Tử thần ung thư và nước mắt người đàn bà khổ nhất thế gian

19-06-2018 07:53:30

Bà có 5 người con trai thì 4 người đã bị tử thần mang tên ung thư bắt đi. Người con còn lại, chỗ dựa duy nhất cũng đang đêm ngày chống chọi với căn bệnh quái ác này.


Tử thần ung thư và nước mắt người đàn bà khổ nhất thế gian​

Nhà trống trơn vì các con vướng vào bạo bệnh

Ở thôn Lũng Vị (Đông Phương Yên, Chương Mỹ, Hà Nội) ai cũng bảo bà là người khổ nhất thế gian, sinh ra để nếm trải những tột cùng đau đớn.

Lũng Vị vài năm gần đây được gọi là cái rốn ung thư của Hà Nội. Ở đây, có thời kỳ người ta sợ đến bệnh viện, sợ những tờ phiếu khám sức khỏe có những dòng chữ quá đỗi vô tình.

Bất kỳ ai cứ thấy người khó ở, đi viện khám là y rằng tòi ra một chứng ung thư khủng khiếp. Và, chỉ sau lần đi khám ấy vài tháng thì nghĩa trang cuối làng lại có thêm một phần mộ mới.  Trên mộ nhiều khi chỉ có những vòng hoa trắng tinh khôi.

Lần tìm vào Lũng Vị, hỏi bà Nguyễn Thị Tuất chẳng mấy ai biết. Ở quê, những phụ nữ có tuổi thường được gọi bằng tên chồng. Hỏi bà Tuất không ai biết nhưng nhắc tới người đàn bà có mấy người con trai mất vì bệnh ung thư thì ai cũng rõ.

Người ta chỉ đến tận nhà và khi chỉ đường, ai cũng bảo, ở xóm này, xã này, thậm chí cả huyện này, tỉnh này chẳng ai đau khổ, bất hạnh như người đàn bà một mình chống chọi với quỷ dữ ung thư ấy.

Khi tôi đến, bà Tuất đang cặm cụi ngồi chẻ lạt ở giữa sân. Bà ngồi một mình, bốn bề tĩnh lặng. Tôi cố tìm tiếng trẻ con, thậm chí tiếng gà, tiếng chó mà không thể. Cả khoảng sân thênh thang với căn nhà lụp xụp chỉ khe khẽ thấy tiếng gió xào xạc.

Thấy mình bất ngờ có khách, bà Tuất lập cập đứng dậy, chân tay run bắn. Mãi khi tôi giới thiệu về chuyến viếng thăm đường đột của mình thì bà mới lẩy bẩy mời vào nhà.

Bà bảo, mấy năm nay các con không còn nhà bà ít khách. Và, hễ có khách thì y rằng là những người đến để tìm hiểu về ung thư, chứng bệnh khiến gia đình bà quạnh quẽ.

“Cứ nghĩ đến ung thư, cứ nghĩ đến các con là người tôi lại đứng không vững nữa. Khổ quá anh ạ, nhà tôi chết hết cả, tôi đông con mà giờ hóa ở một mình”, bà Tuất xúc động.

Mời tôi vào nhà, bà Tuất loay hoay tìm ghế. Tìm mãi mới thấy chiếc ghế khập khiễng, bà bảo tôi ngồi tạm. “Anh thông cảm cho tôi, nhà đến cái ghế cũng chả có nữa. Các con bệnh tình thế, mọi thứ cứ đội nón ra đi hết thôi”, giọng mệt mỏi, bà Tuất thanh minh.

Thân già nuôi cháu thay con

Bà Tuất bảo, bà ở một mình nên chẳng cần gì, thế nào cũng được. Năm trước, khi đứa cháu trai còn ở cùng, đồ dùng thiếu thốn, nhiều lúc thương cháu mà nước mắt cứ ứa ra.


Căn nhà của bà chẳng có gì đáng giá, thậm chí còn hư hỏng.

