Tìm hiểu hệ thống bầu cử Mỹ qua lá phiếu đại cử tri
Lá phiếu đại cử tri luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Mỹ. Tuy nhiên, việc bầu tổng thống qua lá phiếu đại cử tri cũng có rất nhiều ưu điểm, giúp nó đứng vững hơn 200 năm qua.
Bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào thứ ba ngay sau thứ hai đầu tiên trong tháng 11. Vào đêm bầu cử, không phải là vấn đề ai sẽ giành được nhiều phiếu của cử tri hơn.
Cử tri Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống mà họ dùng phiếu phổ thông để chọn các đại cử tri trong bang, những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành tổng thống. Đây là quy trình bầu cử tri đoàn.
Nước Mỹ có 50 tiểu bang và thủ đô Washington D.C. Mỗi nơi có một cử tri đoàn với số lượng thành viên được phân bổ dựa trên dân số địa phương. Tổng số có 538 đại cử tri.
Số lượng đại cử tri mỗi bang tỉ lệ thuận với dân số. Những tiểu bang đông dân như California - bang có số dân lớn nhất, sẽ có nhiều đại cử tri hơn, được 55 đại cử tri. Ngược lại, nơi thưa dân như Tây Virginia được phân bổ ít đại cử tri hơn. Delaware, bang có dân số nhỏ nhất, chỉ có 3 đại cử tri.
Tại hầu hết các bang, ứng viên nào được nhiều lá phiếu cử tri hơn, kể cả chỉ hơn một phiếu sẽ giành được toàn bộ các lá phiếu đại cử tri đại diện cho bang đó. Vì vậy vấn đề nằm ở các con số, ứng viên nào giành được tối thiểu một nửa, tức 270 đại cử tri sẽ là người chiến thắng.
Nhiều tiểu bang có truyền thống ủng hộ cùng một đảng phái trong mọi kỳ bầu cử, nhưng một số tiểu bang khác như Florida, Pennsylvania và Ohio lại không như thế. Những bang này được coi là bang chiến địa hay những tiểu bang dao động, bởi đây là những nơi sự ủng hộ thường thay đổi, xoay chuyển từ đảng này sang cho đảng kia.
Vì thế đây là những nơi các ứng viên cần nỗ lực giành phiếu, và là những nơi có thể đem đến sự thành bại cho mỗi ứng viên. Đó là lý do khiến cho chiến dịch vận động tranh cử thường được chú trọng nhắm vào những nơi này nhằm giành giật tối đa các phiếu bầu.
Đại cử tri bỏ phiếu ở New York năm 2012
Vấn đề lá phiếu đại cử tri luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Mỹ và không ít chính khách (trong đó có Hillary Clinton hồi làm thượng nghị sĩ) từng đề nghị hủy bỏ cơ chế phiếu đại cử tri, bởi nó làm mất giá trị sự tồn tại lá phiếu phổ thông.
Chính lá phiếu đại cử tri là nguyên nhân dẫn màn hỗn loạn trong mùa bầu cử 2000 giữa George W. Bush và Al Gore. Ông Gore thắng ông Bush ở lá phiếu phổ thông, nhưng ông Bush lại hơn ông Gore số phiếu đại cử tri, đặc biệt tại bang Florida, nơi em trai Bush ngồi ghế thống đốc. Kết quả là ông Bush đắc cử tổng thống.
Tuy nhiên, việc bầu tổng thống qua lá phiếu đại cử tri cũng có rất nhiều ưu điểm giúp nó đứng vững hơn 200 năm qua và được xem là một phần quan trọng của nền dân chủ Mỹ.
Trước hết, đó là sự chắc chắn và ổn định của kết quả. Cơ chế đại cử tri đoàn với hệ thống “được ăn cả ngã về không” đảm bảo rằng sự bất định sẽ không xảy ra, khi mà số phiếu bầu cho một đảng phái không đủ để kiểm soát chính phủ.
Thêm vào đó, bầu cử thông qua đại cử tri bảo đảm cho ra kết quả là một tổng thống của mọi người. Về thực chất, vẫn là người dân Mỹ lựa chọn tổng thống cho mình.