Tin tức thế giới 24h nóng nhất, mới nhất ngày hôm nay 6/3/2019
Tin tức thế giới 24h nóng nhất, mới nhất ngày hôm nay 6/3/2019.Tin tức an ninh Thế Giới nóng nhất trong ngày về tình hình chính trị, sức mạnh vũ khí quân sự, kinh tế các nước.
Ấn Độ bắn hạ máy bay không người lái của Pakistan
Su-30MKI của Ấn Độ đã bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan đi lạc qua biên giới, khoét sâu thêm căng thẳng giữa hai nước.
Truyền thông Ấn Độ đưa tin tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ (IAF) đã bắn hạ một máy bay không người lái của Pakistan bằng tên lửa không đối không gần Bikaner ở bang Rajasthan, phía bắc Ấn Độ, cách không xa biên giới với Pakistan, báo cáo dẫn nguồn tin giấu tên cho biết.
Đây là nỗ lực thứ 2 của Pakistan để gửi máy bay không người lái qua bên kia biên giới với Ấn Độ trong 6 ngày qua, sau khi một máy bay của Pakistan bị bắn hạ hôm 27/2, hãng tin Press Trust of India (PTI) đưa tin.
Không có bình luận chính thức từ 2 phía. Tuần trước, 2 cường quốc hạt nhân của châu Á đã có cuộc xung đột nghiêm trọng trong nhiều thập niên trở lại đây, sau khi phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) đánh bom tự sát vào một trại lính Ấn Độ khiến 44 binh sĩ thiệt mạng.
Phiến quân JeM có trụ sở tại Pakistan đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công xảy ra vào ngày 14/2. 12 ngày sau đó, Không quân Ấn Độ đã ném bom vào khu vực mà New Delhi gọi là trại huấn luyện khủng bố nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan.
Ngày 27/2, máy bay của Pakistan đã bay vào không phận Ấn Độ. Máy bay chiến đấu của hai nước đã tham gia vào cuộc không chiến. Ít nhất một máy bay của Ấn Độ đã bị bắn hạ và một phi công bị Pakistan bắt giữ.
Viên phi công Ấn Độ đã được trả tự do vào ngày 1/3, trong cái mà Thủ tướng Pakistan Imran Khan gọi là “cử chỉ hòa bình”, nhằm làm giảm căng thẳng giữa hai nước và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Tuy vậy, quân đội hai nước vẫn tiếp tục pháo kích qua bên kia đường kiểm soát chung ở khu vực tranh chấp Kashmir khiến nhiều thường dân thiệt mạng. Các vụ pháo kích tiếp diễn đến ngày 4/3, nhưng không có thương vong mới được báo cáo bởi 2 phía.
Lực lượng an ninh Ấn Độ đã bắt giữ hàng trăm nhà lãnh đạo và các nhà hoạt động ly khai ở Kashmir. Các nhóm ly khai đã tham gia vào cuộc đấu súng chết người với lực lượng an ninh Ấn Độ.
Kashmir là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ khi 2 nước giành độc lập từ thực dân Anh vào năm 1947. Hai nước đã xảy ra 4 cuộc chiến, 3 trong số đó vượt qua khu vực tranh chấp ở Kashmir. Quân đội 2 nước thường xuyên xảy ra đấu súng trên đường kiểm soát chung.
Các cuộc nổi dậy vũ trang ở Kashmir từ cuối những năm 1980 mà Ấn Độ cáo buộc do Pakistan hậu thuẫn đã giết chết hàng chục nghìn người, chủ yếu là thường dân. Islamabad nhiều lần phủ nhận cáo buộc này.
“Quân đội Ấn Độ đã thể hiện bản lĩnh và sức mạnh. Các bạn ạ, tôi không thể chờ đợi quá lâu. Đó là bản chất của tôi để giải quyết vấn đề. Họ (phiến quân) đã giết người vô tội trong bao lâu. Nguyên tắc của chúng ta là sẽ vào nhà của họ để loại bỏ mối đe dọa”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói.
