Thiên tai khiến 139 người chết và mất tích, gây thiệt hại hơn 5.100 tỷ đồng
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến ngày 11/10, thiên tai đã khiến 139 người chết và mất tích, 211 người bị thương. Ngoài ra, gây thiệt hại về tài sản ước tính hơn 5.100 tỷ đồng.
Theo Báo Lao động, thông tin từ Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 12/10, trên cả nước đã xảy ra 4 cơn bão; 1 cơn áp thấp nhiệt đới; 206 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 197 trận dông lốc, sét; 82 vụ sạt lở bờ sông; 226 trận động đất; 9 trận gió mạnh trên biển và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Thiên tai đã khiến 139 người chết, mất tích, 211 người bị thương; 630 nhà sập, 15.729 nhà hư hỏng, tốc mái; 247.460ha lúa, hoa màu và 44.795ha cây trồng khác ngập úng, thiệt hại; 21.258 con gia súc, 468.047 con gia cầm bị chết, bị cuốn trôi.
Ngoài ra, thiên tai cũng làm 335 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 17.561ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 9.007 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 255.903m đê, kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 130 cầu bị hư hỏng, cuốn trôi; sạt lở, hư hỏng 228,95 km đường giao thông với khối lượng 1.024.304m3 đất, đá.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, trong hơn 10 tháng qua, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính trên 5.167 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Theo Báo Sức khỏe & Đời sống, tại cuộc họp giao ban sáng 12/10, ông Phạm Đức Luận - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai nhấn mạnh diễn biến mưa lũ tại khu vực Trung Bộ vẫn còn phức tạp. Vùng mưa mở rộng sang các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chính vì vậy, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan.
Ông Luận thông tin, hiện các tỉnh khu vực Trung Bộ đang tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác di dời, sơ tán dân ứng phó với lũ, ngập lụt. Cử lực lượng tuần tra, canh gác tại các khu vực ngầm tràn, đường giao thông bị ngập lụt, sạt lở và dọn dẹp đất đá, khắc phục sạt lở và tìm kiếm người mất tích.
Trước đó, ngày 20/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai có Công văn số 73/QGPCTT yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó thiên tai những tháng cuối năm 2022, giảm thiệt hại về người và tài sản, góp phần ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế-xã hội.
Nội dung công văn nêu rõ, từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành địa phương đã tích cực, chủ động vào cuộc chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó. Tuy nhiên, thiên tai vẫn gây thiệt hại rất lớn về tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, đời sống của nhân dân.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, những tháng cuối năm 2022 thiên tai còn diễn biến phức tạp, khó lường với 8-10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, trong đó 3-5 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển và đất liền nước ta dồn dập trong tháng 10 và 11 năm 2022; mưa ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên đều ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nguy cơ gây ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, nhất là tại Trung Bộ, Tây Nguyên.