Đứa cháu ấy giờ theo mẹ ngược mãi lên Sơn La xa xôi. Nhiều lúc nhớ cháu đến quặn ruột nhưng bà chả dám í ới gì. Bà sợ cháu cũng nhớ mình, đòi về thì bà không biết xoay xở thế nào.

“Nó là con thằng út đấy, bố nó mất thì nó ở với tôi. Năm ngoái nó đến tuổi đi học, tôi không cáng đáng nổi nên phải nhờ mẹ nó trên ấy nuôi giúp. Nó đã thiệt thòi mất bố thì phải cố cho nó cái chữ”, bà Tuất nói, giọng chầm chậm.

Nhắc đến chuyện anh con út, đôi vai gày gò của người đàn bà khốn khổ ấy lại khẽ run. “Nó là con út nhưng thiệt thòi nhất nhà. Chả tính sướng khổ gì, thiệt ở đây là nó chết đầu tiên. Nó chết khi mới 28 tuổi thôi, còn trẻ lắm!”, bà Tuất ngậm ngùi.

Theo lời bà Tuất thì con út bà tên là Đỗ Văn Hảo, sinh năm 1983. Anh Hảo có nghề lái xe. Khi còn khỏe mạnh anh bảo với mẹ rằng sẽ cố gắng làm để tích cóp mua riêng cho mình một chiếc xe rồi lấy vợ. Khi ấy, vợ anh sẽ ở nhà cùng mẹ mình là bà Tuất chăm lo nhà cửa, còn anh rong ruổi kiếm tiền.

Nhưng rồi duyên số, anh lấy vợ trước. Vợ anh là một cô gái người Thái, anh quen rồi lên duyên trong một lần xe dừng bánh ở Sơn La. Hạnh phúc giản dị ấy tưởng chừng như chẳng có gì có thể chia cắt khi anh chị có thêm đứa con trai kháu khỉnh, khôi ngô.

“Ông trời ác quá, nhà nó đang vui vầy là vậy…”, bà Tuất ngập ngừng. Theo bà Tuất, anh Hảo mất đến thời điểm này vừa tròn 5 năm bởi bệnh ung thư phổi và gan.

Ngày ấy, bởi là người đầu tiên trong gia đình bị bệnh nên anh Hảo được “đầu tư” khám chữa khắp nơi. Phát bệnh từ tháng 2, gia đình đã năm lần bảy lượt đưa anh Hảo đi khắp các bệnh viện lớn ở Hà Nội. “Ai bảo bệnh viện nào tốt, bác sĩ nào hay là gia đình tôi cố gom góp đưa cháu nó đến”, bà Tuất bùi ngùi kể.

Vật lộn với tử thần đến tháng 10 thì anh Hảo về nhà. Bà Tuất bảo, đến thời điểm đó thì gia đình đã kiệt sức.

“Chỗ nào có thể vay được thì chúng tôi cũng đã vay rồi. Không còn tiền nữa anh ạ, với cả các bác sĩ bảo số nó đã tận rồi, có cố cũng không được nữa”, bà Tuất nhớ lại.

Về nhà tháng 10 thì tháng 11 anh Hảo mất. Ngày anh Hảo lìa đời, dân Lũng Vị ai cũng xa xót. Thương anh chết trẻ một, thương đứa con nhỏ vừa được 18 tháng tuổi của anh mười. Hôm bố mất, đứa bé vẫn bi bô chạy nhảy loăng quăng quanh những khuôn mặt ủ dột, vật vã khổ đau.

Khi nỗi đau vẫn còn hằn nguyên trên từng nét mặt thì chỉ vài tháng sau, gia đình bà Tuất nhận tin dữ thứ hai. Hung tin ấy vẫn do tử thần mang tên ung thư chuyển tới.

Anh Đỗ Văn Luyện, sinh năm 1970, con thứ hai của bà Tuất vốn to cao, khỏe mạnh. Giống như anh Hảo em mình, anh Luyện cũng có nghề lái xe thuê. Chừng tháng 6/2011, quãng thời gian cánh lái xe bận rộn thì anh phải nghỉ việc bởi khối u bã đậu mọc ngay bàn tọa.

“Nghĩ cái u đó chẳng nguy hiểm gì nên nó cứ đắp thuốc nam và tiêm thuốc thôi”, bà Tuất nhớ lại. Tuy nhiên, vài tháng sau, dùng đủ các loại thuốc lá mà không khỏi, anh Luyện đã phải ra Hà Nội khám.

Và, lần đi khám đó, gia đình bà Tuất đã chao đảo khi nhận được thông báo của bác sĩ. Anh Luyện bị ung thư gan và đã ở giai đoạn cuối.

Điếng người vì tin dữ nhưng còn nước còn tát, gia đình bà Tuất đã cố gắng gượng. Lại hành trình đi đi về về chạy chữa. Những ngày cuối đời anh Luyện ở viện nhiều hơn ở nhà.

Năm ấy, ăn Tết xong, thấy sức mình đã kiệt, anh Luyện nhờ mẹ gọi các anh, em mình đến. Nằm trên giường, anh phều phào bảo, ở Hà Nội mới có thêm một bệnh viện do người nước ngoài đầu tư. Các viện khác thì đều đã đi rồi, chỉ còn viện đó là chưa tới.

 “Đến đó may ra còn giữ được người”, nhìn các anh em mình khắp lượt, anh Luyện nói.

Thương anh, mọi người lại chuyển anh ra bệnh viện đó. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đó đã không dám nhận. Họ kê thuốc rồi cho anh về.

“Đưa nó về nhà lúc 11 giờ thì đến 3 giờ chiều là nó đi. Thuốc người ta kê cả mấy triệu đồng vẫn chưa kịp uống”, bà Tuất xót xa.

Hai năm, mất liền 2 người con, gia đình bà Tuất chìm trong tang tóc. Thế nhưng, trời đất trêu ngươi, “ác quỷ ung thư” lại tiếp tục đầy đọa gia đình vốn đã có quá nhiều đau khổ ấy.

“Đến lần ấy nữa thì tôi coi đó là số phận của nhà mình rồi, chẳng còn nước mắt mà khóc nữa anh ạ”, bà Tuất rầu rĩ.

Chất chồng đau thương

Người con trai thứ ba bị tử thần ung thư bắt đi là anh Đỗ Văn Quy, sinh năm 1972, em trai anh Luyện. Anh Quy vốn là lực điền, sớm tối tất tả với việc đồng việc áng. Chỉ sau ngày anh trai mất

được vài tháng, anh Quy thấy trong người mệt mỏi, lo sợ mơ hồ, anh vội vã đi viện.


Công việc chính của bà là tước lạt, phơi khô bán

Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẳng nói anh bị bệnh gì, chỉ bảo anh phải nằm viện điều trị. Vật vã ở viện chừng nửa tháng thì các bác sĩ bảo phải mổ. “Đến khi ấy các bác sĩ mới nói cho gia đình biết tình trạng bệnh tình của nó. Trước đó, có lẽ biết gia cảnh nhà tôi nên họ giấu”, bà Tuất kể.

Theo bà Tuất, chuẩn bị làm thủ tục mổ các bác sĩ mới thông báo cho gia đình biết anh Quy bị ung thư tụy. Khi vết mổ liền, anh Quy được cho ra viện.

Về nhà, thấy sức khỏe anh Quy có phần ổn định, mọi người trong nhà đã ấp ủ mừng thầm. Ai cũng hi vọng tai ương bởi xót thương mà không tìm đến gia đình mình nữa.

Nhưng rồi, hi vọng mong manh ấy cũng vụt tan như bong bóng xà phòng.

Về nhà, vài tháng sau, bởi biến chứng của bệnh tật, anh Quy thấy mắt mình mờ dần rồi mù hẳn. Leo lét như đèn trong bóng tối được vài tháng nữa thì anh trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 2012.

