Từ 30/6, tất cả cán bộ cấp tỉnh đến xã phải xử lý công việc trên mạng
Chính phủ yêu cầu đến ngày 30/6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Quan điểm của Chính phủ là yêu cầu chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động - phục vụ"; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 56/TB-VPCP ngày 23/02/2025 kết luận Phiên họp tổng kết hoạt động Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025.
Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, không phụ thuộc địa giới hành chính
Theo Thông báo, trong năm 2024 công tác chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực, trong đó việc triển khai Đề án được thực hiện quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ trung ương đến cơ sở. Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực; hạ tầng số và các nền tảng số được quan tâm đầu tư; cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai.
Cán bộ cấp tỉnh, huyện và xã sẽ phải xử lý công việc trên môi trường mạng bắt đầu từ ngày 30/6 (Ảnh minh họa)
Kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu có bước phát triển tốt; cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện; Việt Nam có bước tiến mạnh mẽ trong xếp hạng về chuyển đổi số quốc tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, vẫn còn những hạn chế như: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách còn nhiều bất cập; nhiều nhiệm vụ chưa hoàn thành.
Chính phủ nhấn mạnh, kinh tế số, hạ tầng số phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng kinh tế; công tác an ninh mạng, an toàn thông tin nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức;
Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao; nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, phân bổ chưa đồng đều.
Thông báo kết luận nêu rõ quan điểm chỉ đạo là bám Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và chương trình hành động của Chính phủ là phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan, là lựa chọn chiến lược, là ưu tiên hàng đầu.
Đây là động lực để phát triển kinh tế nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
100% dịch vụ công được làm trực tuyến
Chính phủ xác định triển khai gắn với 5 "tăng tốc, bứt phá", trong đó bứt phá trong chuyển đổi số, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế, tạo ra bước nhảy vọt về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bứt phá trong phát triển hạ tầng số, xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế số, phải ưu tiên và xác định có trọng tâm, trọng điểm.
Chính phủ xác định, chủ đề chuyển đổi số năm 2025 là chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số", trong đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số;
Chính phủ yêu cầu chuyển trạng thái cung cấp dịch vụ công từ "xin - cho" sang trạng thái "chủ động - phục vụ"; đẩy mạnh xóa bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết; nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến toàn trình hướng tới dịch vụ số cá nhân hóa, không phụ thuộc địa giới hành chính.
"Đến ngày 30 tháng 6 năm 2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc", Chính phủ yêu cầu.
Về mục tiêu, Chính phủ xác định đến hết năm 2025, 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 80% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, 40% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Chính phủ yêu cầu hết tháng 6 năm 2025, 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân. Các tỉnh số hóa dữ liệu đất đai trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.