Tiêm filler nâng mũi ở spa, cô gái bị tắc mạch nguy hiểm
Đến một spa ở Hà Nội để tiêm filler nâng mũi, cô gái bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng đỉnh, sống mũi và góc giữa 2 cung mày.
Nữ bệnh nhân bị tắc mạch khi tiêm filler để nâng mũi
Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - BV Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.T. (30 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng do tiêm filler vào vùng mũi.
Bệnh nhân cho biết, ngày 1/7 có đến 1 spa ở Hà Nội để tiêm filler vào vùng mũi.
Sau khi tiêm vài giờ, bệnh nhân xuất hiện bầm tím vùng đỉnh mũi, đau tức mũi nhẹ. Hôm sau, vết bầm tím lan rộng sang vùng sống mũi, lên góc giữa hai cung mày nên bệnh nhân nhanh chóng đến BV Da liễu TƯ thăm khám.
Tại BV, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tắc mạch do chất làm đầy gây tổn thương xuất huyết ở vùng đỉnh, sống mũi và góc giữa 2 cung mày, ấn kính không mất màu; mật độ mềm, không nóng đỏ nên đã tiến hành điều trị.
Theo đó, các bác sĩ đã tiêm hyaluronidase để hóa giải filler giải phóng chèn ép và thông lòng mạch máu, đồng thời sử dụng thuốc giãn mạch, chống huyết khối và chống phù nề. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được theo dõi ở BV.
Trước đó, BV Da liễu TƯ cũng đã điều trị cho bệnh nhân Đoàn Thị M. (23 tuổi, ở Hà Nội) bị biến chứng sau khi tiêm chất làm đầy filler VINCI. Bệnh nhân đã tiêm filer tại 1 spa ở quận Đống Đa (Hà Nội).
Sau tiêm 1 ngày, bệnh nhân thấy mũi đỏ, đau, tiết dịch ở da. Bệnh nhân quay lại spa thì được tiêm Hyalurolidase. Sau mũi tiêm này, mũi của bệnh nhân M. giảm màu đỏ nhưng lại sưng nề, tiết dịch, hình thành nhiều ổ mủ trên mũi. Thấy vậy, bệnh nhân đã đến BV Da liễu TƯ thăm khám.
Các bác sĩ đã đánh giá toàn bộ tháp mũi bệnh nhân sưng nề, nhiều ổ mủ lan rộng đỉnh mũi và sống mũi, sống mũi đỏ, tiết dịch. Tuy nhiên, do chất làm đầy này đã xâm nhập vào mạch máu, gây phá hủy tế bào nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn
Theo các bác sĩ, tiêm filler làm đẹp hiện được khá nhiều chị em lựa chọn để tiêm nâng mũi, tạo cằm V line, bơm vào má làm đầy mặt, giảm nếp nhăn...
Tuy nhiên, không ít trường hợp bị biến chứng sau tiêm filler. Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân có thể phục hồi gần như ban đầu. Ngược lại, nếu muộn, phần mũi hoặc cằm hoại tử, bệnh nhân có thể bị mất mũi, không thể phục hồi trở lại bình thường. Trường hợp người thực hiện thủ thuật sai cách mà tiêm nhầm vào mạch máu thì filler sẽ theo mạch máu di chuyển và xâm nhập đến các bộ phận khác rất nhanh, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Theo TS. Nguyễn Hữu Quang - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng - BV Da liễu Trung ương, khi muốn tiêm chất làm đầy filler, bệnh nhân nên đến các BV hoặc cơ sở y tế chuyên khoa da liễu - thẩm mỹ để được các bác sĩ khám và tư vấn các phương pháp an toàn khoa học.
Bệnh nhân không nên đến các cơ sở y tế không có bác sĩ chuyên khoa, không có chứng chỉ hành nghề về chuyên ngành thẩm mỹ, không nghe tư vấn thiếu khoa học và đặc biệt là không được để những người không phải bác sĩ thực hiện thủ thuật cho mình, nhằm hạn chế các tai biến có thể xảy ra.
Xem thêm Clip: Bí quyết phục hồi tóc hư tổn cực dễ tại nhà