Tượng lính xưa của Liên Minh Group không được cấp phép trưng bày ở Đà Lạt
Sáng 1/9, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VH-TT-DL Lâm Đồng, cho biết vừa yêu cầu Liên Minh Group trả lại những bức tượng lính xưa về lại Bình Dương vì sở sẽ không cấp phép trưng bày trong khu du lịch Quỷ Núi ở Đà Lạt.
Theo tin tức từ báo Thanh Niên, Sở VH-TT-DL Lâm Đồng vừa yêu cầu Liên Minh Group đưa những bức tượng lính xưa về lại Bình Dương vì sở sẽ không cấp phép trưng bày trong khu du lịch Quỷ Núi ở Đà Lạt.
Trước đó, chiều 31/8, đoàn kiểm tra liên ngành gồm Thanh tra Sở VH-TT-DL, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra, làm việc với Liên Minh Group về những bức tượng lính gây xôn xao dư luận trong những ngày qua. Đơn vị này cung cấp một số tài liệu ban đầu thể hiện số tượng trên được mua lại của khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương.
Đây là những tượng cũ mô phỏng quân lính thời phong kiến Việt Nam, do chính khu du lịch Đại Nam chế tạo, nhưng nay không còn sử dụng nên Liên Minh Group mua lại 230 tượng đưa lên Đà Lạt. Trong đợt 1, Liên Minh Group đã vận chuyển 57 tượng về tới khu du lịch Quỷ Núi và số tượng này đang được cất giữ, bảo quản.
Những bức tượng đất nung của Liên Minh Group. Ảnh: VTC News
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, trong 2 ngày qua mạng xã hội lan truyền một số hình ảnh tượng quân lính thời phong kiến được chuyển từ Bình Dương lên Đà Lạt trên các xe tải lớn. Các tượng này được chia theo 3 nhóm mang vũ khí: mặc quân phục toàn thân phủ màu nhũ vàng; quân phục có xe màu nhũ vàng và đỏ; mặc áo vải.
Nhiều ý kiến cho rằng đây là tượng đất mô phỏng tượng quân lính Trung Quốc thời Tần Thủy Hoàng. Một số ý kiến khác đặt nghi vấn chủ đầu tư đang xây dựng một "Tử Cấm thành kiểu Trung Quốc" hoặc đang tổ chức kinh doanh du lịch tâm linh có yếu tố Trung Quốc.
Ông Ngô Quang Phúc - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Liên Minh Group, xác nhận trên báo Kiến Thức những bức tượng mà trên mạng chia sẻ được ông đặt mua từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) về Đà Lạt trước đó vài ngày.
Ông Phúc cũng khẳng định, tất cả những pho tượng trên mua từ ông Dũng “Lò Vôi” ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương). Chính ông là người bỏ tiềm túi ra mua số pho tượng trên chứ không liên quan gì đến công ty.