Nga tung cảnh báo triển khai tên lửa tầm bắn bao trùm cả châu Âu
Trong bài phát biểu tại Trung tâm Stimson ở Washington, DC hôm 4.3, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho biết: "Chúng tôi lo ngại Mỹ sau khi quyết định rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) có thể sẽ bố trí triển khai tên lửa trên lãnh thổ các đồng minh châu Âu. Chúng tôi sẽ buộc phải triển khai tên lửa và các bạn sẽ thấy toàn bộ lãnh thổ châu Âu nằm trong tầm ngắm."
Nga có thể sẽ triển khai tên lửa có tầm bắn bao trùm toàn bộ châu Âu.
Đại sứ Nga tại Mỹ cũng nói thêm Mỹ và Nga đang hướng đến hợp tác cùng nhau trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hồi tháng 12, trong các cuộc hội đàm tại Vienna, Áo, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Sullivan và người đồng cấp Nga Oleg Vladimirovich Syromolotov đã nhất trí hai bên sẽ tiếp tục thảo luận để xem xét về việc hợp tác chống khủng bố nữa hay không.
Quan hệ giữa Mỹ và Nga đang ở mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ xấu đi kể từ khi Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Trong khi đó, Nga nhiều lần phủ nhận các cáo buộc.
Nhiều tháng trở lại đây, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Serge Ryabkov và Hạ nghị sĩ Mỹ Thomas Shannon đã tổ chức nhiều vòng đàm phán về ổn định chiến lược, cải thiện quan hệ song phương và các vấn đề liên quan đến tài sản ngoại giao của Nga tại Mỹ.
Mỹ đang tính toán trừng phạt mới chống lại Triều Tiên
Mỹ đang nghiên cứu các phương án để tăng cường biện pháp trừng phạt chống lại Triều Tiên, nếu nước này không thực hiện phi hạt nhân hóa, - Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Mỹ là John Bolton tuyên bố.
"Chúng tôi sẽ xem xét các giải pháp tiềm năng mà Triều Tiên có thể thực hiện — họ định đàm phán nghiêm túc hay không, liệu họ có muốn quay lại với chúng tôi hay không và liệu họ có cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và các chương trình liên quan hay không", ông Bolton nói trên kênh Fox News Business.
"Nếu họ không muốn làm điều này, thì tôi nghĩ Tổng thống Trump đã nói rõ là họ sẽ không thoát khỏi lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt chống Triều Tiên. Chúng tôi đang nghiên cứu khả năng tăng cường các biện pháp trừng phạt này", cố vấn của Tổng thống Mỹ nói thêm.
Mỹ điều pháo đài bay B-52 đến gần các đảo ở Biển Đông
Hãng tin CNN dẫn tuyên bố từ lực lượng này nêu rõ: "Hai máy bay ném bom B-52H đã khởi hành từ căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam và tham gia các hoạt động huấn luyện định kỳ ngày 4.3. Một máy bay ném bom đã thực hiện chuyến bay huấn luyện ở khu vực lân cận Biển Đông trước khi trở lại đảo Guam, trong khi đó, chiếc còn lại bay ở khu vực gần Nhật Bản, phối hợp với Hải quân Mỹ và Không quân Nhật Bản trước khi trở lại Guam".
Hoạt động nêu trên là một phần trong sứ mệnh kéo dài mang tên "Duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom" của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nhằm củng cố khả năng sẵn sàng ứng phó của lực lượng này. Tuyên bố cũng nêu rõ, các chuyến bay đều được tiến hành phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mặc dù Mỹ thường xuyên triển khai máy bay ném bom thực hiện các chuyến bay định kỳ gần khu vực Biển Đông, nhưng đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2018, nước này sử dụng máy bay B-52 có năng lực hạt nhân.
Mỹ đã luân phiên điều các máy bay ném bom B-1, B-52 và B-2 ra khỏi căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để thực hiện các chuyến bay trong khuôn khổ sứ mệnh "Duy trì sự hiện diện của máy bay ném bom" kể từ năm 2004. Sự hiện diện quân sự của Mỹ gần những khu vực trên Biển Đông đã khiến Trung Quốc lo ngại.