Tin tức thế giới 24h nóng nhất, mới nhất ngày hôm nay 3/3/2019
Tin tức thế giới 24h nóng nhất, mới nhất ngày hôm nay 3/3/2019 , Tin tức an ninh Thế Giới nóng nhất trong ngày về tình hình chính trị, sức mạnh vũ khí quân sự, kinh tế các nước.
Nhiều nước EU muốn hoãn Brexit: Tương lai vẫn xấu cho Anh
Sky News ngày 2/3 đăng tải thông tin cho biết Slovenia và nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ gia hạn thời điểm diễn ra thỏa thuận Brexit - Anh rời EU dự kiến vào ngày 29/3 tới.
Tổng thống Slovenia Borut Pahor, đang ở thăm Anh, khẳng định: "Slovenia và nhiều nước châu Âu khác muốn cho Anh một cơ hội nhằm tránh một kịch bản "Brexit cứng" - không có thỏa thuận và nước Anh ra đi trong hỗn loạn. Kéo dài thời hạn 29/3 là một lựa chọn cần cân nhắc".
Tổng thống Pahor cho rằng việc trì hoãn Brexit không giúp quá trình tìm kiếm sự thỏa hiệp dễ dàng hơn, nhưng tạo điều kiện để các nghị sĩ Anh có được một sự minh bạch và đồng thuận.
Trước đó, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cho biết vẫn chưa thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ về một Brexit không thỏa thuận. Đồng thời đề cập khả năng kéo dài thời hạn Brexit sau ngày 29/3 nếu London đưa ra một lịch trình cụ thể vào thời gian này. Mọi sự trì hoãn sẽ phải được 27 nước EU thông qua tuyệt đối.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Anh Theresa May cam kết sẽ thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu về việc gia hạn thời điểm Anh rời EU nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với khối này trong trường hợp thỏa thuận Brexit sửa đổi bị Quốc hội Anh bác bỏ một lần nữa.
Nếu thỏa thuận này không được thông qua một lần nữa vào ngày 12/3 tới, chính phủ sẽ tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác vào ngày 13/3 để các nghị sĩ quyết định liệu có chấp nhận kịch bản Brexit cứng hay không. Nếu tiếp tục phủ quyết, Quốc hội sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/3 về phương án tìm kiếm sự "gia hạn ngắn và có giới hạn" đối với Điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon.
Thủ tướng Anh nhấn mạnh Anh sẽ chỉ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào vào ngày 29/3 nếu có sự chấp thuận của Hạ viện nước này.
Dù Tổng thống Slovenia khẳng định nước này và nhiều quốc gia châu Âu khác muốn kéo dài khung thời gian cho Brexit. Tuy nhiên, nếu muốn lùi thời hạn này cần tới 27 lá phiếu đồng ý. Đến thời điểm này, kịch bản cho nước Anh se đi theo hai hướng..
Thứ nhất, EU không đồng thuận gia hạn và Thủ tướng May vẫn không thuyết phục được sự đồng thuận của Quốc hội nước này, kết quả của một cuộc hạ cánh cứng là rõ ràng. Đây là tương lai xấu với cả Thủ tướng Anh và nền kinh tế nước Anh.
Thứ hai, EU đồng thuận trì hoãn, gia hạn, cho thỏa thuận Brexit thêm thời gian. Như vậy, bà Theresa May sẽ có thêm một khoản thời gian nhất định (sẽ được tiết lộ trong nghị quyết đồng thuận gia hạn của châu Âu).
Khoảng thời gian này bà May sẽ phải xoay sở để thuyết phục Quốc hội chấp nhận cho các điều khoản trong Brexit của mình. Hiện tại, EU không thông qua việc sửa đổi Brexit thêm một lần nữa, trong khi bà May cũng đã có một lần sửa đổi và không thuyết phục được các Nghị six trong Quốc hội.
Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến công việc của người Anh tại EU và ngược lại, những người EU tại Anh. Cũng như các vấn đề biên giới cứng với các khu vực muốn ly khai khỏi Anh cũng chưa được giải quyết triệt để.
