Vụ bổ nhiệm khó tin ở Thanh Hóa: Đứng trước vành móng ngựa nhưng chỉ bị cảnh cáo rồi thăng chức

15-05-2017 11:31:30

Theo quy định, đảng viên tham gia “Đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức” sẽ bị khai trừ ra khỏi đảng. Thế nhưng, ông Tuấn đánh bạc bị bắt, bị tòa tuyên án nhưng chỉ bị “cảnh cáo”.

Quy định một đàng, kỷ luật một nẻo?

Như Đời sống Plus đã phản ánh, ngày 14/12/2013 công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang 6 “con bạc” đang sát phạt nhau trong quán cà phê.

Trong số này có 5 người là cán bộ, đảng viên gồm: ông Lâm Anh Tuấn (SN 1968, Giám đốc TT dạy nghề huyện Thường Xuân); Ngô Văn Tường (SN 1982, Phó phòng Tài chính huyện); Nguyễn Duy Quang (SN 1974) và Tô Xuân Trường (SN 1972 cán bộ cửa hàng dược); Ngô Sỹ An (SN 1965, Giám đốc kho bạc huyện Thọ Xuân)…

Những người tham gia đánh bạc sau đó đã bị khởi tố và bị TAND huyện Thường Xuân đưa ra xét xử và bị phạt tiền từ 20 đến 25 triệu đồng.

Cũng thời điểm đó, UBKT Huyện ủy huyện Thường Xuân cũng đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với các đảng viên vi phạm. Tất cả đều nhận hình thức kỷ luật “Cảnh cáo”. Việc kỷ luật như vậy có đúng?

Quyết định số 26/QĐ-UBKTHU của Ủy ban kiểm tra huyện ủy huyện Thường Xuân xác định, ông Lâm Anh Tuấn (Bí thư chi bộ, Giám đốc TT dạy nghề huyện Thường Xuân) đã vi phạm vào Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm và Điểm a, khoản 3, Điều 30  Quy định 181-QĐ/TW của Bộ chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Quyết định kỷ luật ông Tuấn của Huyện ủy huyện Thường Xuân

Cụ thể, Quy định số 47-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm nghiêm cấm đảng viên: “Đánh bạc, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức…”.

Khoản 3 Điều 30 quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm của Ban chấp hành Trung ương ngày 30/3/2013 quy định: Đảng viên vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 30 gây hậu quả rất nghiêm trọng “hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ:

a) Đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới mọi hình thức.

...

Chiếu theo quy định trên, các Đảng viên đánh bạc trong đó có ông Lâm Anh Tuấn  sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật là khai trừ đảng.

Quy định rất rõ, Ủy ban kiểm tra huyện ủy huyện Thường Xuân cũng đã căn cứ đúng nhưng ngạc nhiên là sau đó ông Tuấn lại được áp dụng “tình tiết giảm nhẹ” để giảm xuống hình thức “Cảnh cáo” về đảng. Huyện ủy Thường Xuân cho rằng, muốn “tạo điều kiện cho đồng chí tiếp tục phấn đấu, công tác”.

Nếu ông Tuấn bị khai trừ ra khỏi đảng, ít nhất 5 năm sau ông này mới được kết nạp trở lại hàng ngũ của đảng. Và, nếu bị khai trừ ông này cũng bị thôi chức vụ Giám đốc TT dạy nghề huyện Thường Xuân, việc bổ nhiệm ông Tuấn giữ chức vụ Trưởng phòng GD&ĐT cũng không thể xẩy ra.

Điều tương tự cũng xẩy ra với trường hợp ông Ngô Xuân Tường. Ông Tường bị tòa án xét xử khi ông này đang là Phó phòng Tài chính của huyện. Sau đó, Ủy ban kiểm tra huyện ủy Thường Xuân chỉ áp dụng hình thức cảnh cáo về đảng nên ông Trường vẫn tiếp tục được giữ chức vụ đó cho đến hôm nay…

Cũng cần nói thêm, trước khi đưa ra quyết định kỷ luật "cảnh cáo" ông Tuấn, ngày 27/8/2014 Ủy ban Kiểm tra huyện ủy huyện Thường Xuân đã "tiến hành bỏ phiếu biểu quyết quyết định hình thức kỷ luật đối với đồng chí Lâm Anh Tuấn".

Điều kỳ lạ là trong phiếu biểu quyết chỉ có 2 sự lựa chọn "kỷ luật" hoặc "không kỷ luật" nhưng vẫn cho ra kết quả: "Cảnh cáo 04/05 phiếu bằng 80%, khai trừ 01/05 bằng 20%. Căn cứ vào kết quả bỏ phiếu, hội nghị nhất trí đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Tuấn là "Cảnh cáo".

Phiếu biểu quyết một đàng cho kết quả một nẻo, có gì bất thường ở đây?

Các cán bộ đánh bạc cho vui!

Làm việc với ông Vi Văn Hùng – Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy huyện Thường Xuân, ông Hùng cho biết: Vào thời điểm năm 2014 khi Huyện ủy đưa ra hình thức kỷ luật đối với ông Lâm Anh Tuấn, ông Hùng chưa về nhận công tác.

Ông Hùng cũng từ chối trả lời việc kỷ luật ông Tuấn và các đảng viên khác vi phạm đánh bạc đã đúng với quy định hay chưa?

Trong khi đó, liên quan đến việc bổ nhiệm ông Tuấn làm Trưởng phòng GD&ĐT của huyện, ông Nguyễn Quốc Hoàn – Chánh văn phòng UBND huyện Thường Xuân nói: “Với xã hội Việt Nam mình việc vi phạm thì nhiều nhưng người ta phải xét vi phạm có truyền thống hay không truyền thống…

Khi một người vi phạm được xóa án tích người ta trở thành công dân bình thường, người ta hoạt động tốt, lại khôi phục lại, chuyện đó là bình thường. Việc bổ nhiệm ông Tuấn không có gì sai. Không đơn thuần bổ nhiệm là ký cái quyết định là xong, cái này phải thông qua Ban thường vụ và quy trình xem xét nghiêm túc, xét từ dưới lên trên, phải được sự đồng thuận của cả tập thể”.

Phiếu biểu quyết một đàng (trên) và kết quả một nẻo (dưới)

Nói về hành vi đánh bạc của ông Tuấn và các cán bộ khác, ông Hoàn nói: “Các anh ấy chỉ chơi vui với nhau tí nhưng dính thì phải chịu thôi. Nói đánh bạc nhưng thực chất chỉ là đánh bài vui, không đến mức sát phạt. Anh em cả đời có đánh bao giờ đâu, lo công việc làm ăn có thời gian đâu mà chơi”.

“Cứ nói đứng trước vành móng ngựa hay bị can của vụ án đánh bạc nghe có vẻ to tát nhưng tôi thấy cái này không phải truyền thống. Các anh ấy chỉ chơi vui thôi. Năng lực chuyên môn của mấy anh này rất tốt. Về đạo đức thì tôi…  không dám nói!”.

Đạo đức của ông Tuấn và một số cán bộ khác tham gia đánh bạc, chánh văn phòng huyện “không dám nói”. Điều đó cũng dễ hiểu vì sao dư luận tại huyện Thường Xuân lại đặt vấn đề đạo đức của ông Tuấn, ông Tường, ông An… lên bàn cân khi cho rằng, các ông này không xứng đáng với vị trí lãnh đạo hiện tại. Đặc biệt là ông Tuấn, người đứng đầu ngành giáo dục.

Có hay không UBND huyện Thường Xuân đang dung túng, bao che cho những cán bộ sai phạm? Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ nói gì về việc này?

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus //