Thêm một trường hợp cháu bé bị dập nát bàn tay do chơi pháo
Thời gian vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm do pháo. Nạn nhân thường là học sinh cuối cấp tiểu học hoặc THCS, sinh viên. Nhiều trường hợp chơi pháo đã bị hỏng mắt hoặc mất bàn tay, ngón tay…
Thời gian vừa qua xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn thương tâm do pháo. Hình minh họa.
Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rất nhiều nhưng hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán vẫn thường xảy ra nhiều vụ tai nạn do nổ pháo.
Khoa Chấn thương Chỉnh hình - Bỏng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân đến điều trị với tình trạng bàn tay bị dập nát do bị pháo nổ.
Bé T.T.Kiên (9 tuổi) quê ở Tân Thành, Yên Thành, Nghệ An, nhập viện vào ngày 27/01/2018, bị tai nạn pháo nổ, đa vết thương nham nhở bàn tay trái do trước đó Kiên mua diêm về nhà chơi, sau đó cạo đầu đỏ lấy thuốc diêm cho vào 1 đoạn đũa sắt rỗng rồi lấy que nén bột lại. Quả pháo tự chế này nổ tung khi bị tác động khiến bàn tay trái của Kiên bị dập nát.
Một bệnh nhân khác là P.T.Bằng (15 tuổi), trú tại Hưng Nguyên, Nghệ An, nhập viện ngày 28/1/2018 cũng bị pháo nổ, vết thương hở 8*2cm, lộ xương bàn ngón số 1 phức tạp, gãy xương ngón tay cái.
Bằng cho biết mình bị thương do tự chế pháo bằng cách giã nát đầu que diêm rồi lấy chất bột đỏ trộn với phốt pho cạo ra từ vỏ bao, quấn giấy lại làm thành pháo nổ, cách làm em tìm hiểu được trên mạng.
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp trẻ em bị tai nạn thương tâm do chơi pháo tự chế.
Hình ảnh một loại pháo tự chế trên mạng internet.
Qua những tai nạn đáng tiếc trên, các bác sĩ cảnh báo trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực.... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo thêm, vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục, phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Để đón tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh, hướng dẫn họ tích cực tuyên truyền, vận động người thân thực hiện tốt các quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về nổ pháo, quản lý vũ khí, vật liệu nổ; ràng buộc trách nhiệm gia đình – nhà trường trong việc giáo dục, răn đe con em họ thực hiện nghiêm các quy định về việc phòng chống đốt pháo và thả đèn trời.
Xem thêm clip: Sân Hàng Đẫy chìm trong pháo sáng, CĐV Nam Định tràn xuống sân