Bà Tuất bảo, khi còn sức khỏe, anh Quy con bà chỉ biết chí thú làm ăn. Thế nhưng, chỉ hơn năm ngã vào trọng bệnh, vừa chữa ung thư vừa chữa mắt thì bao nhiêu tích cóp trước đây đã ra đi sạch bách.

Ước mong được chết thay con

Người ta bảo phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Câu nói này ám ảnh bà Tuất ngay từ khi anh Luyện, con thứ hai của bà bị tử thần ung thư bắt đi. Bởi thế, khi anh Quy, con thứ ba của bà cũng vì bạo bệnh ung thư mà đi theo anh, em mình, bà Tuất đã nghĩ đến những chuyện tâm linh huyễn hoặc.

Bà bảo, bà không phải là người mê tín nên khi nhiều người nói đất nhà bà phong thủy xấu hay chuyện mộ tổ tiên bị động nọ kia bà đã không tin. Tuy nhiên, bà vẫn dằn vặt mình với một câu hỏi mà chẳng ai có thể đưa ra câu trả lời.

“Vợ chồng tôi, ông bà tôi, bố mẹ tôi, cả nội cả ngoại đều ăn ở hiền lành, đức độ thế mà sao tới đời các con tôi lại vô phúc vậy!?”, bà Tuất xúc động.


Bà Tuất cô đơn trong căn nhà vắng

Câu hỏi đau đớn ấy lại một lần nữa làm bà Tuất chết lịm khi người con cả, anh Đỗ Văn Huấn, sinh năm 1967 cũng không thoát được bàn tay tàn độc của ác quỷ ung thư. Anh Huấn mất hồi tháng 9 năm ngoái. Như người em trai út, anh Huấn cũng bị ung thư gan và phổi. Anh nhắm mắt lìa đời chỉ sau có 6 tháng phát bệnh.

“Như các em nó, gia đình cũng đưa nó đi khám, chữa trị khắp nơi. Thuốc Tây, thuốc nam đủ cả, kể cả chữa mẹo nữa. Ai mách gì thì chữa đấy, thế nhưng tất cả đều bất lực”, bà Tuất nhớ lại.

Khi anh con cả, chỗ dựa tinh thần cho cả nhà vướng vào trọng bệnh, bà Tuất không còn thiết sống nữa. Bà bảo, trước đó, ngay khi người con đầu yểu mệnh, bà đã ước một phép màu nhiệm là bà có thể hoán đổi mạng mình cho con.

Mong ước đau đớn ấy cứ lặp đi lặp lại và tới khi người con cả cũng sa vào vũng lầy ung thư kinh hãi thì bà chỉ muốn chết theo con. “Chỉ có chết thì đời tôi mới hết đau, hết khổ anh ạ”, bà Tuất thểu não.

Như xác không hồn

Anh con cả mất, bà Tuất thấy mình chỉ còn cái xác không hồn. Dù con cháu hết lời an ủi động viên nhưng sáng cũng như tối mọi người chỉ thấy bóng bà lặng lẽ.

Nhà có 5 người con trai mà chỉ trong vài năm, tử thần ung thư đã nhẫn tâm bắt đi 4, nên tất thảy trông chờ, hi vọng của gia đình đổ dồn vào người con trai cuối cùng, anh Đỗ Văn Hoạch, sinh năm 1974, con trai thứ ba của bà Tuất.

Nhưng rồi, bà Tuất bảo, tạo hóa nghiệt cay, cứ thích đùa giỡn trên đỗi đau đớn tột cùng của bà và mọi người trong gia đình. Sau Tết vừa rồi, thấy người mệt, anh Hoạch hốt hoảng tới viện. Và, điệp khúc “ung thư” lại được các bác sĩ nhắc lại với người con trai cuối cùng ấy. Anh Hoạch bị ung thư gan, các bác sĩ bảo phải mổ.

Phẫu thuật xong, anh Hoạch được viện cho về với lời dặn là phải nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe. Tuy nhiên, bấn loạn trong đống nợ nần, anh Hoạch chẳng nghỉ. Cứ khi nào không phải đến viện khám thì anh lại lụi cụi ngoài đầm cá cách nhà hơn cây số.

“Nó chăm lắm, cứ cặm cụi làm suốt ngày. Nhà gần nhưng chẳng mấy khi nó về, cứ ở miết ngoài đầm thôi, khuyên nó nghỉ ngơi mà đâu có được”, bà Tuất chia sẻ về người con trai cuối cùng của mình.

Lưng còng gánh nợ

Nhắc đến chuyện nợ nần, bà Tuất bảo, ở xóm này, nhà bà “được tiếng” là… Chúa Chổm. Sau đợt vướng vào đại họa lại mất đi trụ cột nên gia đình các con bà ai cũng còng lưng gánh nợ.

“Toàn vay hàng xóm láng giềng thôi, mỗi người vài trăm, vài triệu. Họ thấy gia đình mình thế họ thương nên nhắm mắt cho vay thôi”, bà Tuất chia sẻ.

Bản thân bà Tuất bây giờ cũng nợ tới gần trăm triệu đồng. Tiền ấy bà vay để lo chạy chữa cho các con mình.


Người mẹ già còng lưng gánh nợ.

“Tôi biết mọi người thương mới cho vay nên áy náy lắm. Không trả được nợ thì khác nào phụ lòng tốt của mọi người”, bà Tuất bùi ngùi.

Mong muốn là vậy nhưng bà Tuất cũng chẳng biết làm thế nào để vơi bớt món nợ khổng lồ đang nặng mang. Năm nay tuổi đã 73, bà thấy sức mình đã cạn. Thôn có nghề đan lát, tuy tay run, mắt mờ nhưng bà vẫn cố gắng chẻ lạt thuê.

Cứ chẻ được 100 cái lạt thì bà được thù lao là 3 nghìn đồng. Bà bảo, tước lạt tướp tay thì mỗi ngày bà cũng chỉ kiếm được chừng 10 ngàn. Ăn uống tằn tiện hết mức thì số tiền bỏ ra cũng chẳng được là bao.

“Ông trời có cho tôi sống đến cả trăm tuổi chắc tôi cũng không trả hết được nợ. Mà chắc gì… Tuổi này giời cho sống ngày nào thì biết ngày ấy thôi”, bà Tuất ngập ngừng.

Bà Tuất kể, bà vừa mới đi viện về chừng nửa tháng. Bà đi chữa mắt. “Ở viện, thấy nhiều người tuổi cũng như tôi. Nhưng, họ đi khám có cả bầy con chạy theo dìu đỡ. Còn tôi thì… Nghĩ mà tủi thân lắm anh ạ”, bà Tuất mắt lệ nhạt nhòa.

Nhắc chuyện nhà đông con trai mà hóa neo đơn, bà Tuất lật đật dẫn tôi lên căn nhà ngang ở ngay kề nơi bà ở. Vừa lập bập bước bà vừa bảo: “Chỗ tôi ở bây giờ là cái bếp đấy. Còn nhà chính đây này. Nhưng nó mục mọt hết rồi”.

“Ở trên đó thì không biết nó sập lúc nào nên tôi phải chuyển xuống bếp đấy. Giá gia đình tôi không vướng họa, giá các con trai tôi còn sống thì chúng đã sửa lâu rồi chứ chả để thế này”, bà Tuất xót xa.

Tôi chào bà Tuất ra về khi trời đứng bóng. Vừa tiễn khách cổng bà Tuất đã vội vào đem đám lạt vừa chẻ ra phơi.

Nhìn dáng bà lão lụi cụi, lặng lẽ giữa cái nắng hanh hao mà tôi không thể cầm lòng. Ở đời, nhiều người từng nếm trải niềm đau nhưng nỗi đau của người mẹ liên tiếp mất con kia thì không gì sánh nổi.

Xem thêm: Bên trong xưởng sản xuất  thuốc chữa ung thư làm từ bột than tre và tác hại của nó​

Phóng sự của Đào Thanh Tuy
Theo Đời sống Plus/GĐVN //