Thiền không đúng cách có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào?
Thiền ngày càng được ưa chuộng và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của nhiều người. Tuy nhiên, thiền không đúng cách có thể gây nhiều nguy hại đến tinh thần và sức khỏe cho người tập.
Mấy ngày nay, sự việc "vua cà phê Việt" Đặng Lê Nguyên Vũ trải qua hành trình 49 ngày thiền định là một trong những tâm điểm của dư luận. Vậy thiền là gì, thiền có ích lợi ra sao? làm thế nào để thiền đúng cách? Bài viết dưới đây sẽ nói rõ hơn về vấn đề này.
Thiền là gì?
Thiền là một thuật ngữ được nhiều tôn giáo sử dụng để chỉ những phương pháp tu tập khác nhau, nhưng với một mục đích duy nhất là đạt kinh nghiệm “tỉnh giác”, "giải thoát”, “giác ngộ”. Hay nói đơn giản là phương pháp thực hành nhằm rèn luyện tâm.
Ngoài ngồi thiền, cũng có một số hoạt động khác của thiền như thiền hành (thực tập thiền khi đi bộ), nằm thiền (thực hiện thiền ở tư thế nằm).
Thiền được biết đến như một phương tiện để biến đổi tâm trí. Thiền trong Phật giáo là những kỹ thuật khuyến khích và phát triển sự tập trung, rõ ràng, tình cảm và nhìn thấy rõ bản chất thực sự của sự vật. Bằng cách tham gia vào một thực hành thiền định cụ thể, người ta học được các mô hình và thói quen của tâm trí, việc thực hành này cung cấp một phương tiện để tu luyện những cách mới mẻ hơn.
Đòi hỏi kỹ luật và sự kiên nhẫn, những trạng thái bình tĩnh và tập trung của tâm trí có thể đi sâu vào các trạng thái tâm hồn thanh thản và tràn đầy sức sống. Những trải nghiệm như vậy có thể có một hiệu ứng biến đổi và có thể dẫn đến một sự hiểu biết mới về cuộc sống.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, thiền quán đã được phát triển theo truyền thống Phật giáo. Tất cả chúng ta đều có thể được mô tả là “tư duy – tâm” nhưng chúng có nhiều cách để tiếp cận khác nhau. Nền tảng của mỗi người là khác nhau nhưng sự tu luyện giúp bạn đạt được trạng thái tĩnh tâm và tích cực của tâm.
Ngồi thiền có những lợi ích gì?
Thiền giúp giảm các triệu chứng rối loạn hoảng loạn
Khi ngồi thiền, con người dùng lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/phút và tăng sóng alpha và theta ở não giúp cơ thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Ngoài ra, thiền định và quán chiếu có thể chế phục được nhân hạnh đào (amygdale), một vùng não lưu trữ những ký ức sợ hãi.
Trong khi đó, tuyến thượng thận cũng tiết ra adrenaline, điền khiển nhịp tim trong các trường hợp sợ hãi, hoảng hốt gần như được khống chế hoàn toàn. Đó là lí do vì sao những thiền sư cao cấp hay người hành thiền lâu năm khó bị chấn kích, bất an, hoảng hốt hay nổi giận như những người bình thường khác.
Thiền làm tăng nồng độ chất xám trong não
Việc thực hành thiền thường xuyên kích thích các tế bào não thùy trái hoạt động mạnh mẽ hơn, từ đó tạo cho con người cảm giác vui vẻ thường xuyên, nhanh chóng vượt qua các trạng thái tâm lý tiêu cực để trở nên lạc quan, yêu đời. Thậm chí, mức này còn vượt xa so với mức trung bình của con người và của những người có tinh thần lạc quan tự nhiên mà không thực hành thiền.
Ảnh: Internet
Thiền giúp cải thiện cảnh giác về tâm thần
Thiền buộc chúng ta cột lại tâm mình, ý thức hơn về những việc mình đang làm. Bất cứ một vọng tưởng nào nổi lên, bạn phải tìm cách để không chạy theo nó và trở về với hiện tại. Đây là cách trực tiếp nhất để chúng ta đối trị với mọi bất ổn trong tâm. Nhờ vậy, sau khi hành thiền một thời gian, bạn sẽ thấy sự tập trung của mình tăng lên. Đầu óc thoáng đãng hơn giúp tăng trí nhớ và việc giải quyết các công việc diễn ra trôi chảy và hiệu quả.
Thiền giúp cải thiện sức khỏe
Con người luôn sống trong cảm giác căng thẳng, mệt mỏi hay dễ nổi nóng chắc chắn sẽ phải đối diện với nhiều bệnh tật như tim mạch, cao huyết áp, stress… do máu luôn ở tình trạng ách tắc. Điều này sẽ khó có thể gặp ở những người có tinh thần thư thái, lạc quan nhờ hành thiền mỗi ngày khi não bộ luôn được “rửa” thường xuyên, các khu vực căng thẳng được giải tỏa.
Hơn nữa, dù là người đang mắc bệnh thì với tâm thế tích cực, mọi bệnh tật cũng sớm bị đẩy lùi hoặc thuyên giảm. Ngay cả trường hợp xấu nhất xảy đến, chúng ta cũng có thể dễ dàng đón nhận mọi thứ. Ngược lại, mọi suy nghĩ tiêu cực chỉ khiến cho bệnh tật phán tán nhanh chóng, thậm chí tự hủy hoại sức khỏe của mình trước khi bị virus hay các tế bào xấu giết chết.
