Tử vong do vi phạm hành lang lưới điện nhưng người dân vẫn thờ ơ

14-06-2017 07:22:11

Việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện không chỉ gây nguy cơ sự cố lưới điện mà còn có thể dẫn đến những vụ tai nạn hết sức thương tâm.

 

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong 2016, cả nước xảy ra 73 vụ tai nạn điện trong dân. Trong số 73 vụ tai nạn điện trong dân (chủ yếu do vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp) đã khiến 35 người chết, 54 người bị thương. Đặc biệt, có tới 96% số vụ tai nạn xảy ra ở cấp điện áp từ 10 - 35 kV. 

Trước đó, vào năm 2016, tại xã Tân Hương, Phổ Yên, Thái Nguyên đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm do điện giật trong quá trình xây dựng công trình không được cấp phép xây dựng ở gần đường dây cao thế 35Kv.

Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều đường dây được xây dựng từ những năm 50, 60, 70 của thế kỉ trước. Trải qua thời gian, qua nhiều đơn vị tham gia quản lý, các loại hồ sơ như thiết kế, cấp đất; thỏa thuận tuyến; bồi thường, hỗ trợ để di dời, cải tạo nhà cửa, công trình… đã bị thất lạc, gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý hiện nay khi tiến hành xử lý các vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện.

Bên cạnh đó, nhiều người vẫn không thể lường hết được những nguy hiểm khi vi phạm hành lang lưới điện. Các sự cố luôn chực chờ như: sự cố chập điện gây cháy nổ, hiện tượng phóng điện có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và còn có thể gây tử vong. 

Giải quyết vi phạm hành lang lưới điện đang là vấn đề nóng. Những vi phạm này xử lý không dễ, có nhiều vụ phải lập biên bản, phải vận động thuyết phục, phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết nhiều lần mới xong. Điều nguy hiểm là nhiều người dân có chung tâm lý là chưa thấy tai nạn nên chưa sợ.

Theo quy định của pháp luật, tại Điều 15, Nghị định 134 năm 2013 về xử phạt trong lĩnh vực điện lực đã quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định an toàn điện. Mức phạt tiền thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm. Ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì người, tổ chức vi phạm còn có thể bị các hình thức phạt bổ sung như tịch thu phương tiện vi phạm, bồi thường thiệt hại, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời buộc chấm dứt hành vi vi phạm…

Đối với những hành vi vi phạm có tính chất và mức độ nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý vi phạm hành chính một lần mà vẫn tiếp tục vi phạm, đối tượng vi phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp nghiêm khắc hơn, đó là xử lý hình sự.

Nhiều trường hợp bị điện giật do vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Ảnh minh họa 

Trường hợp các đối tượng vi phạm có thể bị khởi tố hình sự thuộc một trong các hành vi sau: Cho phép xây nhà, công trình hoặc tự ý xây nhà, công trình trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình điện; gây nổ, gây cháy, đốt rừng làm nương rẫy, làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện; đào hố, đóng cọc, xây nhà lên hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm; thả neo tàu, thuyền trong hành lang bảo vệ đường cáp điện ngầm đặt ở lòng sông, lòng biển đã có thông báo hoặc biển báo, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này mà vẫn còn vi phạm thì sẽ bị khởi tố hình sự theo Điều 241 Bộ luật Hình sự.

Hình phạt cho tội danh này bao gồm: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 10 năm, tùy theo mức độ hậu quả gây ra. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể chịu hình phạt bổ sung như, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ninh Lan
Theo vietq.vn //