Tổng Bí thư: 'Lò đã nóng rực', chống tham nhũng đến cùng, không bỏ giữa chừng

13-05-2018 14:36:03

Lắng nghe ý kiến về đấu tranh phòng chống tham nhũng tại buổi tiếp xúc cử tri sáng 13-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ chống tham nhũng đang thành xu thế, "lò đã nóng rực" và chắc chắn làm đến cùng.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới nơi tiếp xúc cử tri - Ảnh: Văn Duẩn

Sáng 13/5, tại đơn vị bầu cử số 1 (quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Tây Hồ) TP Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội (QH) khoá XIV.

"Phải chăng Đảng buông lỏng kiểm tra?"

Mở đầu, cử tri Trần Viết Hoàn (phường Vĩnh Phúc) bày tỏ kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tình hình đất nước có niềm vui, niềm tin khi GDP tăng trưởng 6,81%, mức tăng trưởng cao nhất trong vài năm trở lại đây. Đặc biệt, nhiều quan chức từ lớn đến nhỏ, lợi ích nhóm, ức hiếp dân lành, vơ vét, đục khoét ngân sách, làm giàu bất chính… đã bị xử lý, phải ra "vành móng ngựa". 

"Nhân dân nức lòng khi được nghe lời Tổng Bí thư nói "ai nhụt chí thì đứng sang một bên để cho người khác làm", đi liền với lời nói là việc làm, quyết tâm của Tổng Bí thư nên mới đưa ra xử lý được hàng loạt các vụ án lớn" - cử tri Hoàn bày tỏ.


Cử tri Trần Viết Hoàn bức xúc khi tội phạm nghiêm trọng vẫn thăng tiến cao về quyền lực - Ảnh: Hoài Dương

Tuy nhiên, theo vị cử tri, qua các vụ án lớn, các vụ xử lý kỷ luật cán bộ thời gian qua, người dân vẫn còn nhiều "suy tư". Bởi lẽ, nhiều vụ phạm tội diễn ra từ những năm 2009, 2010, thậm chí từ 2003 nhưng đến nay mới bị xử lý. Dẫn ví dụ cụ thể, cử tri Hoàn nêu một số vụ như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh xảy ra từ năm 2003 hay nhiều vụ tội phạm rất nghiêm trọng nhưng vẫn thăng tiến, thậm chí thăng tiến cao về quyền lực, điển hình như ông Đinh La Thăng…

Từ đó, cử tri Trần Viết Hoàn đặt một loạt câu hỏi: "Phải chăng Đảng buông lỏng kiểm tra, thanh tra và liệu có người chống lưng? Phải chăng công tác quản lý cán bộ nói chung, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý, trong đó có việc đưa cán bộ vào cấp chiến lược nói riêng còn quá xem nhẹ, hời hợt? Hai tiêu chí tối cần thiết là đức, tài đối với người được bổ nhiệm còn bị xem thường?".

Ông Hoàn cũng nói thêm: "Nhìn vào những vụ án, những vụ bị xử lý kỷ luật trong thời gian gần đây, thấy người phạm tội hầu như là cán bộ thuộc hàng ngũ cấp cao ở Trung ương, địa phương, ở các ngành. Điều đó cho thấy mức độ tham nhũng leo thang. Tham nhũng là giặc nội xâm, sự tàn phá ghê sợ của nó làm dân mất lòng tin vào Đảng, vào chế độ, dẫn đến nguy cơ mất Đảng, mất nước".


Nhiều ý kiến tâm huyết đã được cử tri nêu ra với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chỉ ra thực tế hàng ngàn hàng tỉ đồng tiền thuế của dân và nhiều tài sản khác đã bị giặc tham nhũng vơ vét, cử tri Hoàn mong muốn Đảng, Nhà nước lấy lại số tiền đó để chăm lo đời sống cho dân, để không tạo gánh nặng phải đóng thuế tài sản, không phải chịu cảnh lương bèo bọt 1-2 triệu đồng/tháng, không phải lo vỡ quỹ bảo hiểm xã hội…

"Người dân đề nghị cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, hãy khắc sâu lời dạy của Bác Hồ là làm việc nước phải hi sinh, phấn đấu quên lợi riêng, nghĩ lợi chung, vì lợi nước, quên lợi nhà" - ông Hoàn kết thúc phần nêu ý kiến.

Cử tri Nguyễn Thị Bích Hợp (phường Hàng Đào) cũng cho hay cử tri và nhân dân cả nước rất quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng của Trung ương, nạn phá rừng, tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, phòng cháy, chữa cháy… Bà đề nghị QH, đại biểu QH tiếp tục giám sát cán bộ liên quan đến tài chính để họ không có cơ hội tham nhũng.

"Nhân dân mong đợi Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) giải quyết được tài sản bất minh, thu hồi được tài sản tham nhũng. Sửa đổi luật này để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng, không dám tham nhũng" - cử tri Nguyễn Đức Mạnh (phường Cửa Đông) bày tỏ.


