Trẻ co giật do sốt: Mẹ tuyệt đối không được làm điều này kẻo ân hận cả đời
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai chia sẻ, sốt ở trẻ em thường là nỗi lo lớn đối với bất cứ bà mẹ nào. Đây là lời khuyên cần thiết để hạ sốt cho trẻ.
Không nên uống thuốc chống co giật
Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, sốt cao thường mới chỉ là triệu chứng chứ chưa hẳn là bệnh. Vì sốt là phản ứng tốt của cơ thể trẻ nhỏ khi không may bị vi trùng thâm nhập.
"Nếu sốt đó không làm cho em bé chán ăn, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của cơ thể, không làm cho trẻ khó chịu thì người ta không trị sốt mà để nguyên, phần lớn các bệnh nhiễm trùng lại nhanh khỏi", TS Dũng giải thích.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp sốt cao lên làm cho bệnh nhi khó chịu, chán ăn,bứt rứt rồi lên cơn co giật, thậm chí là tím tái làm cho bố mẹ lo lắng. Đa số phụ huynh đều rất hoảng hốt dẫn đến việc sơ cứu không đúng cách. Điều này vô tình gây hại cho trẻ nhỏ, thậm chí có thể tử vong vì bị ngạt hoặc hít phải chấn nôn. Trong trường hợp chất nôn từ dạ dày trào ngược vào phổi sẽ gây viêm phổi nặng, làm tổn thương phổi rất không tốt cho sức khỏe của trẻ sau này.
Những điều mẹ không nên làm khi trẻ bị sốt: hoảng loạn, mất bình tĩnh
Theo PGS Dũng thì co giật do sốt được xếp vào co giật lành tính. Ông chia sẻ: "Thông thường như ngày xưa thấy trẻ sốt cao lành tính như vậy thì lo bại não, lo co giật… Nhưng qua khám điều trị rất nhiều rồi, chúng tôi nhận thấy hầu như sau này không ảnh hưởng đến sức khỏe”.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên, khi trẻ sốt cao, các bậc phụ huynh phải cho trẻ nằm nghiêng, nới rộng quần áo đồng thời chườm hạ sốt cho trẻ. Khi trẻ co giật sẽ kèm theo nhiều đờm dãi, thậm chí là chất nôn từ thức ăn. Nếu để trẻ nằm ngửa sẽ dễ chảy vào phổi gây tử vong do sặc phổi. Chính vì thế, đặt nghiêng để làm thông đường thở cho trẻ.
Rất nhiều trường hợp bố mẹ cho con uống thuốc động kinh, thuốc chống co giật để phòng trẻ co giật. Điều này là hoàn toàn sai lầm và cực kỳ nguy hại đến sức khỏe của trẻ. Theo PGS Dũng, hiện không có thuốc nào phòng được co giật khi sốt cao, mà hãy cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể trên 38,5 độ C. Thực tế, co giật do sốt được xếp là lành tính và không ảnh hưởng gì đến não.
Cơn co giật do sốt của trẻ thường trôi qua rất nhanh, chỉ trong khoảng vài chục giây nên cha mẹ không nên quá hốt hoảng, lo lắng. Sau khi cơn co giật qua đi, mẹ tiếp tục chườm hạ sốt, đặt viên hạ sốt vào hậu môn cho trẻ, để miếng vải cạnh miệng trẻ đề phòng lần co giật tiếp theo. Cùng lúc đó hãy đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám.
GPS Dũng khuyên cha mẹ đặt trẻ nằm nghiêng khi bị sốt
9 ĐIỀU TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC LÀM KHI TRẺ SỐT
Hai loại thuốc hạ sốt được khuyên dùng
Theo TS Dũng, thường thì trẻ sốt đến 38, 5 độ là cha mẹ rất lo lắng, mà đo nhiệt độ cho trẻ thì chỉ được đo ở nách (không cộng trừ, cứ 38,5 độ). Khi này các bác sĩ khuyên dùng 2 loại thuốc là Pracetamol hoặc Ibubrofen.
"Hai thuốc này hạ sốt tương đương nhau, tuy nhiên, các nước Châu Á khuyến cáo nên dùng Paracetamol. Còn Châu Âu thì họ ưu tiên dùng Ibuprofen… lý do vì các nước Châu Á đang có sốt xuất huyết, còn Châu Âu không có.
Nếu đang có sốt huyết mà cho trẻ dùng Ibuprofen thì càng tăng sự nguy hiểm. Vì xét nghiệm ban đầu chưa thể xác định bé có sốt xuất huyết hay không, nếu cho Ibuprofen thì làm cho sốt xuất huyết nặng thêm", TS Dũng nhấn mạnh.
Nói thêm về 2 loại thuốc nói trên, TS Dũng cho rằng rất nhiều thầy thuốc cũng sai lầm khi cho trẻ liều dùng xen kẽ.
"Có những trường hợp trẻ sốt dai dẳng, lâu khỏi. Các nhà khoa học làm nghiên cứu, cho một loại thuốc thì không hạ sốt nên bố mẹ cứ lo. Người ta mới so sánh giữa 2 loại xem thuốc nào hạ sốt nhanh hơn. Kết quả là Ibuprofen nhanh hơn, kéo dài hơn Paracetamol".
TS Dũng nói tiếp: "Tiếp theo người ta làm nghiên cứu xen kẽ lần này uống Paracetamol, lần sau uống Ibuprofen. Sau đó đến nhóm chỉ uống Paracetamol không, nhóm kia chỉ uống Ibuprofen. Kết luân lại là nhóm xen kẽ hạ sốt nhiều hơn".
Tuy vậy, TS Dũng khuyên người dân không nên cho trẻ uống xen kẽ, bởi vì có tác hại rất nhiều do liều lượng của 2 loại thuốc này khác nhau. Hoặc nếu có ngộ độc thì khó cho các bác sĩ xác định nguyên nhân.
Dùng thuốc nhét hậu môn thế nào cho đúng?
Riêng loại thuốc nhét hậu môn, TS Dũng cho biết loại thuốc này thực tế là dùng cho những em bé không uống được, hoặc uống hay nôn ra. Vì vậy người ta dùng loại thuốc này để thay thế, liều lượng cũng giống như loại thuốc uống.
"Tuy nhiên, loại thuốc nhét hậu môn có mấy nhược điểm không được bằng thuốc uống, thứ nhất là hấp thu không thường xuyên, lúc được lúc không, có thể lần này nhét vào trẻ hạ sốt rất nhanh nhưng lần sau lại không ăn thua gọi là hấp thu thất thường.
Nhược điểm thứ hai, nếu trong trực tràng của bé có phân là không tác dụng. Thứ ba là, liều cố định do không được chia viên thuốc ra làm nhiều liều, không được chia đôi…", TS Dũng phân tích.
Tóm lại, để phòng co giật ở trẻ thì phụ huynh cần phải chú ý theo dõi trẻ ngay từ khi trẻ mới sốt. Cách phòng tránh tốt nhất đó là: đưa trẻ đi khám và điều trị nguyên nhân ngay khi mới sốt, cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú nhiều lần hơn, cởi bớt quần áo, đặt trẻ nằm nơi thoáng mát và không bao giờ được ủ ấm hoặc bọc kín trẻ, phải thường xuyên theo dõi thân nhiệt bằng cách cặp nhiệt độ cho trẻ khi trẻ sốt cao. Làm mát cơ thể trẻ bằng cách lau người cho trẻ bằng nước ấm và dùng thuốc hạ nhiệt khi nhiệt độ cơ thể lên quá 38.5 độ C.
Bé bị sỏi thận do cách pha sữa sai lầm của bố mẹ