Trở lại vụ giết người ở tiệm vàng Kim Sinh: Lần theo dấu sói

21-03-2017 08:06:22

Mỗi một chiếc xe vừa đến CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, 2 CSĐT và CSHS bám hai bên trái, phải, rồi 2 người khống chế cửa lên xuống và 3 người lên xe.

Tất cả những xe chạy qua cây số 5 kể cả xe khách, xe tải, xe container, xe biển xanh, biển đỏ đều bị kiểm tra. Mỗi một chiếc xe vừa đến CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, 2 CSĐT và CSHS bám hai bên trái, phải, rồi 2 người khống chế cửa lên xuống và 3 người lên xe. Những hành khách nào có vóc người nhỏ bé, mặt lưỡi cày như hung thủ Châu đều được anh em nói: "Xin lỗi anh, làm ơn cho tôi xem bàn tay trái"…

Kiểm tra cặp xách và đồ của Châu.

6h sáng ngày 20, tức là 1 ngày sau khi xảy ra vụ án, mũi truy lùng ở Chiêm Hóa báo cáo lại cho Thượng tá Nguyễn Đức Nhanh về khả năng Châu có thể trốn về nhà bà cô ở Trình Xuyên, Vụ Bản, Nam Định. Thượng tá Nguyễn Đức Nhanh đã yêu cầu tổ điều tra cứ ở lại trên Tuyên Quang và đồng thời chỉ đạo Trung tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng CSHS đi về Nam Định.

6h30 sáng, Trung tá Nguyễn Đức Bình đi về Nam Định nhưng chưa đi đến Thường Tín (hồi đó chưa có đường cao tốc như bây giờ) thì gặp một vụ tai nạn. Đường tắc cả vài cây số mà không thể nào luồn lách lên được.

Và mãi đến 930, Nguyễn Đức Bình mới đến được Công an (CA) huyện Vụ Bản. 10, Trung tá Bình  dẫn quân ập vào nhà bà Thuộc. Nhưng Châu đã đi khỏi nhà bà Thuộc hơn một tiếng đồng hồ.

Anh em kiểm tra xung quanh nhà thì thấy các hộp đựng đồ trang sức vứt vương vãi sau vườn và sau này cũng biết là có những tình huống mà quả thật mọi người không ai lường tới. Số là lúc trời vừa sáng, lấy cớ sang nhà hàng xóm lấy hàng, Lê Thị Định đã sang nhà người anh ruột của Châu gọi điện về Nam Định cho bà Thuộc nói chuyện có Công an đến nhà. Bà Thuộc nói lại cho Châu biết,  biết bị lộ Châu vùng dậy bảo bà Thuộc đi gọi xe ôm và chuồn ngay lập tức, trở lại hành trình của gã.

Sau khi gây án xong, hắn ra thuê xe ôm của ông Nguyễn Xuân Tiệp đi ra bến xe phía Nam và trả ông 10.000 đồng. Hắn ra bắt xe khách đi Nam Định. 9h sáng ngày 19 hắn về đến Nam Định và lại thuê xe ôm đi về nhà người cô ruột tên là Nguyễn Thị Thuộc ở xóm 9, thôn Trình Xuyên, huyện Vụ Bản. Nhưng bà Thuộc đi đâu đó, thế là hắn lại thuê xe ôm của một người tên là Hiếu đi sang nhà ông Lễ ở xã bên cạnh.

Ông Lễ là bác sĩ đã nghỉ hưu và có mở một phòng khám ở nhà. Sau khi xem xét vết thương của gã, ông Lễ đã khâu 5 mũi ở lòng bàn tay trái, còn vết rách ở đầu gối thì khâu 2 mũi rồi tiêm thuốc chống uốn ván.

Rồi gã lại thuê xe về nhà bà Thuộc. Lúc này bà Thuộc đi làm đồng về thấy thằng cháu ruột mặt mày phờ phạc tay chân lại bị băng bó, bà ái ngại hỏi:

- Cháu làm sao vậy?

Châu trí trá trả lời là trên đường đi gặp cướp nên đánh nhau và bị chúng chém bị thương. Mặc dù biết cháu mình chả phải tử tế  nhưng khi hắn nói vậy bà cũng không nghi ngờ. Bà bảo gã cứ ở lại nghỉ ngơi rồi bà nấu cơm cho mà ăn.

Sau bữa cơm trưa gã lăn ra ngủ một giấc không biết trời đất là gì. Mãi đến khi gà lên chuồng gã mới tỉnh dậy đi thay quần áo và nhờ bà cô giặt hộ bộ quần áo dài màu đen.

Sau đó hắn lại gọi anh Hiếu tới chở hắn tới nhà ông Lễ để thay băng và tiêm thuốc. Ăn tối xong, khi bà Thuộc đi xem vô tuyến ở nhà hàng xóm, gã lấy chiếc cặp ra và chọn lọc các đồ trang sức đã cướp được.

Số vàng 9999 thì hắn cho vào chiếc túi vải rồi bỏ vào túi quần, còn số vàng Tây, bạc và các đồ trang sức khác gã cho vào một túi nilon bỏ vào cặp. Còn những hộp nhựa dùng để đựng đồ trang sức thì hắn vứt ở sau  vườn và xuống ao.

Đến sáng ngày 20, khi vợ hắn gọi điện cho bà Thuộc và nói Công an đến tìm thì hắn biết đã bị lộ nên vội vàng thuê anh Hiếu chở ra bến xe Nam Định lên xe khách đi Đồng Văn.

Vàng và đồ trang sức Châu cướp ở tiệm vàng Kim Sinh.

Sau khi xác định được Châu đã bỏ trốn khỏi nhà bà Thuộc, nhưng bây giờ thì đúng là bóng chim tăm cá không biết là hắn đã đi đâu, CA Hà Nội phối hợp với CA Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa và cả Hà Tây tổ chức truy lùng.

Tuy nhiên, bây giờ có một vấn đề cũng khá nhức đầu là, liệu  chắc gì Châu mà CA truy lùng kia đã đúng với lại Châu ở Chiêm Hóa. Thông tin lúc này ngoài những điều thu lượm được qua lời kể của nhân chứng nhưng chưa có một cái gì đảm bảo là đích thực.

11h02, ngày 20/7/1999, CA Tuyên Quang đã fax về Cơ quan CSĐT  - CA Hà Nội toàn bộ dấu vân tay của người có tên là Nguyễn Minh Châu. Tuy nhiên, có lẽ do đường truyền tín hiệu rất kém nên bản fax có ảnh chân dung của đối tượng nom cứ đen kịt rất khó nhận dạng, kể cả số ảnh mà tôi đã chụp lại ở nhà Châu, sau đó đem in ảnh và fax về Hà Nội cũng không được rõ.

Các điều tra viên của Phòng CSĐT - CA Hà Nội nhận định rằng, kẻ gây ra tội ác nghiêm trọng như vậy phải là một kẻ lỳ lợm, một kẻ có bề dày về thành tích bất hảo, nghĩa là có thể hắn đã có tiền án, tiền sự ở đâu đó. Như vậy thì hồ sơ tội phạm của hắn có thể không nằm ở CA Hà Nội hay CA các tỉnh, nhưng sẽ nằm ở Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát thuộc Tổng cục Cảnh sát.

Lập tức những vân tay nghi vấn của đối tượng thu được ở tại hiệu vàng Kim Sinh cùng với dấu vân tay nằm trong danh chỉ bản của CA Tuyên Quang được gửi đến Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát.

Đại tá Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hoan giao nhiệm vụ cho anh em vào lúc 15h và yêu cầu trong thời gian ngắn nhất phải tra cứu xác minh được lai lịch đặc điểm nhận dạng và ảnh của tên Châu. Các cán bộ hồ sơ đã dùng phương pháp tra cứu trên trung tâm nhận dạng vân tay tự động của hệ thống máy tính tàng thư hồ sơ và xác minh qua Phòng Hồ sơ - CA Nam Định, chỉ sau 30 phút đồng hồ thì dấu vân tay của hơn 5.000 người tên là Nguyễn Minh Châu được xác định và đến 16h ngày 20/7 toàn bộ đặc điểm nhận dạng và lý lịch của kẻ phạm tội đã được phát hiện.

Hóa ra, Nguyễn Minh Châu đã từng bị Công an tỉnh Hà Nam Ninh cũ bắt ngày 14/2-/ và lập hồ sơ danh chỉ bản mang số 4970 vào ngày 7/3/1990 về tội đánh bạc. CA huyện Duy Tiên, đơn vị bắt được hắn đã tạm giam Châu 2 tháng, và hắn đã khai lý lịch như sau:

Họ và tên: Nguyễn Minh Châu, sinh năm 1960... nơi thường trú ở Vĩnh Lộc, Chiêm Hóa, tỉnh Hà Tuyên cũ. Nghề nghiệp: Không.  Họ tên cha: Nguyễn Văn Sinh; họ tên mẹ: Nguyễn Thị Phúc;  họ tên vợ: Lê Thị Định.

Đặc điểm nhận dạng của hắn là: Cao 1m58, sống mũi hơi lõm, dái tai chúc, nếp tai dưới trung bình; dấu vết riêng, có nốt ruồi cách 1,5cm bên mép phải. Bộ vân tay nằm trong tàng thư căn cước của CA Hà Nam Ninh (cũ) và Cục Hồ sơ nghiệp vụ đã trùng với bộ vân tay thu được ở tại tiệm vàng Kim Sinh. Như vậy, tên Châu đã có một lý lịch rõ ràng.

Trở lại cuộc truy lùng, lúc này CA Hà Nội chia làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất, cùng với CA Tuyên Quang lập một trạm kiểm soát lưu động ngay trên cây số 5 đường vào thị xã từ lúc 13h ngày 20; một nhóm do Đại úy Nguyễn Việt Chức Đội trưởng Đội Đặc nhiệm của Phòng CSHS thì đi lùng hắn ở khu vực Hà Nam - Nam Định; một nhóm lao đi Thanh Hóa và một nhóm thì lên khu vực đào đãi vàng ở Chiêm Hóa. Khả năng tên Châu sau khi trốn khỏi nhà bà Thuộc đi đâu thì lúc này chưa ai có thể xác định được.

Tại Nam Định cũng đã có nhân chứng cung cấp thông tin rằng, vào trưa ngày 20 Châu đã lên một chiếc xe khách ở tại bến xe Nam Định, tuyến Nam Định - Hà Giang. Đặc điểm nhận biết của hắn là chân đi giày, tay trái bị băng và xách một chiếc cặp đen.

Vậy là toàn bộ lực lượng truy lùng rải từ Nam Định, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phú, Phú Thọ, Tuyên Quang như một guồng máy hoạt động hết công suất. Thiếu tướng Phạm Chuyên , Giám đốc CA Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị điều tra và CSHS "ném" vào cuộc truy lùng này 200 cảnh sát, 21 ôtô, còn CA các tỉnh huy động từ 50-100 cán bộ, chiến sĩ.

Tại chốt ở cây số 5 trên đường vào thị xã Tuyên Quang, Thiếu tá Đỗ Văn Hùng chỉ huy số CSĐT cùng với anh em CSGT chặn tất cả các xe để kiểm tra và cuộc chặn xe được bắt đầu vào lúc 15h, nghĩa là sau khi áng chừng thời gian đấy là chuyến xe từ Nam Định lên Tuyên Quang đã có thể tới nơi.

Khi chuẩn bị ra chặn xe, anh em phân vân, bây giờ xe nhiều như thế này mà khám hết thì làm thế nào? Khám xe khách, xe tải thì dễ nhưng còn xe container, thế rồi xe biển xanh, biển đỏ thì sao?!

Thiếu tá Đỗ Văn Hùng gọi điện về xin ý kiến và Thượng tá Nguyễn Đức Nhanh ra lệnh, khám tất cả các loại xe. Ai mà biết rằng, hắn có thể đi nhờ một chiếc xe biển xanh nào đó. Thượng tá Nhanh dặn, cứ chặn tất cả các xe lại, nhưng anh em phải có lời xin lỗi lái xe trước hoặc là người đi trên xe, chắc chắn sẽ không ai phản ứng việc này đâu.

Nhưng cũng từ trưa ngày 20, tai họa đến với tôi. Số là khi Thiếu tướng Phạm Chuyên biết được chuyện tôi lái xe đưa anh em hình sự lên Tuyên Quang, ông gọi điện và nghiêm giọng: "Thằng em, mày giỏi lắm đấy. Tao không ngờ là mày lại có mưu này. Tao nói cho mày biết, nếu thông tin của vụ án này mà đăng lên ANTG, thì mày đừng có trách".

Mắng tôi xong, ông lại ra "mật chỉ" cho Đại úy Nguyễn Đức Chung là "tìm cách đuổi nó về Hà Nội". Nhưng đuổi tôi về lúc này cũng "hơi khó" vì chiếc ôtô của ANTG đang là phương tiện chính chở anh em? Tuy biết Thiếu tướng Phạm Chuyên không bằng lòng, nhưng tôi cũng cứ phớt lờ.

Thế là từ lúc bắt đầu kiểm tra xe, tôi được Thiếu tá Đỗ Văn Hùng sử dụng như một thư ký. Chẳng phải vì thiếu người mà quan trọng là lúc này tôi đang sử dụng một chiếc điện thoại dùng sim của Vinaphone.

Ngày ấy hệ thống mạng di động còn rất kém, cứ ra khỏi thành phố hoặc thị xã chừng vài ba cây số là mất sóng. Mà sóng của Mobifone thì chưa vươn tới được các vùng sâu, vùng xa cho nên lúc này chiếc điện thoại của tôi là trở thành cầu nối duy nhất giữa cánh quân phía bắc với Ban Giám đốc và cánh quân phía nam do Trung tá Nguyễn Đức Bình, Trưởng phòng CSHS đang cùng CA Nam Định, Hà Nam lần theo từng dấu chân của tên Châu.

Điện thoại gọi đi, gọi đến liên tục. Cục pin lúc nào cũng nóng rực và rồi không thể nào nạp pin được nữa nên chúng tôi đành phải kéo một đường dây điện từ trong nhà ra ngoài đường cắm máy nạp pin trực tiếp vào đấy.

Sau này, khi về Hà Nội tôi có hỏi tổng đài Vinaphone về số máy của tôi đã gọi bao nhiêu phút trong hơn một ngày đó, thì nhận được một câu trả lời là 500 phút, quả là một con số khủng khiếp. Nhưng có một chuyện mà khiến tôi trở thành "kẻ thù" của Mobifone là khi tôi viết phóng sự "Theo chân những người đi truy lùng thủ phạm cướp hiệu vàng Kim Sinh", tôi có viết chi tiết này.

Sau đó Thiếu tướng Phạm Chuyên ra lệnh cho tất cả cán bộ, chiến sĩ CA Hà Nội phải bỏ ngay sim của Mobifone và dùng sim của Vinaphone. Không biết có mấy ngàn máy phải chuyển đổi, nhưng một số người quen của tôi làm ở Mobifone thì ghét tôi như... mẻ!

Chúng tôi kéo ra ngoài mặt đường vào đúng lúc trời nắng như đổ lửa, nóng hầm hập. Ban Giám đốc CA Tuyên Quang giao cho một tổ CSGT và CSHS của tỉnh phối hợp cùng anh em CA Hà Nội kiểm tra xe.

Một số CSGT cũng đã biết mặt Châu từ trước, từ thời kỳ hắn còn đi buôn vàng cũng được huy động đến để nhận mặt. Anh em CSHS và CSĐT thì ngồi ven đường để rình xem có chiếc xe máy nào chở một người mà khả năng bị thương ở tay trái hay không.

Hơn 15h thì việc kiểm tra được bắt đầu và tất cả những xe chạy qua cây số 5 kể cả xe khách, xe tải, xe container, xe biển xanh, biển đỏ đều bị kiểm tra. Chưa bao giờ người dân ở thị xã Tuyên Quang lại thấy các xe bị kiểm tra gắt gao như thế.

Mỗi một chiếc xe vừa đến CSGT ra hiệu lệnh dừng xe, xe vừa đỗ thì lập tức 2 CSĐT và CSHS bám hai bên trái, phải, rồi 2 người khống chế cửa lên xuống và 3 người lên xe. Những gì mà bà con hôm đó ghi nhận được, đó là những gương mặt phờ phạc, căng thẳng lên kiểm tra xe... Còn cảnh sát thì chỉ có mấy anh CSGT  là có quân phục còn tất cả anh em,  người thì áo bỏ ngoài quần, anh thì dấp nước khăn mặt ấp lên đầu đội chiếc mũ cối xùm xụp, anh thì đi dép lê, anh thì đi chân đất...

Mỗi khi hỏi lại cố  "nặn" ra nụ cười. Những hành khách nào có vóc người nhỏ bé, mặt lưỡi cày thì đều được anh em nói: "Xin lỗi anh, làm ơn cho tôi xem bàn tay trái", ngó bàn tay thấy không có vết tích gì rồi lại: "Vâng, cám ơn anh". Lúc đầu anh em còn thưa gửi, cám ơn, nhưng rồi sau mệt quá cũng quên cả những câu nói như vậy.

Rồi có những lúc Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng sai tôi: "Thôi ông cầm ảnh lên kiểm tra giúp". Thế là vai đeo máy ảnh, tôi cũng lại cầm một tấm ảnh của Châu lên xe, rồi cũng dòm, cũng ngó, cũng săm soi, cũng đọ ảnh vào mặt người ta...

Trong khi tổ chúng tôi hoạt động ở dưới Tuyên Quang thì ở trên Chiêm Hóa, tổ trinh sát do Đại úy Tuấn phụ trách cùng với CSHS của CA Đống Đa đang lao vào đào bới xới lộn các quan hệ của tên Châu. Cũng phải nói thêm rằng, trong vụ án này, CSĐT và CSHS - CA quận Đống Đa đã có đóng góp hết sức quan trọng. Chính CSĐT của CA quận cùng với CSĐT CA thành phố tìm được mối quan hệ của nạn nhân Phạm Công Thức với Châu, đó là tia sáng của vụ án.

Chiều hôm đó, chúng tôi quyết định phải kiếm cái gì ăn để lấy sức, Ban Giám đốc CA Tuyên Quang cử một đồng chí Phó giám đốc tới và yêu cầu CSGT lo nơi ăn nghỉ tươm tất cho anh em CA Hà Nội, nhưng lúc này mọi người đều phải bám mặt đường không ai còn tâm trí nào mà ăn uống cả.

Anh em CSGT bảo chúng tôi nên chuyển lên cây số 13, ở đó có nhà hàng, có quán ăn và có nhà trọ, nhưng nếu đi đến đấy thì điện thoại di động lại mất sóng cho nên chúng tôi đành phải trụ lại ở cây số 5 và sau đó chúng tôi đưa tiền cho chị chủ nhà làm một bữa cơm có thịt gà rang, có rau muống luộc và cà muối, rồi canh chua.

Cơm vừa nấu xong thì trinh sát từ trên Chiêm Hóa điện về xin tăng cường quân để khai thác các đối tượng vốn là bạn bè chiến hữu của Châu đồng thời đi xác minh một số nguồn tin. Thế là Nguyễn Thanh Hùng cùng với Đại úy Nguyễn Đức Chung và 2 trinh sát nữa lại đi Chiêm Hóa ngay. Nhìn thấy anh em hớt hải chạy lên xe, chị chủ nhà ái ngại vì biết là từ sáng tới giờ anh em chưa được hạt cơm nào vào miệng.

N.N.P.
Theo Công An Nhân Dân //