TP.HCM chuẩn bị 4 kịch bản, bao gồm cả tình huống xấu nhất là bùng dịch
Theo lãnh đạo của Sở Y tế TP.HCM, hiện ngành y tế đã chuẩn bị 4 kịch bản, bao gồm cả tình huống xấu nhất là dịch bùng phát như thời gian qua.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo NLĐ)
Hơn 50% ca tử vong ở TP.HCM chưa được tiêm vắc xin Covid-19
Theo nguồn báo Thanh Niên, tối 12/11, tại chương trình livestream “Dân hỏi - Thành phố trả lời” với chủ đề phòng, chống dịch Covid-19 khi tình hình có dấu hiệu phức tạp trở lại, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết số ca mắc Covid-19 những ngày gần đây gia tăng, 5 địa phương đứng đầu gồm: H.Bình Chánh, H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.12 và TP.Thủ Đức.
Tính từ ngày 7 – 12/11, TP.HCM ghi nhận số ca mắc mỗi ngày đều trên 1.000 ca, trong đó cao nhất là ngày 10/11 ghi nhận 1.414 ca nhiễm, còn ngày 12/11 là 1.388 ca.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, đây là kết quả tất yếu khi TP mở cửa, bỏ giãn cách xã hội. Quan điểm của ngành y tế là thích ứng linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19.
“Chúng ta sẽ sống chung với vi rút SARS-CoV-2 chứ không phải sống chung với dịch. Nếu chúng ta để dịch quay trở lại, bệnh nặng và chết người thì không được”, ông Châu nói, đồng thời hy vọng với tỷ lệ tiêm vắc xin bao phủ và hệ thống y tế được củng cố sẽ là tiền đề quan trọng cho giai đoạn tới.
Theo thống kê, số ca tử vong ở TP.HCM những ngày gần đây gia tăng, từ ngày 7 - 12/11 đều trên 35 ca/ngày, trong đó cao nhất là ngày 10/11 có 43 ca, còn ngày 12/11 có 42 ca. Phân tích số liệu tử vong những ngày gần đây, Sở Y tế ghi nhận số ca tử vong tăng so với trước, đa số là người lớn tuổi (trên 65 tuổi), có bệnh nền. Trong đó, khoảng 50% chưa được tiêm vắc xin vì đây là những người có bệnh nền, thậm chí bị tai biến mạch máu não, nằm một chỗ trong thời gian dài.
“Cũng có trường hợp người lớn tuổi đã được tiêm vắc xin nhưng có thể do cơ địa yếu, đáp ứng vắc xin thấp dẫn đến tử vong. Như vậy, nếu cứ để F0 tăng lên thì số ca nặng cũng tăng lên tương ứng dù thấp hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Đây là điều rất đáng lo”, ông Châu đánh giá.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho hay hiện ngành y tế đã chuẩn bị 4 kịch bản, bao gồm cả tình huống xấu nhất là dịch bùng phát như thời gian qua, tuy nhiên không ai mong muốn quay lại thêm một lần nữa. Ngoài các bệnh viện dã chiến cấp TP thì các quận, huyện và TP.Thủ Đức cũng đang thành bệnh viện dã chiến cấp quận tiếp nhận F0 không thể cách ly tại nhà; các khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành các khu cách ly ở khu công nghiệp dành cho F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.
Thành phố sẽ siết chặt hoạt động nếu dịch Covid-19 chuyển màu cam
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi . (Ảnh: Cổng TTĐT TP.HCM)
Theo nguồn Cổng thông tin điện tử TP. HCM, ngày 12/11, trao đổi với báo chí bên lề phiên chất vấn tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, khi dịch Covid-19 giảm, vùng xanh được mở rộng, các hoạt động sẽ được mở nhiều hơn, còn khi dịch xấu đi thì bắt buộc các hoạt động cần hạn chế lại.
Trước câu hỏi liệu rằng TP có siết chặt khi dịch bệnh gia tăng, ông Mãi cho biết tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ đã khẳng định rất rõ là phải thực hiện thích ứng an toàn. Do vậy, độ mở của các hoạt động kinh tế, xã hội tùy thuộc vào tình trạng dịch bệnh. Nếu tình hình dịch giảm, tức màu xanh rộng hơn, tốt hơn thì hoạt động nhiều hơn; còn nếu màu vàng, cam, đỏ thì hoạt động sẽ giảm đi.
Trước xu hướng dịch bệnh phức tạp, biện pháp trước mắt của TP là từng địa phương phải theo dõi sát, đưa ra các phương án khi nhìn thấy dấu hiệu bất thường "Công tác phòng, chống dịch Covid-19 của TP HCM vẫn diễn ra hằng ngày, ngành y tế đã có hướng dẫn cụ thể trong vấn đề xử lý khi xuất hiện F0. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 vẫn theo dõi sát tình hình tại TPHCM và đưa ra chỉ đạo" – Chủ tịch UBND TPHCM cho biết.
Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh tinh thần là dịch Covid-19 tại TPHCM và các địa phương vẫn diễn biến phức tạp nên TPHCM luôn phải chủ động trong phòng, chống dịch, không lơ là và coi đây là việc thường xuyên.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng cho hay, hiện TPHCM có kế hoạch để củng cố hệ thống y tế nói chung gồm y tế cộng đồng, y tế điều trị, y tế phục hồi. Trong đó, hệ thống y tế cơ sở phải được củng cố. Cụ thể, ở Trạm y tế sẽ củng cố lãnh đạo trạm, bổ sung cán bộ y tế cho đủ, cơ chế chính sách cho trạm hoạt động. Hiện TP đang tiếp cận theo hướng đưa Trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện, Trạm y tế về quận, huyện quản lý.
Về nhân lực cho y tế cơ sở, vừa qua Sở Y tế có kế hoạch ở mỗi phường thành lập một Trạm y tế lưu động. Sở Y tế sẽ cử 1 cán bộ y tế ở bệnh viện cấp TP về làm nòng cốt và cán bộ cơ sở tham gia vào. Sau này, TPHCM sẽ có cơ chế là sinh viên tốt nghiệp ở các trường y sẽ đưa về công tác tại Trạm y tế trong một thời gian nhất định để bổ sung nhân lực cho cơ sở.