Tổng Bí thư lắng nghe ý kiến cử tri - Ảnh: Hoài Dương

Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ) nêu thực tế dù tổ chức kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên đã nhiều năm nhưng hiệu quả rất thấp, chỉ đến khi báo chí phát hiện hoặc pháp luật "rờ" đến mới thấy tài sản "khủng"!

"Người dân có quyền đòi hỏi những cán bộ lãnh đạo ưu tú của Đảng, những người đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, phải trong sạch, phải gương mẫu. Vì vậy, khi Đảng yêu cầu, anh phải có trách nhiệm giải trình nguồn gốc tiền của anh ở đâu ra và phải có một sự giải trình nghiêm túc chứ không phải theo kiểu "buôn chổi đót xây biệt phủ" - ông Thịnh nói.


Ông Nguyễn Khắc Thịnh đặt vấn đề làm thế nào chuyển lửa chống tham nhũng về địa phương để không còn "trên nóng, dưới lạnh"

Ngoài ra, cử tri Thịnh còn chỉ ra thực trạng việc chống tham nhũng ở Trung ương làm rất mạnh, "lò cháy đùng đùng", nhưng ở địa phương im ắng, "làm cho qua chuyện". "Người dân phản ứng mạnh buộc Trung ương phải vào cuộc như những vụ ở Quảng Nam, Thanh Hóa. Đó là trên nóng, dưới lạnh. Để chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất, chỉ riêng Trung ương làm chưa đủ, rất cần có sự chung tay của các địa phương. Tôi có một câu hỏi là vì sao có hiện tượng trên nóng, dưới lạnh, làm thế nào để chuyển lửa về địa phương" - ông Thịnh bày tỏ bức xúc.

"Lò đã nóng rực"

Lắng nghe ý kiến cử tri về nhóm vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh nếu không có sự ủng hộ của toàn bộ nhân dân thì cuộc đấu tranh không thành công. "Vừa qua, làm được là có sự đồng thuận rất lớn của xã hội, nhân dân thường xuyên khích lệ, những thành quả làm nức lòng dân tạo thêm niềm tin, củng cố quyết tâm làm tốt cuộc đấu tranh này" - Tổng Bí thư nêu rõ.


Tổng Bí thư khẳng định phong trào chống tham nhũng đang thành xu thế, "lò đã nóng rực"

Cũng theo Tổng Bí thư, công tác chống tham nhũng là rất quan trọng, cần làm quyết liệt nhưng không phải "nhăm nhăm chống". Ngược lại, "không chỉ chống mà lâu dài là xây". "Chúng ta phải xây để ngăn ngừa, răn đe đừng xảy ra tham nhũng. Nếu ai đã trót nhúng chàm thì gột rửa đi là tốt nhất. Đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải cứ chống… Cái chính là phải nhận ra sai lầm, đặc biệt thu hồi được tài sản, không để thất thoát, bần cùng bất đắc dĩ mới phải xử lý tử hình. Vừa kiên quyết nhưng phải nhân ái, nhân đạo… chứ không phải đánh cho một đòn chết tươi" - Tổng Bí thư lưu ý.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay, phong trào chống tham nhũng đang phát triển thành xu thế, "lò đã nóng rực" và còn nhiều việc phải làm. Với đà này, Tổng Bí thư tin tưởng chắc chắn sẽ làm đến cùng, không bỏ giữa chừng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý phát huy vai trò giám sát của QH, HĐND các cấp, vai trò giám sát của nhân dân, tập thể chi bộ… để mọi người không dám, không thể và không cần tham nhũng.

Liên quan đến vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư nhắc lại vừa qua, Trung ương chỉ đạo tiết kiệm rất lớn. Ngoài ra, thu hồi tài sản nhiều hơn nữa cũng là vấn đề cần quan tâm. "Cử tri hối làm sao thu hồi tài sản nhiều hơn nữa? Hiện nay, đã khuyến khích theo hướng này. Riêng vụ MobiFone mua AVG gây thiệt hại cho nhà nước 8.800 tỉ đồng, đơn vị mua đang hứa trả lại toàn bộ tiền, trên thực tế đã thu hồi được 8.500 tỉ đồng rồi" - Tổng Bí thư nói và cho biết một số vụ án gần đây, một loạt bị cáo cũng xin nộp lại tiền để giảm án.

Nhắc đến vụ án tham nhũng, buông lỏng quản lý gây hậu quả nghiêm trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Lần trước, khi tiếp xúc cử tri, các cử tri cho rằng xử lý Đinh La Thăng nhẹ quá. Nhưng bây giờ, bị cáo Đinh La Thăng đang nhận án 30 năm tù, khai trừ ra khỏi Đảng. Cho nên, mọi việc phải làm theo các bước" - Tổng Bí thư trả lời rõ kiến nghị của cử tri từ các kỳ tiếp xúc trước.


Xem thêm: 
Đại úy công an - chủ 'biệt phủ' 5000 m2 không phép lên tiếng được "anh em tạo điều kiện"

Phương Nhung - Văn Duẩn
Theo Người lao động //