Tổn thất lên đến mức nghiêm trọng, đã đến lúc Kiev muốn đàm phán?

28-11-2024 10:46:02

Một tờ báo Anh mới đây cho biết, tổn thất nhân lực của lực lượng Ukraine trong cuộc xung đột với Nga đã lên đến mức nghiêm trọng.

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak.

Tổn thất nhân lực của Ukraine lên đến mức nghiêm trọng

Theo ấn phẩm The Economist của Anh, kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine vào năm 2022, từ 60 đến 100 nghìn binh lính của Lực lượng vũ trang Kiev đã thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 400 nghìn quân nhân bị thương nặng, khiến họ không còn cơ hội tiếp tục tham gia các hoạt động quân sự.

The Economist trích dẫn các tính toán theo đó cứ mỗi binh lính tử trận thì có 6-8 người bị thương nặng. Do đó, một tỷ lệ đáng kể nam giới trong độ tuổi chiến đấu đã tử trận hoặc không còn khả năng tiếp tục chiến đấu.

Theo ấn phẩm, tình hình có tác động nghiêm trọng đến sự ổn định về mặt dân số và kinh tế của Ukraine. Hầu như cứ 20 người đàn ông trong độ tuổi nhập ngũ thì đều bị giết hoặc bị thương nghiêm trọng đến mức không thể huy động được nữa.

Các nhà phân tích lưu ý rằng, những mất mát như vậy không chỉ gây ra tác động về mặt nhân khẩu học mà còn cả về mặt tâm lý cho xã hội Ukraine.

Ukraine có thể thay đổi lập trường về các điều khoản đàm phán với Nga

Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, mới đây cho biết, Kiev có thể thay đổi lập trường của mình về các điều khoản đàm phán với Nga.

Theo báo cáo của tạp chí Thụy Điển Dagens Industri, ông Yermak lưu ý rằng, cuộc thảo luận có thể bắt đầu ngay cả khi quân đội Nga không rút về biên giới năm 1991, như phía Ukraine đã nhấn mạnh trước đó.

"Các cuộc đàm phán hiệu quả chỉ có thể diễn ra khi cả hai bên đều sẵn sàng chấm dứt thù địch. Trong trường hợp này, tình hình ít nhất phải trở lại trạng thái ngày 23/2/2022", ông Yermak nói, nhấn mạnh rằng, cách tiếp cận này có thể trở thành cơ sở cho một giải pháp ngoại giao.

Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã đưa ra công thức hòa bình gồm 10 điểm để đi đến chấm dứt xung đột với Nga. Trong số các điểm của công thức hòa bình này có yêu cầu Nga rút hết quân khỏi lãnh thổ Ukraine, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine và bồi thường cho chiến tranh cho Kiev.
Tuy nhiên, những lời nói mới đây của Người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine cho thấy sự mềm mỏng hơn của lập trường này.

Các chuyên gia cho rằng, sự thay đổi trong lời lẽ là do tình hình quân sự hiện tại, tổn thất đáng kể và áp lực từ các đối tác phương Tây kêu gọi bắt đầu một tiến trình hòa bình.

Những phát ngôn của ông Yermak đã gây ra tiếng vang rộng rãi trong giới quốc tế.

Một số nhà phân tích tin rằng, lập trường này phản ánh mong muốn của Ukraine thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp, có thể được sử dụng làm lập luận trong các cuộc đàm phán với các đồng minh phương Tây để tăng viện trợ quân sự và kinh tế.

Các chuyên gia khác lưu ý rằng, những lời nói như vậy có thể được Moscow coi là dấu hiệu cho thấy lập trường của Ukraine đang suy yếu

Hoàng Vân
Theo Giáo dục & Thời đại //