Thiền giúp chúng ta thấy rõ nội tâm của mình
Hành thiền chính là cơ hội cho chúng ta nhìn lại mình, theo dõi những diễn biến của tâm để hiểu mình hơn. Con người thường có thói quen vươn ra ngoài để tìm kiếm những thứ làm thỏa mãn cái tôi. Nhưng không phải ai cũng hiểu tại sao mình lại làm như vậy và điều mình thực sự muốn là gì.
Bằng cách giữ cho tâm không còn "chạy ra ngoài" nữa, thiền giúp chúng ta quay trở về với con người bên trong mình. Bạn sẽ có cơ hội đối thoại với chính mình nhiều hơn để đi sâu, khám phá những điều mà trước giờ mình chưa hiểu hết về bản thân.
Sự biến chuyển cảm xúc theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực khi đối diện với các vấn đề trong cuộc sống được nhận diện tốt hơn. Từ đó, chúng ta biết mình còn đau khổ, vướng mắc ở đâu để tìm cách tháo gỡ, giải tỏa. Như vậy, bạn sẽ hiểu rõ mình hơn. Bạn cũng sẽ biết con đường mình cần đi để đạt tới điều thực sự cần thiết cho bản thân và người xung quanh.
Thiền không đúng cách sẽ gây ra hậu quả gì?
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy, 60% người từng thiền không đúng cách đã bị ít nhất 1 trong số các tác dụng phụ như hoảng loạn, trầm cảm và rối loạn. Còn nghiên cứu tâm lý thực hiện tại Anh cho thấy, tọa thiền sai có thể gây ra một số hậu quả sau:
Nhức đầu, căng thẳng
Trên thực tế, khi thân tĩnh thì tâm càng động, hay nghĩ nhiều thứ, lan man. Nếu không có người hướng dẫn thì người tập càng dễ nghĩ lung tung, tâm trí rối loạn, lâu dần dẫn đến nhức đầu, căng thẳng.
Vẹo cột sống
Tọa thiền nhưng tư thế không thẳng, thường vẹo sang bên này, bên kia. Nếu tiếp tục duy trì cách thiền ấy thì lâu dài người tập sẽ bị vẹo cột sống.
"Tẩu hỏa nhập ma"
Đây là một trạng thái đảo cực năng lượng trong cơ thể. Trường hợp đó thường rơi vào người tập khi không có kiến thức, hoặc không có thầy hướng dẫn, hỗ trợ. Ngoài ra, có thể do người tập đặt vấn đề không hài hòa, chẳng hạn khi thiền nhẽ ra cần tâm định thì người ta lại dùng trí định, trong thiền cần trống rỗng thì lại tập trung suy nghĩ.
Làm thế nào để thiền đúng cách?
Về cơ bản, thiền gồm ba giai đoạn chính trong đó giai đoạn đầu và giai đoạn cuối có thời gian dài tương đương nhau thường từ 5 – 10 phút và giai đoạn giữa có thời gian dài nhất từ 20 – 40 phút. Chương trình tập của bạn sẽ do chính bạn quyết định, tùy theo sức của mình và cần đảm bảo tuyệt đối không làm gì khác trong thời gian này.
Quan trọng nhất là tâm tọa
Hòa thượng Thích Đạo Thực cho rằng, khi thiền, quan trọng nhất là tâm tọa. Tức là làm thế nào để tâm tĩnh, không bị xáo động. Về nguyên tắc, phải giảm thiểu những ý nghĩ miên man trong đầu một cách từ từ. Mỗi ngày giảm một ít, đến khi trong đầu không còn suy nghĩ những điều khác, tâm sẽ được trong sáng.
Từ thế ngồi và hít thở
Thiền có 3 tư thế ngồi cơ bản là ngồi xếp bằng, ngồi bán già và kiết già. Trong đó, ngồi kết già là được sử dụng nhiều hơn hết. Hít vào bằng mũi, dồn xuống bụng và thở hết ra bằng miệng. Vai thấp và thả lỏng, lưng thẳng nhưng không căng, không ép sát khủy tay vào người mà hơi đưa ra.
Cần chọn một nơi yên tĩnh
Nguyên tắc cơ bản khi ngồi thiền là tập trung. Nhắm mắt khi ngồi thiền được xem là một cách giúp tăng độ tập trung. Những quan sát qua điện não đồ cho thấy, chỉ cần nhắm mắt để loại bỏ thị giác là đã giảm được 50% các kích thích từ bên ngoài. Việc chủ động giãn mềm cơ bắp cũng có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình thư giãn và nhập tĩnh. Khi tinh thần đã trống rỗng, không vướng niệm dần dần thiền sẽ đi đến trạng thái vô thức, thoải mái.
Tập luyện đều đặn mỗi ngày
Điều quan trọng là cần tập luyện đều đặn, mỗi ngày 1 hoặc 2 lần. Khi mới tập có thể ngồi khoảng 15 phút/lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi đúng tư thế, nhắm mắt, đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hay giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện, giúp người tập đi vào trạng thái thiền định.
Xả thiền - Kết thúc bài tập
Để kết thúc thiền, bạn thực hiện vài động tác thư giản để cơ thể hết mỏi và khí huyết lưu thông. Xoa bóp cơ mặt, chân, cổ, lưng, hông để các cơ được giãn ra. Việc xả thiền phải làm từ từ, chính xác. Nếu làm không đúng, có thể làm người thiền bị chứng nhức đầu, các khớp xương cứng khó cử động, các bắp thịt chân bị chuột rút, tê cứng và nhất là về sau mỗi khi tọa thiền cảm thấy khó chịu không yên.
Bạn nên thiền vào buổi sáng trước khi tập thể dục và ăn sáng. Một buổi thiền buổi sáng sẽ giúp bạn khởi đầu ngày mới đầy phấn khởi.