát triển não bộ. Đến giai đoạn 2 nhu cầu sắt và canxi tăng dần lên. Đến giai đoan 3 thì nhu cầu canxi tăng cao nhất vì đây là giai đoạn thai nhi phát triển xương. Đến giai đoạn sau sinh các mẹ vẫn phải tiếp tục bổ sung thuốc bổ nhất là canxi vì canxi dễ mất qua sữa mẹ.

BS Ánh cũng khuyến cáo, phụ nữ mang thai cần đi khám thai định kỳ để xem nhu cầu của cơ thể ra sao. Từ đó có cơ sở sử dụng thuốc, vitamin bổ sung cho phù hợp.

Dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ


Mẹ bầu hãy luôn nhớ dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong suốt thai kỳ

3 tuần đầu thai kỳ giai đoạn khó khăn nhất với đa số phụ nữ mang thai, bởi đây là giai đoạn bắt đầu ốm nghén. Ước tính có đến 85% phụ nữ mang thai bị ốm nghén. Lý giải hiện tượng này, BS Nguyễn Hoàng Anh, nguyên giảng viên ĐH Y Hà Nội cho biết, ốm nghén xuất phát từ việc cơ thể người mẹ tạo ra phản ứng khi nhận diện thấy một vật lạ.

''Có người nghén ít, nghén nhiều, có người rất khỏe mạnh trong suốt thai kỳ, thậm chí ăn uống tốt hơn bình thường nhưng có người không ăn uống được gì thậm chí nôn tới rách thực quản, phải truyền dịch''- BS Nguyễn Hoàng Anh nói.

Trong giai đoạn ốm nghén, các bà bầu thường rất sợ mùi thức ăn, nhất là các món nặng mùi nên ăn ít hoặc chỉ ăn những thứ mình thích, cộng với việc bị nôn ói nhiều nên nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng càng lớn.

Theo BS Hoàng Anh, những tháng đầu mang thai đặc biệt là trong 3-4 tuần đầu là khoảng thời gian hình thành cấu trúc bào thai nên dinh dưỡng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Bởi trong giai đoạn này, ống thần kinh thai nhi là nền tảng cốt lõi để phát triển thành hệ thần kinh hoàn thiện sau này, gồm não bộ, hộp sọ, tủy sống và xương sống. Ống thần kinh bắt đầu hình thành từ ngày thứ 18 và đến 21- 28 sẽ khép kín hoàn toàn. Vì vậy, nếu thiếu axit folic trong giai đoạn này, ống thần kinh sẽ không khép kín, gây dị tật cho thai nhi.

Ngoài ra, theo BS Hoàng Anh, việc thiếu hụt dinh dưỡng có thể khiến người mẹ dễ mắc trầm cảm sau sinh hơn.

Bởi theo quan niệm cũ, phụ nữ sau sinh phải ăn kiêng, chỉ được ăn một số món nhất định nên chị em dễ gặp phải nguy cơ thiếu các chất như magie, selen, vitamin B6, B1... khiến cơ thể mệt mỏi, dễ stress.

''Tuy dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhưng không vì thế mà những giai đoạn bầu bí, chị em cố gắng tẩm bổ quá đà, "quan niệm ăn cho hai người" khiến mẹ bầu còn có thể đối diện với nguy cơ mắc tiểu đường thai sản, sẽ nguy hiểm hơn cho cả mẹ và bé.

Vì thế chế độ ăn uống thế nào, uống thuốc bổ gì, mẹ bầu nhất định phải hỏi ý kiến bác sỹ, không được tự ý mua và sử dụng. Qua các xét nghiệm của các lần khám thai định kỳ, bác sỹ sẽ biết mẹ còn thiếu, thừa chất gì để có lựa chọn bổ sung hợp lý và khoa học nhất''- BS Nguyễn Hoàng Anh nói.

Khanh Lê
Theo Đời sống Plus/GĐVN //