Trung thu tại Bệnh viện K Tân Triều: Mẹ lau vội giọt nước mắt khi thấy con cười
Chứng kiến các con tươi cười đón trung thu vui vẻ tại Bệnh viện K, nhiều bố mẹ bât khóc vì thương con...
Trung thu của những 'chiến binh trọc đầu'
Tại khoa Nhi - Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), hơn 100 em nhỏ với đủ các lứa tuổi khác nhau ngồi ngay ngắn xem biểu diễn văn nghệ, phá cỗ cùng chú Cuội, chị Hằng. Những em bé bệnh nặng không thể ra ngoài vui chơi sẽ được phát quà tận giường.
Khi công tác chuẩn bị được hoàn tất, các bệnh nhi cùng người thân đứng vây quanh khu vực phòng chờ của khoa Nhi, nơi các em đang giành giật sự sống từng ngày. Chứng kiến những tiết mục văn nghệ 'cây nhà lá vườn' của các bạn nhỏ ai cũng vui mừng.
Những chiến binh dũng cảm hăng hái chơi trò chơi
Nhìn thấy các em nhỏ đón trung thu vui vẻ, chơi các trò chơi nhận quà, một bà mẹ đang bế con gái tay lau vội những giọt nước mắt lăn trên gò má. Chị chia sẻ, từ bé tới giờ bản thân chị cũng như đứa con gái bé bỏng 11 tuổi mắc u não chưa bao giờ được chứng kiến chương trình trung thu hay và ý nghĩa như này.
“Tôi xúc động quá nên khóc thôi, mong có nhiều chương trình như thế này để các con vơi đi nỗi đau, mệt mỏi, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật. Nhìn những chiếc đầu trọc lốc như này nhưng các con vẫn lạc quan, vô tư đợi lên biểu diễn văn nghệ càng khiến tôi day dứt”, người mẹ này nói.
Khi nghe những bài hát về mẹ do chính các bạn nhỏ tại đây thể hiện nhiều bà mẹ đã vỡ oà cảm xúc
Sau những nụ cười tươi ít ai biết rằng, chặng đường tiếp theo là cả một “bể khổ” mà tất cả các gia đình có con nhỏ đang điều trị căn bệnh ung thư quái ác phải chịu đựng.
Ngồi dõi theo các em nhỏ vui trung thu, chị Phương chia sẻ, hai con gái chị đều bị ung thư. Cuộc sống lam lũ ở quê vất vả nên chị cũng chưa bao giờ tổ chức hay mua cho các con một chiếc bánh Trung thu đúng nghĩa.
"Mình buồn nhưng cố gắng chịu đựng nén nỗi đau vào trong để còn là điểm tựa cho con chiến đấu với bệnh tật. Lẽ ra các con phải được hưởng tuổi thơ đúng nghĩa, vui chơi bên ngoài chứ không phải là những mũi tiêm, kim truyền đau đớn ở trong viện như này", chị Phương nghẹn ngào.
Các em nhỏ bệnh nặng được phát quà trung thu tại giường
Theo chị Phương, con gái chị là em Nguyễn Thị Quỳnh (13 tuổi) mắc bệnh ung thư xương. Suốt 1 năm qua Quỳnh đã phải làm quen với cuộc sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Bệnh ung thư xương đã cướp đi của Quỳnh một chân. Mái tóc đen nhánh của cô bé cũng đã rụng hết sau nhiều lần xạ trị.
Các em nhỏ chăm chú theo dõi các tiết mục văn nghệ
Chị Phương tâm sự, một năm qua con gái đã trải qua 5 lần phẫu thuật cắt bỏ phần chân bị hoại tử vào xương. Mỗi lần phẫu thuật như thế Quỳnh phải liên tiếp chịu những chuỗi ngày đau đớn thấu xương tuỷ.
Nhìn thấy con còn bé mà phải chịu liên tiếp nỗi đau chị Phương buồn nhưng không còn cách nào. Năm ngoái thì gia đình chị nghe tin Quỳnh bị ung thư. Năm nay thì em gái của Quỳnh là Nguyễn Thị Thanh Mai (6 tuổi) cũng bị ung thư tiền liệt tuyến ức ngực trên hiện đang phải điều trị tại Bệnh viện Sản nhi Nghệ An.
'Nghe các con hát tim tôi như thắt lại'
Mấy ngày nay, Khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội luôn nhộn nhịp khác với những ngày thường. Những đứa trẻ ở đây trên tay vẫn còn gắn trên tay những mũi kim tiêm, băng chuyền hay những vết thương sau phẫu thuật nhưng lạc quan, nở nụ cười trên môi.
Nhiều em nhỏ được các đoàn từ thiện đến tặng quà, gấu bông nên tỏ ra vô cùng thích thú. Với các em một mùa Trung thu đã về tại nơi mà thực sự không ai muốn đến. Thế nhưng khi đối diện với bệnh tật thì đây là nơi giúp chúng vượt qua những cơn đau giằng xé bởi bệnh hiểm nghèo.
Nguyễn Thị Quỳnh được mẹ đưa ra đón trung thu cùng mọi người
Đã điều trị tại khoa Nhi được 4 tháng, bé Lê Thị Thùy Linh (5 tuổi, ở Nghệ An) phải ngồi xe lăn ra xem biểu diễn văn nghệ trung thu. Bé Linh bị u xương, dù đã được mổ nhưng khối u vẫn căng mọng như muốn nổ tung bất cứ lúc nào.
Giữa hành lang tầng 3, dù chật hẹp nhưng hàng trăm đứa trẻ đủ lứa tuổi ngồi ngay ngắn xếp hàng chăm chú theo dõi từng bài hát, từng điệu múa lân, múa rồng và tiếng trống rộn vang. Những bài hát về mẹ do chính các em biểu diễn khiến những người làm cha, làm mẹ rơm rớm nước mắt.
"Nghe các con hát, tim tôi như thắt lại. Tôi chỉ ước giá như mình mang bệnh cho các con được thì tốt biết mấy", bà Nguyễn Thị Sen (bà ngoại Linh) chia sẻ.
Các em nhỏ thích thú với màn múa lân
Bà sen bộc bạch, Linh có cuộc sống khá bất hạnh, sinh ra được 3 tháng, bố Linh theo người phụ nữ khác bỏ rơi ba mẹ con. Mẹ bé Linh vừa sinh con đã bị chồng bỏ rơi, cú sốc ấy quá lớn khiến người mẹ trẻ mắc bệnh trầm cảm và đang phải điều trị tại địa phương.
Ở với bà ngoại từ khi 3 tháng tuổi, Linh càng lớn càng ngoan và rất thông minh. Thế nhưng cách đây 4 tháng, sau 1 lần đau chân được bà đưa đi khám thì phát hiện mắc bệnh u xương và được chuyển ra Hà Nội điều trị.
Ngồi trên xe lăn vui trung thu cùng các bạn, Linh mong ước sớm khỏi bệnh để kịp năm sau vào lớp 1 và lớn lên muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà và mẹ.
Những chiến binh reo vui khi được tổ chức trung thu sớm
Tiếng vỗ tay và hò hét của những 'chiến binh đầu trọc' vẫn liên tục vang lên, xóa tan đi bầu không khí u ám, bệnh tật hàng ngày ở nơi điều trị cho những bệnh nhi mắc bệnh ung thư. Mong rằng, mùa trung thu sau các em nhỏ sẽ được đón trung thu quây quần bên gia đình.