Số ca mắc Covid-19 giảm sâu, tại sao Việt Nam chưa công bố hết dịch?
Hiện nay, số ca mắc Covid-19 mỗi ngày đều còn khoảng dưới 500 ca, số ca tử vong rải rác và trên các bệnh nhân vốn đã có bệnh nền nặng. Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho biết vẫn chưa thể công bố hết dịch.
Theo Bộ Y tế, số ca Covid-19 mắc mới hàng ngày "lên xuống" thất thường, trung bình khoảng 500 ca/ngày. Thậm chí, ngày 24/10 chỉ ghi nhận 158 ca, là số ca mắc thấp nhất trong vòng hơn 1,5 năm qua (kể từ tháng 4/2021).
Số ca Covid-19 tử vong cũng rải rác và chủ yếu ở các bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền nặng.
Ngày 22/10, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, có ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị Chính phủ tuyên bố Việt Nam kết thúc đại dịch Covid-19.
Hiện nay các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cũng không còn được áp dụng ở các nơi công công, người dân hầu như không còn quan tâm đến Covid-19, việc mắc Covid-19 cũng trở nên "bình thường", thậm chí không đáng lo bằng các bệnh sốt xuất huyết, virus Adeno…
Theo các chuyên gia y tế, số ca Covid-19 mắc mới ghi nhận mỗi ngày hiện nay cũng không đúng với tình hình thực tế vì nhiều người dân không khai báo (Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh HCDC)
Dịch Covid-19 vẫn khó lường
Trả lời câu hỏi: "Tại sao dịch giảm sâu mà Việt Nam chưa công bố hết dịch?", GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, dù dịch đã giảm ở Việt Nam nhưng tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Hiện dịch vẫn chưa ổn định và khó dự đoán; miễn dịch đáp ứng do mắc phải hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; virus SARS-CoV-2 liên tục có sự biến đổi với các biến thể mới, biến thể phụ của virus tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, tránh được miễn dịch, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ khả năng làm tăng nặng, tử vong.
Theo GS Lân, khi công bố hết dịch thì Việt Nam có thể rơi vào tình huống "trở tay không kịp" nếu dịch bùng phát trên diện rộng, virus biến đổi có độc lực mạnh hơn, khiến ca bệnh nặng và tử vong tăng lên.
Nếu chúng ta đã công bố hết dịch thì việc kích hoạt các biện pháp chống dịch trở lại sẽ bị động. Khi đó, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân trong phòng chống dịch sẽ không thể nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng với diễn biến nhanh của bệnh dịch. Lúc đó, người dân cũng có tâm lý chủ quan, lơ là.
Tiêm vaccine Covid-19 vẫn là giải pháp phòng dịch hiệu quả nhất hiện nay. (Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân tại TP.HCM. Ảnh HCDC)
Ngoài ra, khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng, chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân… trong tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Linh hoạt trong phòng chống dịch Covid-19
PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) nhận định, các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 hiện nay đã thay đổi cơ bản. Số ca Covid-19 được Bộ Y tế công bố hàng ngày hiện nay giảm khá mạnh nhưng có thể không phải con số thực tế.
Người dân đã không "coi trọng" việc mắc Covid-19 nên không khai báo, hoặc khi mắc Covid-19 với triệu chứng nhẹ cũng chỉ coi là "cảm cúm" nên không để ý.
"Chúng ta đã đề ra các biện pháp phòng dịch Covid-19 nới lỏng hơn trước rất nhiều. Cụ thể như thông điệp 2K + được thay thế thông điệp 5K trước đây. Những sự thay đổi này phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Quan điểm chống dịch hiện nay là nới lỏng nhưng không buông lỏng. Đồng thời không quên việc phòng chống các dịch bệnh khác", PGS Phu nhận định.
Còn theo GS Lân, các biện pháp phòng chống dịch hiện nay đã đảm bảo sự linh hoạt theo tình hình dịch dịch đang trong tình trạng được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản đã trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân trong hoạt động đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh;
Nếu dịch bùng phát ở địa phương nào thì địa phương đó lập tức kích hoạt các biện pháp phòng dịch theo đúng như kịch bản mà Bộ Y tế đã đề ra.
Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức quốc tế, cùng các chuyên gia, các nhà khoa học theo dõi chặt chẽ và thường xuyên đánh giá tình hình dịch Covid-19. Các biện pháp phòng chống dịch sẽ được kịp thời điều chỉnh nhằm chủ động đáp ứng với dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe người dân.