Tin vui cho người tiêu dùng: Mỗi cá nhân được đăng ký trên 3 SIM/mạng

11-05-2017 19:00:00

Với 3 số thuê bao đầu tiên, người mua SIM chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao, từ số thuê bao thứ 4 trở lên mới cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.

Nghị định 49/2017/NĐ – CP vừa được ban hành quy định không hạn chế số lượng SIM trả trước đối với mỗi người, tổ chức sử dụng. Với 3 số đầu, người mua SIM chỉ cần xuất trình giấy tờ và ký xác nhận thông tin thuê bao; từ số thuê bao thứ 4 trở lên, cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông.

Người mua SIM cần ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông nếu mua 4 SIM. Ảnh minh họa

Việc giới hạn mỗi cá nhân chỉ được sử dụng 3 SIM/mạng và mỗi doanh nghiệp không được sử dụng quá 100 SIM/mạng được quy định từ năm 2012 để quản lý thuê bao di động trả trước, nhằm hạn chế việc thành lập doanh nghiệp “ma” nhằm đăng ký hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường.

Tại thời điểm đó, nhiều đại lý đã dùng cách đứng tên doanh nghiệp rồi đăng ký hàng nghìn SIM bán ra thị trường để “lách” quy định hạn chế 3 SIM/mạng/người. Thực tế, nhiều doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra 2 triệu đồng để làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân, rồi từ đó đăng ký chuyển số SIM mà họ đang sở hữu cá nhân sang sở hữu của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đại diện Cục Viễn thông khẳng định, với những biện pháp mạnh mẽ siết chặt quy định quản lý thuê bao trả trước, những quy định cột chặt trách nhiệm của nhà mạng trong việc đăng ký thông tin thuê bao kèm theo các chế tài xử phạt nặng, không nhất thiết sử dụng đến biện pháp hạn chế SIM/khách hàng/mạng mà vẫn có thể giải quyết được vấn nạn SIM rác và tin nhắn rác.

Cụ thể, với các doanh nghiệp viễn thông di động không thông báo hoặc không yêu cầu các thuê bao thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung khi phát hiện thông tin thuê bao không đúng quy định sẽ phạt tiền từ 80-100 triệu đồng.

Cửa hàng bán SIM di động trái quy định có thể bị phạt hàng chục triệu đồng. Ảnh minh họa

Đồng thời, nghị định 49/2017/NĐ-CP  quy định SIM thuê bao di động chỉ được cung cấp tại các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Như vậy, chỉ có 3 trường hợp được bán SIM di động gồm điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ xác định do nhà mạng xác lập, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông lưu động do nhà mạng xác lập và điểm cung cấp dịch vụ viễn thông có địa chỉ do doanh nghiệp khác lập nhưng được nhà mạng ủy quyền.

Để trở thành 1 trong 3 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông được bán SIM phải đáp ứng nhiều điều kiện như có đủ trang thiết bị để nhập thông tin trên giấy tờ của cá nhân, tổ chức, chụp ảnh người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, thiết bị số hóa giấy tờ. Phải niêm yết công khai hợp đồng với nhà mạng theo mẫu, có các thông tin tối thiểu như điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, tên hoặc thương hiệu của nhà mạng, nhân viên phải được đào tạo…

Hành vi bán SIM thuê bao di động khi không được nhà mạng ký hợp đồng ủy quyền sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng.

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus //