Triển khai tổ hợp môn học lựa chọn: Uyển chuyển thực hiện phù hợp với thực tế địa phương
Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, với lớp 10, ngoài các môn học bắt buộc chung, có môn học, chuyên đề học tập dành cho học sinh tự chọn.
Ảnh minh họa/INT
Có ý kiến lo lắng việc này dẫn đến xuất hiện nhiều tổ hợp và khó khăn cho nhà trường triển khai.
Chia sẻ về lý do cho phép học sinh được lựa chọn môn học ở THPT, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - cho biết: Theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giáo dục phổ thông được phân thành hai giai đoạn - giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học và THCS) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT).
Xác định tổ hợp phù hợp thực tế đội ngũ và cơ sở vật chất
- Việc cho phép học sinh được lựa chọn môn học dẫn đến có thể xuất hiện số lượng lớn các tổ hợp môn học lựa chọn và các trường sẽ khó khăn trong triển khai?
- Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2006, học sinh THPT phải học 17 môn học, hoạt động giáo dục và học theo phân ban cứng. Nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra là giảm bớt số môn học bắt buộc để học sinh không quá tải và cho phép học sinh tự lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và sở thích.
Trong Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có các chuyên gia toán học, cho nên không phải bây giờ mới tính được về mặt lý thuyết sẽ có bao nhiêu tổ hợp.
Thực ra, câu chuyện dạy học phân hóa ở cấp THPT không phức tạp đến thế. Học sinh lựa chọn môn học có nghĩa là: Chọn học các chuyên đề của 3 môn học phù hợp nhất với định hướng nghề nghiệp của mình, ví dụ: Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục kinh tế và pháp luật; chọn thêm 2 môn học ở nhóm khác, ví dụ: Sinh học, Tin học (hoặc Công nghệ, Âm nhạc) nhưng không phải học chuyên đề của các môn học này.
Còn về nhà trường thì cách làm đơn giản nhất là: Tổ chức lớp học cố định để học các môn học bắt buộc như từ trước tới nay. Tổ chức lớp học chuyên đề, xác định sĩ số mỗi lớp theo đúng quy định. Sắp xếp học sinh vào các lớp chuyên đề theo nguyện vọng; nếu số học sinh đăng ký vào một lớp vượt quá sĩ số quy định thì chuyển học sinh vào lớp chuyên đề khác theo nguyện vọng 2. Căn cứ để chọn nguyện vọng 1 là “độ dốc” của điểm thi đầu vào hoặc điểm tổng kết môn học đó ở THCS.
Phải nói thêm, trong tính toán, chúng ta không thể quên 2 dữ kiện quan trọng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của nhà trường. Làm tính mà không đủ dữ kiện thì kết quả sẽ không chính xác. Chương trình giáo dục phổ thông là chương trình xây dựng cho hàng chục năm, mở ra cho học sinh và các trường cơ hội lựa chọn các môn học phù hợp, nhưng không buộc các trường phải thực hiện ngay, vượt quá khả năng của mình và địa phương. Trên cơ sở quy định của chương trình, nguyện vọng của học sinh, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của mình, các trường sẽ xác định những tổ hợp phù hợp với thực tế.
Về phía Bộ GD&ĐT, để chuẩn bị cho công việc này, cuối năm 2020, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 5512/BGDĐT-GDTrH về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Bộ GD&ĐT cũng tổ chức 1 mô-đun để tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về xây dựng kế hoạch giáo dục. Một số sở GD&ĐT có công văn hướng dẫn rất cụ thể, rõ ràng. Cho nên, nếu các trường đã nghiên cứu kỹ công văn của Bộ/sở GD&ĐT và chuẩn bị sẵn sàng từ trước thì sẽ không lúng túng.
Về phía học sinh và phụ huynh, việc cần làm là cân nhắc để có sự lựa chọn phù hợp. Chuyển đổi từ chỗ học theo kế hoạch cố định sang tự do lựa chọn môn học dĩ nhiên ban đầu sẽ có chút bối rối, nhưng đây là cơ hội để học sinh được tự mình quyết định việc học của mình. Tôi tin rằng những bối rối này, nếu có, sẽ nhanh chóng qua đi với sự tư vấn và tổ chức phù hợp của nhà trường.
GS Nguyễn Minh Thuyết.
Giải pháp trước mắt về giáo viên
- Khi cho học sinh quyền lựa chọn sẽ xuất hiện môn được lựa chọn nhiều, môn được lựa chọn ít; từ đó việc bố trí đội ngũ sẽ khó khăn. Chưa kể hầu hết các trường hiện nay chưa có giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc. Cần giải quyết bài toán này thế nào, thưa Giáo sư?
- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đa dạng của học sinh, cả trong thời điểm hiện tại lẫn tương lai, khi điều kiện dạy và học sẽ thay đổi. Để khắc phục khó khăn trước mắt về biên chế giáo viên, cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương có thể điều động hoặc ký hợp đồng giảng dạy với giáo viên có đủ điều kiện giảng dạy những môn học này từ các cấp học khác, trường chuyên nghiệp.
Ngành Giáo dục cũng có thể cho phép học sinh học những môn này ở các trường chuyên nghiệp trên địa bàn, công nhận kết quả học tập của các em như môn học ở trường THPT. Dĩ nhiên, nếu không nhiều học sinh địa phương có nguyện vọng học các môn này thì không cần áp dụng các giải pháp nói trên.
- Vậy, trường hợp học sinh ở lớp 10 chọn một tổ hợp môn học, đến lớp 11 lại có nguyện vọng thay đổi thì giải quyết như thế nào trong đánh giá kết quả học tập của học sinh, theo Giáo sư?
- Tình huống này, Ban soạn thảo chương trình đã lường trước. Trong trường hợp này, nhà trường bảo lưu kết quả học tập của học sinh ở lớp 10 để học sinh đó được lên lớp, nếu đủ điều kiện. Nhưng để có đủ kiến thức, kỹ năng theo học các môn học ở tổ hợp mới, dĩ nhiên, học sinh đó phải học lại chuyên đề của môn học mới ở lớp 10.
- Xin cảm ơn Giáo sư!
Chương trình giai đoạn giáo dục cơ bản được thiết kế theo hướng tích hợp, nhưng phân hóa dần theo quy luật nhận thức của học sinh. Cấp THPT là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp và sở thích. Tuy nhiên, học sinh cũng không thể học quá ít môn, vì giai đoạn giáo dục cơ bản của chúng ta chỉ học 9 năm, thời lượng học ít hơn học sinh các nước nhiều (riêng 2 cấp tiểu học và THCS, học sinh Việt Nam học ít hơn các nước OECD 2.051 giờ). Do đó, các em phải học các môn công cụ: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; các môn bắt buộc theo luật (Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Giáo dục thể chất); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Nội dung giáo dục địa phương. Các em đồng thời phải chọn ít nhất 1 môn học ở mỗi nhóm môn học lựa chọn để bảo đảm giáo dục toàn diện. |