Xung đột Ấn Độ-Pakistan: Kashmir rực lửa
Ngày 2/3, Ấn Độ và Pakistan đã nã súng cối và pháo vào nhau ở khu vực tranh chấp Kashmir, mặc dù căng thẳng giữa hai bên đã hạ nhiệt sau khi Pakistan thả phi công Ấn Độ bị bắn hạ một ngày trước đó.
Đã có hai binh sĩ và hai thường dân Pakistan thiệt mạng. Tại Ấn Độ, một phụ nữ và hai đứa con chết sau khi ngôi nhà của họ bị phá hủy bởi đạn súng cối.
Cùng ngày, Tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ Bipin Rawat đã đến Udhampur, thuộc vùng Kashmir do Ấn Độ quản lý, để xem xét an ninh biên giới.
Kashmir là khu vực tranh chấp giữa Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc. Ấn Độ kiểm soát khoảng 43% diện tích khu vực, Pakistan khoảng 37% trong khi Trung Quốc kiểm soát 20%.
Dân làng tại biên giới trú ẩn ở các boong-ke. Cảnh sát yêu cầu người dân không ra khỏi nhà nếu không thật sự cần thiết.
Trước đó, ngày 1/3, Pakistan trao trả phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman bị bắt trong cuộc chạm trán giữa chiến đấu cơ hai bên hôm 27/2 tại khu vực Đường kiểm soát (LoC), giới tuyến tạm thời giữa hai nước tại vùng tranh chấp Kashmir.
Hàng ngàn người Ấn Độ cầm cờ tập trung tại khu vực biên giới để chào đón phi công Varthaman trở về như một anh hùng.
Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi nhấn mạnh việc thả ông Varthaman là "cử chỉ hòa bình" nhằm hạ nhiệt căng thẳng với nước láng giềng. Ông Qureshi còn kêu gọi Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres và Nga đóng vai trò trung gian nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở Nam Á.
Về phía Ấn Độ, giới lãnh đạo nước này hoan nghênh việc trở về của ông Varthaman nhưng nhấn mạnh, quân đội luôn đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ. Điều đó cho thấy, căng thẳng song phương Ấn Độ - Pakistan khó hạ nhiệt trong thời gian tới.
Chuyên trang Jane's Intelligence Review mới đây nhận định: "Có nguy cơ leo thang rất cao dẫn tới cuộc đối đầu quân sự Ấn Độ - Pakistan mang tính cục bộ nhưng căng thẳng hơn ở Kashmir".
Ấn Độ và Pakistan bị kẹt trong cuộc tranh chấp về bang Kashmir kể từ khi họ giành được độc lập vào năm 1947. Vào thời điểm hai nước tuyên bố độc lập, bang Jammu và Kashmir với đa số là người Hồi giáo. Họ đang được cai trị bởi Hari Singh, một người theo Ấn Độ giáo.
Hari Singh đã đưa ra tùy chọn gia nhập một trong hai quốc gia hoặc duy trì sự độc lập. Tuy nhiên, khi đối mặt với sự xâm nhập của dân quân từ các bộ lạc được Pakistan hậu thuẫn, Hari Singh đã chọn gia nhập Ấn Độ, kích động cuộc chiến giữa hai nước xảy ra vào ngày 22/10/1947.
Đến ngày 1/1/1949, lệnh ngừng bắn được công bố giữa hai nước. Pakistan chiếm khoảng một phần ba Kashmir. Đường kiểm soát chung được hình thành từ đó. Theo một cách nào đó, nó trở thành biên giới giữa hai nước.
Tại thời điểm này, Chính phủ Ấn Độ đã đồng ý tiến hành trưng cầu dân ý về tương lai và lập trường chính trị của người dân Kashmir, nhưng chưa bao giờ thực hiện. Người dân Kashmir tỏ ra không hài lòng về cách giải quyết vấn đề của Kashmir của chính phủ Ấn Độ. Kể từ năm 1989, sự thất vọng này tăng lên với sự hình thành các nhóm dân quân, thường do phía Pakistan hỗ trợ.
Nga, Israel bắt tay đẩy lùi các lực lượng nước ngoài khỏi Syria
Thông báo này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tới thăm Moscow, nơi ông đã gặp Tổng thống Vladimir Putin. Đây là cuộc gặp chính thức kéo dài đầu tiên mà hai nhà lãnh đạo đã có kể từ khi sự cố máy bay tình báo Nga bị bắn rơi xuống Syria hồi tháng 9 năm ngoái.
Ông Netanyahu cho biết, cuộc gặp với Tổng thống Putin là "tốt đẹp và có tính xây dựng".
Nhà lãnh đạo Israel cũng cho biết, ông đã chia sẻ thông tin tình báo về việc Iran triển khai lực lượng ở Syria. Theo Thủ tướng Israel, Nga cũng quan tâm đến việc loại bỏ tất cả các cường quốc nước ngoài khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá suốt 8 năm này.
Một ngày sau phát biểu của Israel, ông Putin xác nhận hai nước đang hợp tác để thành lập một nhóm làm việc chung. Tổng thống Nga cho rằng, nhóm này sẽ có mục tiêu bình thường hóa tình hình ở Syria sau thất bại của các nhóm khủng bố tại đây.
Ông Putin cũng nhấn mạnh rằng việc bình thường hóa tình hình ở Syria đòi hỏi phải rút toàn bộ lực lượng vũ trang nước ngoài khỏi nước này đồng thời khôi phục hoàn toàn chính quyền Syria cùng với việc giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Mỹ vào cuộc vụ Pakistan “sử dụng sai” F-16 chống Ấn Độ
Washington đang tìm kiếm thêm thông tin về việc Pakistan lạm dụng máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất để tấn công Ấn Độ, vi phạm thỏa thuận giữa nhà cung cấp với người dùng cuối, bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Không quân Ấn Độ hôm 28/2 vừa qua đã trưng bày các bộ phận của tên lửa không đối không AMRAAM để làm bằng chứng "chứng minh" rằng Pakistan đã triển khai chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất trong một cuộc không kích nhằm vào các cứ điểm quân sự Ấn Độ ở Kashmir sau khi nước này tiến hành "chiến dịch chống khủng bố" ở Balakot, tờ India Today cho hay.
Pakistan trước đó một ngày khẳng định rằng không có máy bay chiến đấu F-16 nào được sử dụng, đồng thời phủ nhận thông tin rằng một máy bay của nước này bị Không quân Ấn Độ bắn hạ.
"Chúng tôi đã biết về những báo cáo đó và đang thu thập thêm thông tin", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ nói khi được hỏi rằng liệu Pakistan có vi phạm thỏa thuận người dùng cuối với Mỹ trong cuộc đụng độ ở khu vực biên giới với Ấn Độ hồi tuần này hay không.
"Do các thỏa thuận về việc không tiết lộ hợp đồng mua bán quân sự nước ngoài nên chúng tôi không thể thảo luận về các chi tiết cụ thể của thỏa thuận người dùng cuối có bao gồm trong đó hay không", Kone Faulkner, một phát ngôn viên bộ Quốc phòng Mỹ cho hay.
Theo Cơ quan Hợp tác An ninh và Quốc phòng của Lầu Năm Góc, F-16 được sử dụng để "tăng cường khả năng của Pakistan trong việc tiến hành các hoạt động chống nổi dậy và khủng bố".
Những tài liệu công khai cho hay Mỹ đã áp đặt gần 10 hạn chế đối với Pakistan liên quan tới việc sử dụng F-16.
Trong phiên điều trần của Quốc hội vào ngày 20/7/2006, John Miller, Thứ trưởng bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề chính trị - quân sự, đã nói với các nhà lập pháp rằng Mỹ đã "xem xét rất cẩn thận" những rủi ro tiềm ẩn của việc chuyển hướng công nghệ và thiết bị của Washington.
Mặc dù những thông tin chi tiết liên quan tới các hạn chế này được thảo luận trong phiên họp kín và mang tính bảo mật, nhưng sau đó ông Miller đã công bố một số hạn chế mà theo ông là "một loạt các yếu tố mới chưa từng có" của kế hoạch an ninh dành cho Pakistan.
Trước đó, ngày 26/2, không quân Pakistan đã bắn hạ một tiêm kích của Ấn Độ trong không phận nước này, đồng thời bắt sống một phi công.