Từ vụ bột canh i-ốt Hải Châu: Thiếu i-ốt ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người?

13-05-2019 11:16:12

Theo các chuyên gia, thiếu iốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em.

Vừa qua sự việc cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên phát hiện các sản phẩm bột canh i-ốt Hải Châu không chứa  i-ốt khiến dư luận hết sức hoang mang. Bởi sản phẩm này đã nổi tiếng trên thị trường nhiều năm nay thậm chí là gia vị không thể thiếu của nhiều gia đình từ thành thị đến nông thôn.

Trong cuộc một khảo sát mới đây do Đời sống Plus thực hiện với đối tượng là các bà nội trợ tại Hà Nội, đa số những người được hỏi đều cho biết việc gia đình mình lựa chọn dùng loại bột canh i-ốt Hải Châu chính vì thành phần i-ốt trong sản phẩm. Tuy nhiên khi được hỏi về vai trò của i-ốt với sức khỏe con người và nếu thiếu i-ốt sẽ gây ra nhưng bệnh gì thì đa số người dùng đều không nắm được.

Thiếu I ốt nguy hại thế nào với sức khỏe con người?


Thiếu i-ôt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ của trẻ mà còn gây ra bệnh bướu cổ. Ảnh minh họa

Để giải đáp câu hỏi này PV đã tìm đến Chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS Nguyễn Trọng An –  Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng – RTCCD.

Theo BS An, i-ốt là một loại vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để giúp bảo vệ và nâng cao sức khỏe, cũng như trí tuệ. Mặc dù lượng i-ốt cần cung cấp hàng ngày là không nhiều nhưng không thể thiếu.

Thiếu i-ốt sẽ làm giảm khả năng tư duy, năng suất lao động và nhiều hệ lụy khác… Đặc biệt với phụ nữ mang thai và trẻ em, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe càng cao hơn.

Với phụ nữ mang thai nếu thiếu i ốt dễ sảy thai, sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh nếu thiếu i ốt sẽ chậm phát triển trí tuệ, đần độn, tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh và tử vong. Trẻ nhỏ nếu thiếu iốt sẽ làm tăng nguy cơ chậm phát triển trí tuệ, chậm phát triển tâm thần, hạn chế sự phát triển chiều cao, cân nặng, và suy dinh dưỡng…

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu i-ốt, cho dù là thể nhẹ, cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em... Ngoài ra, thiếu iốt còn gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi.

Báo động về tình trạng thiếu I- ốt tại Việt Nam


Bổ sung thêm i-ốt vào muối hay gia vị, thực phẩm là  biện pháp phòng bệnh đơn giản nhưng hiệu quả nhất.

Trong ngày vi chất dinh dưỡng vừa qua, GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cảnh báo Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đáng nói, tình trạng này quay trở lại, sau 13 năm Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt, với mức bao phủ muối i-ốt lên đến 93% dân số.

Theo WHO trên toàn thế giới từ năm 1993 đến năm 2003 có 707,7 triệu trẻ em từ 6-12 tuổi bị bướu cổ trên tổng số 848 triệu em, chiếm 83,5% tổng số trẻ em từ 6-12 tuổi. Trong đó Việt Nam nằm trong khu vực thiếu iốt có tỉ lệ rất cao chiếm tỷ lệ 95,7%.

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TƯ năm 2013-2014, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi lên đến gần 10%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, giai đoạn 2005, tỉ lệ bướu cổ của trẻ em xuống dưới 5%, mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.

Nguyên nhân là do sau giai đoạn 2005, nhà nước không đầu tư kinh phí miễn phí sản xuất muối i-ốt và không yêu cầu bắt buộc, dần dẫn đến nguy cơ thiếu i-ốt như hiện nay. Đến năm 2014, tất cả chỉ số theo tiêu chuẩn của WHO đều báo động, với tỷ lệ bao phủ chỉ đạt 69% dân số, một số tỉnh thậm chí dưới 50%, tỷ lệ bướu cổ ở trẻ từ 8-10 tuổi tăng lên 9,8% dẫn đến việc phòng tránh bệnh tật khó khăn cho ngành y tế.

Cũng theo Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tỷ lệ thiếu hụt i-ốt hiện nay lại nằm ở đồng bằng, thành phố là chủ yếu chứ không phải ở miền núi. Bởi từ trước 2005 đến nay khu vực Tây Nguyên, miền núi vẫn có chính sách trợ cước, trợ giá cho muối I-ốt, sau đó các tỉnh có hỗ trợ mua muối i-ốt cho bà con nên đồng bào khu vực miền núi vẫn có muối i-ốt dùng, người dân không thiếu muối I-ốt, trẻ con giảm bướu cổ hơn. Còn ở đồng bằng, trẻ em lại thiếu i-ốt nhiều hơn. 

Theo các chuyên gia y tế mặc dù i-ốt là vi chất rất quan trọng với cơ thể con người nhưng cơ thể lại không tự tổng hợp được i ốt mà phải thu nạp từ bên ngoài. Nhu cầu i-ốt cần cho mỗi người hằng ngày là khoảng 100 - 150 micrôgam; hơn 90% lượng i-ốt cơ thể có được là từ thực phẩm. Tuy nhiên nguồn thực phẩm có i ốt trong tự nhiên lại không nhiều. Chưa kể i ốt dễ hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm. Vì thế việc bổ sung thêm i-ốt vào muối hay gia vị, thực phẩm là vô cùng quan trọng. Đây là biện pháp phòng bệnh đơn giản, chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả là cao nhất.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //