Tình hình tội phạm ma túy phức tạp trước thềm Tết Nguyên đán

27-01-2022 10:50:59

Lợi dụng thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn liều lĩnh, tinh vi. Tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ các vụ tàng trữ, buôn bán ma túy với số lượng lớn.

Vừa qua, ngày 25/1/2022, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Hà Tĩnh, Công an huyện Vũ Quang đồng chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan tỉnh Hà Tĩnh và các đơn vị có liên quan phá thành công chuyên án, triệt phá 1 đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 1kg ma túy tổng hợp dạng đá, 8kg ma túy karamine, 2 viên hồng phiến và tang vật liên quan.

Đối tượng bị bắt quả tang khi đang vận chuyển trái phép chất ma túy.

Đối tượng đã lợi dụng những ngày giáp Tết Nguyên đán để mua bán, vận chuyển ma túy và có hoạt động cấu kết với nhóm đối tượng người Lào ở khu vực giáp biên để vận chuyển ma túy với số lượng lớn vào địa bàn Hà Tĩnh, sau đó đua đi các tỉnh phía Nam tiêu thụ.

Đây là một trong những vụ án bắt giữ số lượng lớn ma túy trong dịp cuối năm nay. Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) vừa qua cũng triệt phá thành công vụ án hai chú cháu ruột tàng trữ trái phép chất ma túy. Cụ thể, tang vật thu giữ trên người đối tượng Phan Văn Phúc (sinh năm 2001) là 02 gói ni lông, bên trong chứa 99 viên ma túy tổng hợp (hồng phiến). Mở rộng điều tra, khám xét nhà của đối tượng, cơ quan chức năng thu giữ thêm 185 viên ma túy tổng hợp. Tổng số lượng thu giữ trong chuyên án này là 284 viên tổng hợp. Đáng nói, đối tượng Phúc khai nhận là một mắt xích trong đường dây bán lẻ ma túy của Phan Văn Long – chú ruột Phúc.

Việc phá thành công các chuyên án liên quan đến ma túy trong dịp ma túy tại các địa phương góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự, để người dân trên cả nước an tâm đón Tết. Những năm gần đây, việc lạm dụng các loại ma túy ở Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung, đã gây ra nhiều hệ lụy cho đời sống – xã hội. Tính riêng trong năm 2021, lực lượng C04 đã bắt giữ 26.193 vụ, 38.270 đối tượng; thu giữ hơn 680 kg heroin; hơn 2,7 tấn và 2,3 triệu viên ma túy tổng hợp; hơn 990 kg cần sa; hơn 140 kg thuốc phiện, 274 khẩu súng, hàng trăm viện đạn, hơn 23 tỷ đồng cùng nhiều vật chứng có liên quan.

Trước thực trạng tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, thanh thiếu niên được coi là đối tượng dễ bị dụ dỗ, lôi kéo nhất. Thực tế cho thấy, việc sử dụng ma túy tổng hợp trong giới trẻ có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt trong thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán. Tại các quán hát, quán bar, nhà nghỉ… dịp nghỉ Tết thường là các tụ điểm phổ biến để các đối tượng tập trung, lôi kéo nhau sử dụng ma túy. Điều đáng nói, các loại ma túy tổng hợp xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều hình dạng khác nhau, kích thước nhỏ, giống hình viên thuốc, hạt muối… nên rất dễ tiêu thụ, vận chuyển và sử dụng.

Để ngăn chặn và đẩy lùi ma túy xâm nhập vào giới trẻ thì rất cần có sự quản lý, giáo dục từ chính mỗi gia đình và sự quan tâm phối hợp, chung tay góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, tạo cho thanh, thiếu niên có một môi trường sống lành mạnh và an toàn. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thanh thiếu niên nâng cao nhận thức pháp luật, hiểu rõ tác hại của ma túy và các thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn bán ma túy. Từ đó có ý thức tham gia phòng, chống, tạo sức mạnh tổng hợp, từng bước đẩy lùi ma túy.

Cần đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên

Trong năm vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã rất tích cực triển khai các hoạt động phòng chống ma túy, đặc biệt là công tác tuyên truyền về tác hại của ma túy cho học sinh, sinh viên. Một số địa phương như Lạng Sơn, Long An, Đắk Nông, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Đắk Lắk, Bắc Giang… là những địa phương đi đầu trong việc thực hiện kế hoạch 599 của Bộ GD&ĐT, thực hiện các nhiệm vụ phòng chống ma túy, mại dâm trong trường học. Khoảng 20.000 học sinh, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cán bộ Đoàn, Đội của các trường trên địa bàn 7 địa phương đã được tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội với 31 chương trình được tổ chức hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đã có 10.566 cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh tại các tỉnh Lạng Sơn, Long An, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Đăk Lắk.

Ngoài ra, để công tác phòng chống ma túy đạt hiệu quả cao, cần tăng cường đấu tranh triệt xóa, không để hình thành tụ điểm phức tạp về ma túy, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân; tổ chức có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy; đưa ra truy tố, xét xử lưu động các vụ án về ma túy tại các địa bàn phức tạp để nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật và răn đe các đối tượng phạm tội.

PV
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //