Trend "chữa lành" lạ lùng đang gây sốt
"Liệu pháp từ chối" đang lan truyền trên TikTok được cho là một cách giúp giảm lo âu và thoát khỏi nỗi sợ tâm lý.
Giữa đám đông, Michelle Panning (Mỹ) chọn mục tiêu của mình - một người đàn ông không hề quen biết - và hỏi anh ta một câu bất thường. Tay cô run rẩy khi hướng camera điện thoại vào chính mình.
"Tôi có thể mượn anh 100 USD được không?", cô hỏi.
"Không", người kia trả lời.
Cả hai đều mỉm cười và nhanh chóng đi theo hướng riêng. Panning không hề buồn. "Tôi đã làm được rồi!", cô phấn khích nói trước máy quay trong lúc bước đi.
Thực ra, Panning không thực sự muốn vay 100 USD và phản ứng của người lạ không quan trọng. Thành công của cô chính là dám đặt câu hỏi với anh ta.
Panning đã thự hiện thử thách về "liệu pháp từ chối" trong vòng 30 ngày. Ảnh: Michelle Panning.
Panning làm thử thách này dựa trên "rejection therapy" (liệu pháp từ chối), một xu hướng đang phổ biến trên TikTok, trong đó khuyến khích đặt những câu hỏi bất thường với người lạ dù biết khả năng cao sẽ nhận câu trả lời là "không".
Mục đích của trend là khiến người tham gia phải đối diện với nỗi sợ có thể nảy sinh khi biết khả năng cao bị từ chối hoặc nhận về một phản ứng tiêu cực.
Panning - huấn luyện viên về tình yêu, tình dục và các mối quan hệ cho phụ nữ - vô tình biết đến thử thách này khi xem một video trên TEDx có sự góp mặt của blogger Jia Jiang. Jiang đã viết blog về việc anh thực hiện "liệu pháp từ chối" trong 100 ngày, được truyền cảm hứng từ một trò chơi mà doanh nhân Canada, Jason Comey, phát triển.
Sau khi xem bài hùng biện của Jiang tại TEDx vào tháng 5/2015, Panning có cảm hứng muốn chứng minh cho mọi người và chính cô thấy rằng sự từ chối không hề đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ.
Trong 30 ngày của mùa hè năm nay, Panning đã thực hiện thử thách hàng ngày về "săn đuổi lời từ chối" của mình và đăng lên TikTok.
Cô đã xin ôm người lạ; hỏi cửa hàng quần áo liệu cô có thể làm ma-nơ-canh sống không; hỏi một cửa hàng nệm xem cô có thể ngủ trưa trên giường trưng bày không; và vào một cửa hàng bánh sandwich để xin tự làm chiếc bánh của mình.
Ban đầu, Panning phải tự khích lệ bản thân và chuẩn bị tinh thần cho câu trả lời mà cô nghĩ sẽ đến. Nhưng đến ngày 30, cô thoải mái hơn khi tiếp cận người lạ và hỏi những câu kỳ lạ.
Dù nhiều yêu cầu bị từ chối, Panning ngạc nhiên khi có một số người đồng ý.
"Tôi nghĩ là không biết chúng ta sẽ bỏ lỡ biết bao nhiêu thứ khi không dám hỏi, vì nỗi sợ bị từ chối", cô nói.
"Liệu pháp từ chối" được cho là có thể giúp mọi người vượt qua nỗi sợ tâm lý và tự tin hơn.
Tiến sĩ Taylor Wilmer, nhà tâm lý học lâm sàng được cấp phép có trụ sở tại Virginia (Mỹ), chuyên về liệu pháp tiếp xúc, cho biết thử thách này giống như một hình thức "trị liệu phơi nhiễm". Khi đó, bạn từ từ tiếp xúc với một tình huống gây sợ hãi và đây có thể là một bài tập tốt cho những người có mức độ lo lắng thấp.
Wilmer, hiện là giám đốc chiến lược sản phẩm lâm sàng tại InStride Health và là thành viên hội đồng quản trị của Trung tâm Lo âu xã hội quốc gia, cho rằng có những điều cần nhớ khi thực hiện thử thách này để không gây tiêu cực.
Jia Jiang gần đây đã chia sẻ với CNN rằng nghệ thuật phía sau thử thách này là đảm bảo cả hai bên đều cảm thấy vui vẻ và đối phương không cảm thấy bị áp lực phải đưa ra câu trả lời cụ thể cho một yêu cầu kỳ lạ.
"Tôi tự đặt ra cho mình ranh giới. Tôi sẽ không yêu cầu mọi người làm điều gì đó mà bản thân không muốn làm. Tôi đặt ra những nguyên tắc để không bị căng thẳng và khiến người khác thoải mái. Nhưng tôi không quan tâm đến việc mình có nhận được lời đồng ý hay không. Nếu tôi nhận được lời đồng ý, tuyệt vời, tôi sẽ làm nó. Nếu tôi nhận được câu trả lời không, vẫn rất tốt", Jiang cho hay.
Jourdan Travers, một nhà trị liệu tâm lý tại New Jersey và là người sáng lập Awake Therapy, cho biết "liệu pháp từ chối" có thể là một cách hữu ích để hiểu rõ hơn về bản thân và hiểu được cách những cảm xúc khó chịu, chẳng hạn lo lắng, có thể nảy sinh trong một số tình huống nhất định.
Nhưng nếu ai đó cảm thấy mình mắc chứng lo âu nghiêm trọng hơn, Travers khuyên nên tìm đến chuyên gia sức khỏe tâm thần thay vì ép buộc bản thân hoàn thành thử thách trên mạng xã hội.
Travers cho biết liệu pháp tiếp xúc có thể giúp mọi người thực hành kiểm soát cảm xúc khó chịu bằng cách đối diện nhiều tình huống mà sự lo lắng có xu hướng xuất hiện.
"Cảm thấy lo lắng về việc bị từ chối, cũng như cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi nói chung, là trải nghiệm hoàn toàn bình thường của con người. Những cảm xúc đó ở mức độ nhỏ, có thể kiểm soát được thực sự giúp chúng ta an toàn. Chỉ khi nỗi sợ hãi hoặc lo lắng đó trở nên quá lớn đến mức cản trở cuộc sống và điều bạn muốn làm, thì việc nhận được sự hỗ trợ từ bên ngoài là cần thiết", Wilmer nói.
Travers lưu ý rằng "liệu pháp từ chối" trên mạng xã hội sẽ gợi ra một loại cảm xúc khác với kiểu cảm xúc thường xuất hiện khi bị từ chối đơn xin việc hoặc bị người mà bạn thích từ chối.
"Vì không đạt được điều mình muốn, sự từ chối đó gây tổn thương và đau đớn. Tôi cho rằng cảm giác đó khác với khi bị từ chối thứ mà từ đầu bạn đã đoán câu trả lời là không", cô nói.
Wilmer cho biết trend này giúp mọi người thấy họ có thể xử lý cảm xúc khi bị từ chối và hiểu rằng mọi thứ sẽ không tệ như cách "bộ não lo lắng" của chúng ta nghĩ.