Sự thật về việc trẻ dậy thì sớm liên quan đến thực phẩm?

11-09-2019 10:48:21

Theo chuyên gia, chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất ít đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Dậy thì sớm ở trẻ nguyên nhân thường kết hợp yếu tố về vật chất và các yếu tố môi trường, xã hội.

Dậy thì sớm nguyên nhân chính có phải là thực phẩm?


Liệu thực phẩm có phải là nguyên nhân gây dậy thì sớm?

Người xưa có câu "gái thập tam, nam thập lục" để chỉ thời điểm dậy thì của trẻ, ở trẻ gái là 13 tuổi, trẻ trai là 16 tuổi. Nhưng hiện nay độ tuổi dậy thì ở trẻ đã giảm xuống. Đã từng có trường hợp bé gái chưa 10 tuổi đã có kinh nguyệt, trẻ lớn nhanh một cách bất thường, cao lớn như một thiếu nữ.

Điều lo lắng của cha mẹ hiện nay là khi trẻ uống các thực phẩm bổ sung, cao lớn hay ăn phải các loại rau quả trái vụ… sẽ làm trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chế độ ăn uống ảnh hưởng rất ít đến tình trạng dậy thì sớm ở trẻ. Không có một thực phẩm cụ thể nào gây ra dậy thì sớm ở trẻ, trừ những thực phẩm có chứa hormone. Mà những thực phẩm chứa hormone cũng thường bị các cơ quan chức năng cấm và kiểm soát. Và lượng hormone tự nhiên trong thực phẩm rất ít, rất khó để gây dậy thì sớm cho trẻ.

Việc tầm bổ con quá mức của nhiều cha mẹ có chăng làm cho trẻ phát triển nhanh về thể chất, tạo điều kiện để trẻ dậy thì sớm chứ không phải là nguyên nhân chính dẫn tới việc trẻ bị dậy thì sớm. Dậy thì sớm ở trẻ nguyên nhân thường kết hợp yếu tố về vật chất và các yếu tố môi trường, xã hội phát triển. Đó là, trẻ nhỏ hiện nay tiếp xúc và ảnh hưởng của phim ảnh quá nhiều. Sự phát triển của công nghệ và nhiều những yếu tố liên quan đến tình dục không phù hợp độ tuổi. Bên cạnh đó là dư thừa về mặt dinh dưỡng làm thể chất của trẻ tăng nhanh, kéo theo phát triển về sinh dục.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho rằng, dậy thì sớm được xác định là con gái phải dưới 8 tuổi, con trai thì dưới 10 tuổi. Trên mức này không gọi là sớm. Nhiều cha mẹ đang nhầm lẫn giữa dậy thì sớm thật và dậy thì sớm giả. Việc trẻ phát triển về thể chất kéo theo sự phát triển về sinh dục được gọi là dậy thì thực. Còn dậy thì giả là bệnh. Đó là không cần những yếu tố kinh tế, xã hội, môi trường, vật chất trẻ vẫn có biểu hiện dậy thì. Các bộ phận sinh dục, phần phụ của trẻ có biểu hiện giống như là dậy thì nhưng thực chất đứa trẻ đó không có khả năng sinh sản.

Trẻ có các biểu hiện như vú to lên, mọc lông nách, mọc lông mu, trẻ nam mọc râu… nhưng khi thăm khám thấy trẻ nữ buồng trứng không phát triển, trẻ nam tinh hoàn có thể phát triển hoặc không phát triển nhưng không có tinh trùng. Những trẻ như vậy là dậy thì giả và thuộc một nhóm bệnh lý riêng cần phải được điều trị sớm. Tình trạng dậy thì giả có thể là do mắc các bệnh u não, viêm não, các bệnh ở thận, thượng thận…

Với trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm thật sẽ có những dấu hiệu nhận biết tương tự dậy thì giả nhưng có ở bé gái xuất hiện thêm tình trạng có kinh nguyệt, tử cung, buồng trứng phát triển... Với những trẻ này thể chất của trẻ phát triển, trẻ cao to hơn bình thường, các bộ phận phát triển như một người bình thường, chỉ có cái là tuổi thấp, trẻ có thể sinh con đẻ cái được do bộ phận sinh dục đã phát triển.

Điều cần làm để tránh cho trẻ không dậy thì sớm


Đã có trường hợp bé gái chưa 10 tuổi đã có kinh nguyệt, lớn nhanh một cách bất thường khiến gia đình hoang mang.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh, trẻ dậy thì sớm bị ảnh hưởng tới tâm sinh lý khiến chiều cao bị hạn chế trong tương lai do làm cho đầu xương đóng khép sớm, rút ngắn thời kỳ sinh trưởng.

Trẻ dậy thì cũng đồng nghĩa với việc sẽ có bản năng tình dục. Ở lứa tuổi quá nhỏ trẻ sẽ không suy xét và kiềm chế khả năng ham muốn. Nếu trẻ không được giáo dục cẩn thận có thể sinh con ngoài ý muốn, mà điều này rất có hại cho trẻ. Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới đường tình dục nếu bị lạm dụng mà không hay biết.

Theo các chuyên gia, với những trẻ dậy thì sớm thật thì các bệnh viện đã có thuốc can thiệp để giảm quá trình dậy thì, giúp trẻ lớn đạt mức. Cha mẹ cần làm là giáo dục về tâm sinh lý cho trẻ để trẻ nhận thức đúng và biết cách tự bảo vệ mình, giúp trẻ phát triển về tâm sinh lý nhanh hơn để theo kịp với sự phát triển về cơ quan sinh dục.

Để trẻ phát triển khỏe mạnh cũng như phòng ngừa trẻ dậy thì sớm cần phải xây dựng một chế độ sinh hoạt lành mạnh. Cha mẹ cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, giàu vitamin rau củ, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, cha mẹ khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, vận động thể dục mỗi ngày như bơi lội, đá bóng... để tăng sức đề kháng, phát triển đồng bộ cả thể chất và trí tuệ. Khi thấy trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, kể cả dậy thì thật hay là giả cũng cần đi kiểm tra để có can thiệp kịp thời.

Hà My -Lĩnh Nguyễn
Theo Gia đình& Xã hội //